CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:02

Việt Nam kêu gọi thúc đẩy đối thoại hòa bình và khôi phục ổn định tại Mali

Báo cáo trước HĐBA, ông Jean-Pierre Lacroix, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề gìn giữ hòa bình bày tỏ quan ngại trước những căng thẳng chính trị tại Mali những ngày qua, đặc biệt là việc một nhóm binh lính quân đội tự xưng là "Ủy ban Quốc gia về bảo vệ người dân" (CNSP) đã tiến hành đảo chính và bắt giữ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita cùng nhiều thành viên Chính phủ ngày 18/8/2020.

Phó Tổng Thư ký cho biết, tình hình an ninh tại Mali cơ bản chưa có biến động lớn song tình trạng cướp bóc và phá hoại tài sản đã xảy ra; cho rằng vụ việc vừa qua có nguồn gốc từ những bất ổn chính trị ở Mali nhiều tháng qua.

Ông kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không sử dụng bạo lực và bảo đảm quyền của tất cả người dân Mali, bao gồm các quan chức Chính phủ đang bị giam giữ cũng như bảo đảm tự do đi lại cho Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ tại Mali (MINUSMA).

Các nước thành viên HĐBA chia sẻ quan ngại về tình hình Mali; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khôi phục trật tự Hiến pháp và tuân thủ Hiệp định Hoà bình năm 2015; đánh giá cao nỗ lực của LHQ, Lãnh đạo các quốc gia Cộng đồng kinh tế khu vực Tây Phi (ECOWAS), Liên minh châu Phi (AU) trong thúc đẩy ổn định ở Mali, đặc biệt là vai trò trung gian hòa giải của ECOWAS.

Một số nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền con người và chống khủng bố trong bối cảnh hiện nay, tránh để Mali rơi vào tình trạng như sau cuộc đảo chính năm 2012.   

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ bày tỏ quan ngại sâu sắc trước diễn biến tại Mali; kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh sử dụng vũ lực; 

Thúc đẩy đối thoại để tìm kiếm các giải pháp chính trị hòa bình, phù hợp với Hiến pháp và luật pháp Mali nhằm thiết lập lại ổn định và trật tự xã hội ở Mali, vì nguyện vọng hòa bình chính đáng của người dân.

Đại sứ nhấn mạnh Việt Nam ủng hộ nỗ lực của LHQ, AU, ECOWAS và cộng đồng quốc tế trong việc thúc đẩy đối thoại nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình giữa các bên liên quan, hỗ trợ đưa tình hình Mali sớm trở lại ổn định.

Chiều cùng ngày, HĐBA ban hành Tuyên bố Báo chí về tình hình Mali với nội dung lên án vụ việc ngày 18/8; kêu gọi trao trả tự do và an toàn cho các quan chức chính phủ; 

Đồng thời, nhấn mạnh sự cần thiết của việc giải quyết khủng hoảng tại Mali thông qua đối thoại, sớm khôi phục quy tắc của pháp luật và tiến tới khôi phục trật tự Hiến pháp; tái khẳng định ủng hộ các nỗ lực của ECOWAS, AU và MINUSMA. 

Tình hình Mali bắt đầu trở nên căng thẳng từ đầu tháng 7/2020 khi Phong trào đối lập tháng 5 (M5-RFP) tổ chức biểu tình diện rộng yêu cầu Tổng thống Keita phải từ chức, coi đây là điều kiện tiên quyết cho bất kì cuộc thương lượng giải quyết các khác biệt chính trị trong tương lai.

Mặc dù ECOWAS, AU và cộng đồng quốc tế đã nỗ lực triển khai các biện pháp trung gian, hoà giải nhằm ngăn chặn căng thẳng leo thang song tình hình Mali tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngày 18/8/2020, Tổng thống Keita cùng Thủ tướng và các quan chức chính phủ hàng đầu bị nhóm binh lính do tướng Fanta Mady Dembélé chỉ huy bắt giữ.

Tổng thống Keita quyết định tuyên bố từ chức và giải tán Quốc hội, Chính phủ. Ngay sau đó, nhóm binh lính đã tự xưng là "Ủy ban Quốc gia về bảo vệ người dân" (CNSP), tuyên bố nắm quyền lãnh đạo Mali và sẽ tiến hành tổng tuyển cử trong thời gian tới.

Trong khi đó, Phong trào đối lập M5-RFP đã từ chối bất kỳ mối liên hệ nào với nhóm binh lính này.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh