CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:49

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 4%

 

Báo cáo về tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững năm 2017 lĩnh vực LĐ-TB&XH, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Phạm Quang Phụng cho biết, về giảm nghèo, theo số liệu thống kê, đến hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước còn khoảng 6,72%, giảm khoảng 1,51% so với cuối năm 2016. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 40%, giảm khoảng 5% so với cuối năm 2016.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.

 

Ông Phụng cho biết, lĩnh vực bảo trợ xã hội đặc biệt được quan tâm. Đến nay, đã quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội. Một số mô hình mới về trợ giúp xã hội cho người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần, trẻ em và đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khác đã được thí điểm và hoạt động hiệu quả. Dự kiến, đến năm 2020, đảm bảo 100% đối tượng đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 85% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng.

Để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu cuộc cách mạng 4.0, ngành LĐ-TB&XH hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng, chuyển đổi chương trình đào tạo theo Luật giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp. Áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để đào tạo nhân lực chất lượng cao. Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng lao động nông thôn.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính cho biết, tham gia Khóa họp lần thứ 61 của Ủy ban Địa vị phụ nữ Liên hợp quốc diễn ra tại Mỹ với chủ đề: “Tăng cường quyền năng kinh tế của phụ nữ trong thế giới việc làm đang thay đổi”, Việt Nam khẳng định đã thực hiện thành công các mục tiêu Thiên niên kỷ về bình đẳng giới. Chỉ số khoảng cách giới của Việt Nam đứng thé 65/144 nước.

Thực hiện mục tiêu lao động, việc làm, Việt Nam đã đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu lao động. Thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện dự án vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm. Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống các Trung tâm dịch vụ việc làm. Thực hiện các giải pháp phát triển, mở rộng thị trường lao động ngoài nước. Hướng dẫn triển khai chính sách  đối với lao động khi thực hiện cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện các chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn vệ sinh lao động. Hướng dẫn địa phương củng cố, kiện toàn các thiết chế về quan hệ lao đọng, từng bước tăng cường hoạt động hòa giải, giải quyết tranh chấp lao động của các hòa giải viên. Giải quyết chế độ BHXH cho trên 9 triệu lượt người, trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho trên 650 nghìn người lao động. Triển khai dự án tăng cường an toàn, vệ sinh la động….

Hộ nghèo được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế.

 

Về mục tiêu bảo vệ, chăm sóc trẻ em, ngành LĐ-TB&XH đã hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện Luật trẻ em 2016, các chính sách, chương trình, đề án, kế hoạch đã được phê duyệt. Khai trương Tổng đài quôc sgia bảo vệ trẻ em 111 hoạt động 24/7.

Thực hiện mục tiêu phòng chống tệ nạn mại dâm, buôn bán người, đã xác minh, giải cứu, tiếp nhận 1.500 nạn nhân trong đó có 517 nạn nhân bị buôn bán. 100% nạn nhân sau khi tiếp nhận được hỗ trợ ban đầu, tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý,…

Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Phạm Quang Phụng, triển khai các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam gặp không ít khó khăn. Hệ thống thông tin thị trường còn bất cập, mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ, tỷ lệ lao động ở khu vực phi chính thức còn lớn; chất lượng và tính bền vững của việc làm chưa cao, năng suất lao động thấp. Việc thực hiện, tuân thủ pháp luật về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tại một số doanh nghiệp còn yếu kém; tỷ lệ lao động bỏ ra ngoài hợp đồng, cư trú và làm việc bất hợp pháp vẫn còn cao tại một số thị trường trọng điểm như: Hàn Quốc, Đài Loan.

Công tác tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp của các trường gặp nhiều khó khăn. Việc tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội của nhiều đơn vị sử dụng lao động chưa nghiêm, biểu hiện là tình trạng trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội tiếp tục gia tăng; còn nhiều doanh nghiệp nợ lương, chậm trả lương, không ký hợp đồng lao động, không thực hiện nâng bậc lương định kỳ... dẫn đến tranh chấp lao động, đình công.

Đời sống một bộ phận dân cư còn gặp khó khăn. Tình trạng trẻ em bị xâm hại, bạo lực vẫn còn xảy ra gây bức xúc trong dư luận xã hội. Số trẻ em tử vong do tai nạn, thương tích, đặc biệt đuối nước vẫn còn cao. Khả năng cân đối ngân sách của nhà nước chưa đảm bảo đầy đủ để thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội; đặc biệt là các chính sách đối với hộ nghèo thiếu hụt tiếp cận đa chiều.

Biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến đời sống của người dân, dẫn đến nguy cơ phát sinh nghèo và tái nghèo cao, và ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Năng lực của bộ phận cán bộ cơ sở đã được cải tiện nhưng vẫn còn hạn chế nhất là trong khâu tổ chức, triển khai thực hiện các chương trình, đề án, chính sách an sinh xã hội. 

Việt Nam đặt mục tiêu, đến năm 2030: Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 4%, không còn hộ nghèo cùng cực. Tỷ lệ tham gia BHXH trong lực lượng lao động đạt 50%. Phấn đấu 100% người gặp khó khăn đột xuất được trợ giúp kịp thời;…

VÂN KHÁNH - MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh