THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 08:06

Việt Nam là 1 trong 11 quốc gia được chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA

Báo Sức khỏe và Đời sống thông tin, tối 23/2, tại Geneva, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA theo sáng kiến của WHO cho: Việt Nam, Bangladesh, Indonesia, Pakistan và Serbia. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chủ trì buổi công bố.

GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam dự theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu Bộ Y tế và có bài phát biểu tại sự kiện này. Trong bài phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chúc mừng sáng kiến của WHO về trung tâm chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA với sự hình thành Trung tâm đầu tiên tại Cape Town, Nam Phi.

Bộ trưởng Bộ Y bày tỏ niềm vui mừng và cảm ơn WHO về việc Việt Nam được lựa chọn để tiếp nhận công nghệ mRNA. "Điều này cho thấy, WHO đánh giá cao năng lực của Việt Nam để trở thành trung tâm sản xuất vaccine tại khu vực"- Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ: Chính phủ và Bộ Y tế Việt Nam cam kết sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các nhà sản xuất vaccine trong nước trong việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ vaccine mRNA.

Thông tin với các điểm cầu dự lễ công bố, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Việt Nam là nước đang phát triển nhưng đã có nhiều kinh nghiệm trong phát triển vaccine trong nhiều thập kỷ qua, hệ thống quản lý chất lượng vaccine quốc gia (NRA) của Việt Nam cũng đã được WHO công nhận.

Công nghệ vaccine mRNA là công nghệ tiên tiến, cho phép cập nhật các biến chủng và sản xuất với số lượng lớn do đó không chỉ có ý nghĩa trong phòng chống đại dịch COVID-19 mà còn giúp chủ động ứng phó với các đại dịch khác trong tương lai.

"Với năng lực và sự nhiệt huyết của các nhà sản xuất cũng như quyết tâm của Chính phủ, Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của WHO và các đối tác để có thể làm chủ và cập nhật công nghệ vaccine mRNA trong tương lai, qua đó sẽ đóng góp vào việc tăng cường năng lực sản xuất vaccine ở khu vực, góp phần vào các nỗ lực bảo đảm an ninh y tế quốc gia và khu vực"- Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

img-bgt-2021-vaccine--1645662915-width1280height720

Vaccine mới theo công nghệ mRNA do WHO phối hợp với các nhà khoa học tại Nam Phi phát triển

Liên quan đến vấn đề này, báo Thế giới và Việt Nam cho hay, Trung tâm chuyển giao công nghệ mRNA được WHO thành lập tại thành phố Cape Town, Nam Phi, tháng 6/2021 theo sáng kiến WHO đưa ra tháng 4/2021, trên cơ sở quan hệ đối tác giữa WHO với công ty Afrigen của Nam Phi, các đối tác Nam Phi và quốc tế, trong đó có Tổ hợp Bằng sáng chế thuốc (MPP - tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc thúc đẩy chuyển giao công nghệ y tế miễn phí). Liên minh châu Âu (EU), nhất là các nước Bỉ, Đức, Pháp ủng hộ nỗ lực của WHO, đã hỗ trợ và đầu tư lớn cho Trung tâm này.

Mục tiêu của Trung tâm là hỗ trợ các nhà sản xuất ở các nước thu nhập thấp và trung bình tự sản xuất được vaccine công nghệ mRNA, thông qua cung cấp hỗ trợ cần thiết về dây chuyền và bí quyết sản xuất, quản lý chất lượng bảo đảm vaccine theo công nghệ mRNA ở quy mô lớn và đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Hoàng Minh (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh