Việt Nam đạt trước thời hạn các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ liên quan trẻ em
- Tây Y
- 18:24 - 06/08/2018
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chủ trì Hội nghị
Bảo đảm thực hiện quyền trẻ em tiếp tục đạt nhiều tiến bộ
Hội nghị được tổ chức theo hình thức truyền hình trực tuyến tới 675 điểm cầu ở cấp huyện, xã - cấp cơ sở có vai trò quan trọng trong việc thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em.
Hội nghị nhằm đánh giá đúng thực trạng xâm hại trẻ em; phân tích chính xác các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và đưa ra những giải pháp hiệu quả để phòng, chống, chặn đứng tình trạng xâm hại trẻ em.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, là quốc gia thứ hai trên thế giới, là quốc gia đầu tiên ở Châu Á phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em, Việt Nam đạt trước thời hạn các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ liên quan trực tiếp đến trẻ em và hiện đang tích cực triển khai các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc, trong đó nhiều mục tiêu trực tiếp tới trẻ em.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng không ít trẻ em vẫn chưa nhận được sự quan tâm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ cần thiết; thậm chí bị xâm hại cả về thể xác và tinh thần. “Ngoài 2.000 trường hợp bạo hành, xâm hại trẻ em được phát hiện, được can thiệp, được hỗ trợ, được đưa vào số liệu thống kê còn bao nhiêu trường hợp khác chưa được phát hiện? Còn bao nhiêu hành vi, cách ứng xử với trẻ em mà nhiều người thấy là “bình thường” nhưng thực chất là bạo hành, là xâm hại trẻ em, là ảnh hưởng xấu tới phát triển của trẻ em?”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.
Và điều đau lòng là không ít trẻ em bị chính những người thân trong gia đình, ở trường lớp, xóm giềng ngược đãi, xâm hại và dù được can thiệp, hỗ trợ - nhiều trường hợp người ngược đãi, xâm hại được nghiêm trị - nhưng vẫn để lại những di chứng khó lành trong tâm hồn.
Theo Phó Thủ tướng, trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em đã được quy định rõ trong Hiến pháp, pháp luật. Đặc biệt Luật trẻ em năm 2016, Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em; Nghị định quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường cùng nhiều văn bản pháp luật khác đã quy định rất cụ thể trách nhiệm của các chủ thể từ trung ương tới cơ sở; từ Đảng tới cơ quan nhà nước, đoàn thể, tổ chức xã hội… trong công tác bảo vệ, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Nhiều giải pháp lớn cũng như phân công trách nhiệm các cơ quan đều đã được quy định cụ thể ngay trong Luật.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Việt Nam đạt trước thời hạn các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ liên quan trực tiếp đến trẻ em
Nhận thấy tầm quan trọng của công tác bảo vệ trẻ em và thực trạng tình trạng xâm hại trẻ em có nguy cơ gia tăng nếu không được chú trọng chỉ đạo quyết liệt hơn, trước khi Luật trẻ em có hiệu lực (ngày 01/6/2017),Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Ngay tại thời điểm đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sau 1 năm phải tiến hành đánh giá kết quả thực hiện để có sự chỉ đạo hiệu quả hơn.
Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về thực trạng công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phân tích nguyên nhân bất cập và các giải pháp cụ thể.
Báo cáo về Công tác bảo vệ trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, tính đến cuối tháng 12/2017, Việt Nam với gần 26,3 triệu trẻ em, việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em tiếp tục đạt nhiều tiến bộ.
Mỗi năm khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện và xử lý
Cụ thể, tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc tuần đầu sau sinh đạt 81%. Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt khoảng 98,6%. Năm học 2016- 2017, tỷ lệ huy động trẻ đến nhà trẻ đạt 27,7%, mẫu giáo đạt 90,9%, trong đó trẻ em 5 tuổi học mẫu giáo đạt 99,7%. Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp trên tổng số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đạt tỷ lệ là 87%.
Theo số liệu tổng hợp từ các Bộ, ngành, địa phương, năm 2017 có trên 1.800 trẻ em tử vong do đuối nước. Đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em và người chưa thành niên tại Việt Nam, chiếm khoảng 50% các trường hợp tử vong do tai nạn thương tích.
Tuy nhiên, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện và xử lý. Năm 2016, có 1.724 em bị bạo lực, xâm hại, trong đó 1.155 trẻ em bị xâm hại tình dục, chiếm 67%.
“Năm 2017, có 1.642 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trong đó 1.397 em bị xâm hại tình dục, chiếm 85,1%. Trong 6 tháng đầu năm 2018, có 790 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trong đó 605 em bị xâm hại tình dục, chiếm 76,6%”, Thứ trưởng Hà cho biết.
Cũng theo Thứ trưởng Hà, trên thực tế, số lượng trẻ em bị bạo lực, xâm hại còn nhiều hơn do trẻ em và gia đình của nạn nhân không cung cấp thông tin, tố giác vì e ngại lộ thông tin, ảnh hưởng đến trẻ em và gia đình; bị thủ phạm đe dọa hoặc dùng tiền để hòa giải.
Có thể nói, vấn đề bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em hiện nay vẫn đang là vấn đề nhức nhối, tính chất của các vụ xâm hại ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Do đó, trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát công tác bảo vệ trẻ em. Quốc hội đã ban hành 03 Luật (Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Trẻ em năm 2016); Chính phủ ban hành 02 Nghị định năm 2017 là Nghị định 56 và Nghị định 80; Thủ tướng Chính phủ ban hành 01 Chỉ thị (Chỉ thị 18/2017), 02 Quyết định về bảo vệ trẻ em (Quyết định 2361 năm 2015 và Quyết định 565 năm 2017) và Quyết định 856 thành lập Ủy ban quốc gia về trẻ em năm 2017.
“Về cơ bản, quy định pháp lý về bảo vệ trẻ em, trong đó có phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực, xâm hại đã được đổi mới để đáp ứng việc giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tế và tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế. Đặc biệt, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân về bảo vệ trẻ em được quy định cụ thể trong Luật và các Nghị định”, Thứ trưởng Nguyễn Thị hà cho biết.
Toàn cảnh Hội nghị
Thứ trưởng cũng cho hay hằng năm, Bộ LĐ-TB&XH có văn bản hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố thực hiện công tác trẻ em, trong đó chú trọng chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện và phối hợp thực hiện công tác bảo vệ trẻ em, phòng ngừa, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em tại các địa phương.
Đối với các vụ việc vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH đều có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, trao đổi với lãnh đạo các bộ, ngành liên quan về việc chỉ đạo, đôn đốc, xử lý nghiêm minh; hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, chính quyền cơ sở thực hiện kịp thời các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại theo quy định của pháp luật; chủ động cung cấp, trao đổi thông tin với báo chí để dư luận xã hội hiểu đúng bản chất vụ việc.
Tổ chức kiểm tra ở các tỉnh, thành phố việc thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình về bảo vệ trẻ em; phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan báo cáo các cơ quan của Quốc hội, trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội, trả lời cử tri về việc chấp hành các quy định của pháp luật, thực hiện các giải pháp về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em và đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em.
Cùng với đó, kịp thời tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo lực xâm hại trẻ em; hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) đã ra đời để tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác vụ việc xâm hại trẻ em.
Song song, công tác tiếp nhận, xử lý thông tin; hỗ trợ, can thiệp các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được các địa phương thực hiện theo quy trình tại Nghị định số 56/2017/NĐ-CP. Tại nhiều địa phương, 100% trẻ em bị bạo lực, xâm hại được hỗ trợ, can thiệp theo quy trình, được cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trợ giúp xã hội, hỗ trợ giáo dục, đào tạo, trợ giúp pháp lý, tư vấn tâm lý và các dịch vụ bảo vệ trẻ em khác.
Hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em đang được đầu tư cả về cơ sở vật chất và hoạt động cung cấp dịch vụ. Thực hiện dự án Phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội, 48 địa phương được ngân sách trung ương hỗ trợ việc xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp từng trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Tại Hội nghị, ý kiến của đại diện các Bộ, ngành và điạ phương cho thấy, để làm tốt công tác bảo vệ trẻ em, giải pháp quan trọng là phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành, tổ chức xã hội và cộng đồng ở địa phương; xác lập cơ chế phối hợp phòng ngừa, xử lý vụ việc xâm hại trẻ em tại địa phương; tuyên truyền, giáo dục ý thức cảnh giác, phát hiện sớm, tự phòng ngừa các hoạt động xâm hại tình dục và hỗ trợ tư vấn pháp lý khi cần thiết; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, cá nhân che giấu, không thông báo, không tố cáo vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em…
Trong đó, giải pháp rất quan trọng là nâng cao trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở. Đây cũng là một trong những lý do hội nghị trực tuyến có sự tham gia của cấp này.
*Báo Dân Sinh sẽ tiếp tục cập nhật thông tin Hội nghị trong những bài sau.