CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:57

Việt Nam đề xuất "du lịch cầu hàng không" để tái mở cửa ASEAN

Tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định đây là chủ đều mang tính thiết thực đối với mọi quốc gia thành viên AIPA hiện nay. 

Phó Chủ tịch nêu rõ, đại dịch Covid-19 không chỉ là một cuộc khủng hoảng y tế đơn thuần, mà còn là một cuộc khủng hoảng đối với sự phát triển khi các chuỗi cung ứng và thương mại quốc tế bị phá vỡ.

Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), dự báo tăng trưởng GDP khu vực Đông Nam Á sẽ giảm từ 4,4% năm 2019 xuống còn -2,7% trong năm 2020, sau đó phục hồi lên mức 5,2% vào năm 2021, phần lớn nhờ vào các mối quan hệ thương mại và đầu tư mạnh mẽ của khu vực với Trung Quốc.

Trong bối cảnh khu vực và quốc tế bị ảnh hưởng nặng nề, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển bày tỏ hy vọng các quốc gia thành viên sớm vượt qua khó khăn, phục hồi kinh tế, ổn định đời sống xã hội và "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Theo đó, đoàn Việt Nam mong muốn cộng đồng ASEAN thống nhất thực hiện một chuỗi 6 giải pháp mang tính đột phá, khả thi.

Thứ nhất, thúc đẩy nhanh việc trao đổi thông tin liên quan đến du lịch, sức khoẻ và các biện pháp cần thiết khác để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh Covid-19; củng cố sự an tâm trong di chuyển, áp dụng các tiêu chuẩn an toàn và quy trình y tế hỗ trợ di chuyển xuyên biên giới của công dân ASEAN không bị gián đoạn.

Bên cạnh đó, các quốc gia cần tuân thủ tiêu chuẩn an toàn và y tế quốc tế cũng như các cam kết theo những Hiệp định có liên quan giữa các nước thành viên ASEAN.

Thứ hai, nghiên cứu khái niệm "du lịch cầu hàng không" giữa "các nước xanh lá cây" như một sáng kiến sơ bộ trong quá trình mở cửa lại biên giới, hình thành các khu vực di chuyển an toàn trong ASEAN.

Đồng thời, đoàn Việt Nam đã đề xuất hướng dẫn tham chiếu cho tất cả các nước thành viên ASEAN mà không làm tổn hại đến những cam kết theo các thỏa thuận có liên quan giữa các nước thành viên ASEAN.

Thứ ba, tiếp tục rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đảm bảo thuận lợi hoá thương mại, lưu thông hàng hoá và các chuỗi cung ứng trong khu vực không bị gián đoạn.

Thứ tư, thúc đẩy nhanh phê chuẩn các hiệp định, thỏa thuận thương mại trong khu vực; ưu tiên để hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong năm 2020.

Thứ năm, tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng số, kết nối số, an toàn dữ liệu số, kiến thức và kỹ năng số gắn kết giữa các nước thành viên ASEAN; khắc phục bất lợi từ việc đóng cửa nền kinh tế và giãn cách xã hội trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 và duy trì tính cạnh tranh trong kỷ nguyên kinh tế số.

Cuối cùng, tăng cường kết nối tác tiểu vùng Mê Kông và các tiểu vùng khác của ASEAN, đặc biệt về bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp thông minh và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên xuyên biên giới tại các tiểu vùng trong và sau đại dịch Covid-19.

Q.L

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh