Đón làn sóng đầu tư mới từ Campuchia
- Tây Y
- 15:43 - 23/06/2017
Tiềm năng thương mại giữa hai nước rất lớn
Số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Campuchia trong những năm gần đây luôn ở trạng thái xuất siêu của Việt Nam sang thị trường Campuchia. Cụ thể, trong năm 2011 tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Campuchia đạt 2,84 tỷ USD, trong đó xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam là 2,41 tỷ USD, nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Campuchia là gần 430 triệu USD và thặng dư thương mại 1,98 tỷ USD. Đến năm 2013, xuất siêu hàng hóa từ Việt Nam sang quốc gia này đã đạt mức kỷ lục 2,4 tỷ USD, chiếm đến 83% tổng trị giá xuất khẩu của nước ta sang Campuchia. Tuy nhiên, mức thặng dư này đã suy giảm dần và chỉ đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2016.
Trong thương mại hai chiều của Việt Nam với các nước trong nội khối ASEAN, Campuchia đứng vị trí thứ 6 về xuất khẩu và thứ 7 về nhập khẩu trong năm 2016. Mặc dù là một nước láng giềng kề cận nhưng hoạt động giao thương hàng hoá giữa Việt Nam và Campuchia vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Tổng kim ngạch hàng hoá xuất nhập khẩu với nước này trong nhiều năm qua chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam (chỉ khoảng 1,1% đến 1,2%). Số liệu mới nhất cho thấy kim ngạch xuất nhập khẩu 3 tháng từ đầu năm 2017 là 1,08 tỷ USD trong đó xuất khẩu là 640 triệu, giảm 19,6% so với cùng thời gian năm 2016, trong khi đó nhập khẩu là 446 triệu, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Cuối tháng 10/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia Pan Sorasak đã ký Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Việt Nam và Campuchia, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hun Sen. Bản thỏa thuận ngoài việc thúc đẩy quan hệ thương mại còn góp phần triển khai Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Campuchia nhân chuyến thăm Campuchia trước đó của Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhằm phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai nước đạt mục tiêu 5 tỷ USD trong thời gian tới.
Biểu đồ thống kê kim ngạch hàng hóa XNK và cán cân thương mại giữa Việt Nam và Campuchia giai đoạn 2011-2016 (Nguồn: Tổng cục Hải quan)
Thiết lập hợp tác toàn diện, lâu dài giữa hai nước
Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng, có chung đường biên giới trên bộ 1.137 km, trải dài khắp 10 tỉnh của Việt Nam và 9 tỉnh của Vương quốc Campuchia. Quan hệ giữa Việt Nam – Campuchia không chỉ là quan hệ ngoại giao láng giềng, mà còn là tình đồng chí, đồng đội trong cuộc chiến cứu đất nước Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ quốc tế trên đất nước bạn. Với phương châm“Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, trong mười năm trở lại đây, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - Campuchia ngày càng phát triển mạnh và đạt được những kết quả như kỳ vọng.
Hàng năm, hai nước đã thông qua các cơ chế phối hợp thường xuyên, luân phiên của Uỷ ban Hỗn hợp về Hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật và các hội nghị: xúc tiến đầu tư, thương mại; hợp tác và phát triển các tỉnh biên giới... từ đó đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác trên mọi lĩnh vực. Những năm gần đây, việc thông thương qua các cửa khẩu giữa Việt Nam - Campuchia đã có rất nhiều thuận tiện; số phương tiện, người và hàng hoá qua lại tăng theo từng năm đã góp phần đưa Campuchia vào vị trí thị trường xuất khẩu lớn thứ 16 của Việt Nam.
Việt Nam – Campuchia thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại lên tầm cao
Về lĩnh vực thương mại, theo số liệu thống kê, kim ngạch thương mại Việt Nam - Campuchia chỉ đạt 184 triệu USD trong năm 2001 đã tăng lên xấp xỉ 3,05 tỷ USD trong năm 2015. Tính đến hết tháng 10/2016, kim ngạch thương mại song phương đạt gần 2,4 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia đạt gần 1,8 tỷ USD. Nhóm các mặt hàng công nghiệp gồm sản phẩm từ sắt thép, phân bón, dệt may, máy móc thiết bị phụ tùng, chất dẻo,…là nhóm mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia.
Sau khi ký kết các bản thỏa thuận hợp tác Việt Nam - Campuchia, hai bên đã dành những ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu cho các loại hàng hóa của doanh nghiệp hai nước. Cụ thể, phía Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0% áp dụng đối với 29 mặt hàng khi nhập khẩu vào thị trường Campuchia. Đây là những ưu đãi đặc biệt mà Campuchia chỉ dành cho Việt Nam, cao hơn cả ưu đãi mà Campuchia cam kết với các nước thành viên ASEAN khác. Do vậy, đây là điều kiện cho hàng hóa của Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao hơn so với hàng hóa của các nước khác trên thị trường Campuchia. Đáp lại, Việt Nam cũng dành ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu 0% cho 39 mặt hàng của Campuchia, phần lớn là nông sản. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có nguồn nguyên liệu để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu sang các nước khác.
Về lĩnh vực đầu tư, tính đến đến hết Quý I năm 2017, đã có hơn 190 dự án đầu tư của Việt Nam sang Campuchia được cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, đứng thứ hai trong tổng số 68 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của Việt Nam. Các dự án đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, chiếm 54% tổng vốn đầu tư; năng lượng 27,05%; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm chiếm 8,7%; bưu chính, viễn thông 5,1%; các lĩnh vực còn lại, như: chế biến, chế tạo, vận tải kho bãi, thương mại xuất nhập khẩu, y tế, xây dựng… chiếm khoảng 2%.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen thăm và nói chuyện với Đảng bộ, nhân dân tỉnh Bình Dương ngày 21/6/17 dưới sự chủ trì tiếp đón của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Hai nước chuẩn bị đón làn sóng đầu tư mới
Mới đây, chiều này 21/6/2017, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế tỉnh Bình Dương, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã có buổi nói chuyện với Đảng bộ, chính quyền và các nhà đầu tư tỉnh Bình Dương dưới sự chủ trì đón tiếp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhân dịp Thủ tướng Hun Sen sang thăm Việt Nam nhân kỷ niệm 50 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao của hai nước. Cùng đi với Thủ tướng Hun Sen còn có 5 Phó Thủ tướng, lãnh đạo nhiều bộ, ngành; nhiều tướng lĩnh cấp cao Quân đội và lãnh đạo một số địa phương của nước bạn. Chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Hun Sen còn hết sức có ý nghĩa vì 2017 là “Năm hữu nghị Việt Nam – Campuchia”. Sau chuyến thăm, Thủ tướng Campuchia đã có chuyến thị sát các dự án đầu tư của tỉnh Bình Dương.