CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:35

Việt Nam là một trong những điểm sáng trên thế giới về phòng, chống HIV/AIDS

Sáng nay 23/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Đây là lần đầu tiên ông Long đăng đàn trước Quốc hội.

Theo Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, sau khi Luật Phòng chống HIV/AIDS được ban hành năm 2006, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta đã được triển khai rộng rãi, đồng bộ và có hiệu quả cao.

Trung bình, hằng năm cả nước xét nghiệm HIV cho trên 700.000 lượt người nguy cơ cao, phát hiện 8.000-10.000 người nhiễm HIV mới. Hiện nay đang điều trị thường xuyên, liên tục cho 53.000 nghiện ma túy bằng thuốc thay thế Methadone và 150.000 bệnh nhân HIV/AIDS bằng thuốc ARV.

Trong 12 năm qua, tình hình dịch HIV/AIDS liên tục thuyên giảm. Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng được khống chế ở mức dưới 0,3%. 

Theo ước tính của UNAIDS, Việt Nam đã dự phòng cho khoảng 400.000 người không bị nhiễm HIV và 150.000 người không bị tử vong do HIV/AIDS.

Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Việt Nam thuộc 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới hiện nay cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ. Cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong những điểm sáng trên thế giới về phòng, chống HIV/AIDS”.

Đáng chú ý, dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 4 về quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV. Theo đó, người nhiễm HIV có các nghĩa vụ thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ, chồng; người có quan hệ tình dục hoặc người chuẩn bị kết hôn với mình biết theo quy định của pháp luật.

Dự thảo luật cũng bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV để bảo đảm quyền lợi của người nhiễm HIV trong điều trị, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh và tăng hiệu quả cho công tác giám sát, kiểm soát dịch HIV/AIDS.

Đối với nội dung này, trình bày báo cáo thẩm tra, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, để bảo đảm việc thực hiện quy định về quản lý nhà nước trong việc phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với tình hình thực tế và lợi ích của người nhiễm HIV, dự thảo Luật bổ sung một số chủ thể được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV.

Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thấy rằng, chính sách này có liên quan và ảnh hưởng đến quyền bảo mật thông tin của cá nhân người nhiễm HIV. 

Việc điều chỉnh chính sách này cần hài hòa giữa mục tiêu bảo đảm thực hiện chức năng quản lý nhà nước nhưng cũng cần bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người bệnh, đặc biệt là quyền bảo mật thông tin của cá nhân và cần phù hợp với khuyến nghị của quốc tế.

"Vì vậy, đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung quy định mang tính chất nguyên tắc về đối tượng có thẩm quyền thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính"- bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.

Đáng chú ý, dự thảo luật đã: bổ sung nghĩa vụ của người nhiễm HIV phải thông báo tình trạng nhiễm HIV cho người có quan hệ tình dục với mình để phòng lây nhiễm HIV cho người đó (Điểm a, khoản 1 Điều 4 Luật HIV 2006); bổ sung nguồn chi trả xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai từ Quỹ Bảo hiểm y tế.

Đồng thời, bãi bỏ Điều 42 về tạm đình chỉ điều tra, miễn chấp hành hình phạt đối với người bị AIDS giai đoạn cuối; dự thảo luật cũng quy định giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV của trẻ em từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi…

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh