THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:23

Việt Nam- Myanmar: Năm 2019, kim ngạch thương mại song phương dự kiến đạt trên 1 tỉ USD

Bộ Ngoại giao cho biết, ngày 17/12/2019, lễ đón chính thức Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã được tổ chức trọng thể tại Phủ Tổng thống với nghi thức cao nhất dành cho chuyến thăm chính thức của người đứng đầu Chính phủ. Ngay sau lễ đón, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội kiến với Tổng thống U Win Myint.

Tại buổi hội kiến, Tổng thống U Win Myint nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam thăm chính thức nước Mi-an-ma, khẳng định chuyến thăm sẽ góp phần củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống trong suốt gần 45 năm qua và quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện giữa hai nước hiện nay;

Cho rằng mối quan hệ truyền thống gắn bó giữa hai dân tộc đã có từ lâu khi hai nước tiến hành cuộc đấu tranh giành độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lãnh tụ Ong San dẫn dắt; khẳng định Việt Nam luôn là người bạn tin cậy, ủng hộ, giúp đỡ Mi-an-ma. Tổng thống U Win Myint gửi lời thăm hỏi đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và nhắc lại ấn tượng tốt đẹp về chuyến thăm Việt Nam và dự Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 vừa qua.

Tổng thống U Win Myint và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ nhận định quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp, với nhiều chuyển biến tích cực trong các lĩnh vực; đặc biệt, tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau và tin cậy chính trị ngày càng được thắt chặt, thông qua việc trao đổi thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, cũng như tăng cường giao lưu nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng và luôn mong muốn tăng cường quan hệ với Mi-an-ma, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển của ASEAN và khu vực. Tổng thống U Win Myint ủng hộ việc đẩy mạnh hợp tác trên tất cả các kênh, kể cả kênh Đảng và Quốc hội, và trên nhiều lĩnh vực, nỗ lực đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa quan trọng, thiết thực hướng tới kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong năm 2020.

Điểm lại hợp tác hai nước trên các lĩnh vực, hai nhà Lãnh đạo đánh giá hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, an ninh-quốc phòng, nông nghiệp, du lịch, năng lượng, thông tin viễn thông... đã có nhiều thành tựu nổi bật.

Đáng chú ý, kim ngạch thương mại song phương năm 2019 dự kiến đạt trên 1 tỉ đô la, vượt mục tiêu đặt ra cho năm 2020 và Việt Nam đang là nhà đầu tư lớn thứ 5 tại Mi-an-ma.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các con số trên, mặc dù còn khiêm tốn nhưng đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ và doanh nghiệp hai nước; đề nghị Tổng thống U Win Myint tiếp tục chỉ đạo, đáp ứng các nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Mi-an-ma, xem xét tổ chức đối thoại giữa Lãnh đạo cấp cao Mi-an-ma với các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Mi-an-ma. Hai nhà Lãnh đạo cũng nhất trí tiếp tục đẩy mạnh các lĩnh vực hợp tác có tác động tích cực đối với việc thắt chặt tình hữu nghị và giao lưu nhân dân như văn hóa, thể thao, du lịch, lao động và giáo dục - đào tạo...

Về các vấn đề khu vực và quốc tế, hai nhà lãnh đạo nhất trí ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế, khu vực. Tổng thống U Win Myint chúc mừng Việt Nam đã trúng cử Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu gần như tuyệt đối. Về vấn đề Biển Đông, hai nhà Lãnh đạo nhất trí cho rằng, là thành viên ASEAN, Việt Nam và Mi-an-ma cùng các nước ASEAN cần tiếp tục ủng hộ lập trường chung của ASEAN về vấn đề Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, góp phần duy trì hoà bình, ổn định trên Biển Đông.

Việt Nam- Myanmar:  Năm 2019, kim ngạch thương mại song phương dự kiến đạt trên 1 tỉ USD - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi

Ngay sau cuộc hội kiến với Tổng thống U Win Myint, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm với Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi.

Hai bên đánh giá cao quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện giữa hai nước có nhiều bước phát triển mạnh mẽ; đặc biệt hai bên thường xuyên duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, cũng như các cơ chế hợp tác song phương, trong đó có Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương và Tiểu ban hỗn hợp thương mại; hoan nghênh việc ký Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện Việt Nam – Mi-an-ma giai đoạn 2019-2024 trong dịp này.

Trao đổi về hợp tác an ninh-quốc phòng, hai bên nhất trí mở rộng hợp tác về hải quân, quân y, công nghiệp quốc phòng, hậu cần, cứu hộ - cứu nạn, quản lý biên giới; chống các loại tội phạm xuyên biên giới, khủng bố, di cư trái phép, rửa tiền...; không cho phép các cá nhân, tổ chức sử dụng lãnh thổ nước này thực hiện các hoạt động chống phá nước kia; thúc đẩy đàm phán, ký kết các thỏa thuận về dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù, bảo vệ thông tin mật, pháp luật và tư pháp.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Chính phủ Mi-an-ma đã đồng ý nhập khẩu quả thanh long của Việt Nam theo mùa vụ; đánh giá cao việc vừa qua Mi-an-ma đã tích cực tháo gỡ một số vướng mắc cho doanh nghiệp Việt Nam.

Cố vấn Nhà nước Mi-an-ma Ong San Su Chi ghi nhận các đề nghị của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tiếp tục tạo thuận lợi, giảm bớt rào cản kỹ thuật hàng xuất khẩu Việt Nam; thu hẹp danh mục các mặt hàng nhập khẩu Việt Nam cần xin giấy phép trong bối cảnh hội nhập và tự do hóa khu vực đang phát triển; tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam được đối xử công bằng, được tiếp cận nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh hơn tại Mi-an-ma; đẩy nhanh tiến độ cấp phép, có cơ chế, chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư Việt Nam; tạo điều kiện cho các văn phòng đại diện/chi nhánh của các ngân hàng Việt Nam hoạt động hiệu quả tại Mi-an-ma.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Mi-an-ma đề xuất khả năng thành thành lập một Khu Công nghiệp Việt Nam tại Mi-an-ma, đề nghị các bộ ngành và doanh nghiệp hai nước nghiên cứu cụ thể; khẳng định Chính phủ Việt Nam rất quan tâm, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Mi-an-ma, coi đây là thị trường trọng điểm trong tương lai, đồng thời hoan nghênh doanh nghiệp Mi-an-ma đầu tư vào Việt Nam…

Hai bên khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc, ASEAN cũng như các cơ chế hợp tác tiểu vùng khác như ACMECS, CLMV, GMS, EWEC...

Hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Ngay sau hội đàm, hai nhà Lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký và trao 03 văn kiện hợp tác quan trọng, gồm Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện Việt Nam – Mi-an-ma giai đoạn 2019-2024, Bản ghi nhớ về hợp tác nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao; và lễ trao Công hàm sửa đổi Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông của hai nước và cùng tiến hành gặp gỡ báo chí hai nước.

Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến Chủ tịch Quốc hội T. Khun Myat. Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội Mi-an-ma tích cực phối hợp chặt chẽ khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA năm 2020.

NGUYỄN THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh