CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:53

Việt Nam nhập khẩu 30 triệu liều vaccine COVID-19 từ Anh trong năm 2021

Trong buổi họp báo của Chính phủ thông tin về về Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP. Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã trả lời báo chí liên quan tới lộ trình nhập khẩu vaccine COVID-19 từ nước ngoài.

Theo Thứ trưởng cho biết Việt Nam đang đồng thời đàm phán với 4 nước Anh, Mỹ, Nga và Trung Quốc để mua vaccine. Trong đó, tất cả các phía đều yêu cầu Việt Nam ký một biên bản bảo mật thông tin. Tuy nhiên, đến nay, đã có một số thông tin được công khai.

Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết thêm, kết quả gần nhất đạt được là với Công ty AstraZeneca của Anh. Chúng ta đã ký với họ bảo đảm cho 15 triệu dân, tức là khoảng 30 triệu liều. 

Theo lộ trình, từ quý I đến quý IV/2021 đều có vaccine. Tuy nhiên, Công ty Pfizer của Mỹ cũng ra lộ trình mà thời điểm cuối cùng của hợp đồng là đến quý IV/2021. Riêng của Nga, Bộ Y tế đàm phán có thể Việt Nam sẽ sản xuất theo chuyển giao công nghệ của Nga tại một công ty trực thuộc Bộ Y tế.

 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường trả lời câu hỏi của báo chí. tại cuộc họp báo Chính phủ sáng 4/1, Ảnh: VGP

"Tất cả những nội dung này chúng tôi đang họp và xin ý kiến các bộ, ngành. Nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, luật Việt Nam chưa có những nội dung này nên hiện nay đang xin ý kiến bộ, ngành và nếu trường hợp cần thiết sẽ báo cáo Bộ Chính trị", Thứ trưởng Trương Quốc Cường nói.

Ông Cường khẳng định, Bộ Y tế thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng là làm sao có sự vào cuộc nhanh nhất để người dân sớm tiếp cận với vaccine; đặc biệt là có sự phối hợp rất chặt chẽ của các bộ, ngành.

Nói về giá, ông Cường nói chênh lệch không nhiều giữa các đối tác đàm phán. Việc mua vaccine còn phụ thuộc vào điều kiện bảo quản, thanh toán, giao hàng… Ngoài ra, còn vấn đề thử nghiệm lâm sàng. Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết hiệu quả của các loại vaccine là khác nhau. Thấp nhất là loại 65%, còn cao nhất là loại 94,5%. Trung bình là 80-90%.

Ngoài vaccine thương mại, trên thế giới còn có tổ chức gọi là COVAX Facility, là một liên minh vaccine toàn cầu. Họ mua vaccine của một số công ty để cung cấp cho 90 nước, trong đó có Việt Nam, được tham gia vào chương trình này và được cấp số lượng vaccine cho khoảng 16% người dân với giá rẻ nhất có thể và được bù lỗ.

Tuy nhiên, các nước sản xuất vaccine cũng đang chưa chủ động được vì năng lực sản xuất chưa đủ để sản xuất với số lượng lớn cho nên có lẽ trong quý I này mới có đầy đủ thông tin để chúng ta lên kế hoạch.

Về tình hình trong nước, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam hiện có 4 đơn vị tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine COVID-19. Đó là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vaccin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH); Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC); Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) và Công ty TNHH Dược Nanogen (NANOGEN).

Trong đó, NANOGEN đã tiêm thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 (Nanocovax) trên người từ ngày 17.12.2020 và đã tiêm 2 liều (25 mcg và 50 mcg trên người tình nguyện).

Hiện sức khoẻ người tình nguyện sau tiêm đều khỏe mạnh và không xuất hiện triệu chứng bất thường; IVAC là nhà sản xuất có tiến độ nghiên cứu vaccine COVID-19 nhanh thứ hai hiện nay tại Việt Nam.

IVAC đã đề nghị Bộ Y tế cho phép thử nghiệm vaccine COVID-19 Covivac trên người tình nguyện vào tháng 1.2021, sớm hơn gần 2 tháng so với kế hoạch ban đầu.

Q.D (TỔNG HỢP)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh