THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 09:25

Việt Nam đang triển khai tiêm vaccine đúng hướng và hiệu quả.

Quỹ vaccine phòng COVID-19 là “một sáng kiến của Việt Nam”

Nhằm huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh tiêm chủng và nhanh chóng tạo ra miễn dịch cộng đồng, thời  gian qua, Chính phủ đã triển khai đồng bộ “ba mũi giáp công” là Quỹ vaccine phòng COVID-19; Ngoại giao vaccine  và Chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn nhất trong lịch sử.

Đánh giá về việc thành lập Quỹ vaccine Covid-19 của Việt Nam, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers  cho rằng, Quỹ vaccine phòng COVID-19 là “một sáng kiến của Việt Nam”, các cá nhân, doanh nghiệp quyên góp cho quỹ này tạo điều kiện cho Chính phủ Việt Nam bố trí khoản tiền mua vaccine từ các công ty sản xuất vaccine lớn.

UNICEF hiện là đối tác phân phối vaccine cho cơ chế đảm bảo quyền tiếp cận công bằng trên toàn cầu đối với vaccine COVID-19 (COVAX). Đánh giá về công tác ngoại giao vaccine của Việt Nam, bà Rana Flowers cho biết một lượng lớn vaccine về Việt Nam là do chính phủ các nước tài trợ và theo các thỏa thuận song phương mà chính phủ đạt được. “Chắc chắn ngoại giao vaccine đang diễn ra rất thành công trên một số phương diện, phối hợp với các chính phủ có lượng vaccine dư thừa trong và đưa vaccine về Việt Nam một cách kịp thời để triển khai tiêm chủng thành công…”, Trưởng đại diện của UNICEF nhấn mạnh.

Bày tỏ ấn tượng với chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers khẳng định Việt Nam đang triển khai tiêm vaccine đúng hướng và hiệu quả.

Đại biểu Quốc hội ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống dịch COVID-19.

Đại biểu Quốc hội ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống dịch COVID-19.

Xây dựng lộ trình để chung sống an toàn với virus

Tiến sỹ Kidong Park, Quyền Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho rằng vì Việt Nam là nước có thu nhập trung bình và ngân sách nhà nước hạn chế nên việc huy động đầy đủ các nguồn lực cho y tế, nhất là trong tình huống khẩn cấp như đại dịch COVID-19 hiện nay là rất quan trọng. Theo ông Kidong Park, việc Việt Nam huy động nguồn lực từ các cá nhân và khối tư nhân thông qua việc thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 là vô cùng độc đáo. Thông qua việc tự nguyện đóng góp vào quỹ, người dân và doanh nghiệp đang thể hiện sự tin tưởng vào Chính phủ . Những đóng góp này cũng giúp nâng cao nhận thức về khó khăn và thách thức mà cả nước đang phải đối mặt, cũng như tạo cơ hội cho các cá nhân và khối tư nhân đóng góp vào cuộc chiến chống lại COVID-19.

Về việc sử dụng và phát huy hiệu quả quỹ vaccine, ông Kidong Park  nhấn mạnh, điều quan trọng là các nguồn quỹ phải được sử dụng một cách minh bạch và hiệu quả để có thể bảo vệ nhiều người Việt Nam khỏi COVID-19. Theo ông, về lâu dài, Chính phủ có thể đảm bảo đủ nguồn lực thông qua việc lập kế hoạch ngân sách phối hợp giữa cấp trung ương và địa phương để chi trả cho các dịch vụ thiết yếu, ví dụ như vaccine phòng COVID-19.

Trưởng Đại diện WHO Kidong Park cho rằng, virus SARS-CoV-2 sẽ còn tồn tại trong một thời gian và còn tiếp tục lây lan, gây nguy hiểm đến tính mạng của con người. Điều đó có nghĩa là Việt Nam sẽ phải tìm cách để chung sống an toàn với virus này. Ngoài việc tiếp tục tăng tỷ lệ tiêm chủng, Trưởng Đại diện WHO cho rằng cần đảm bảo phải hạn chế sự lây lan của virus bằng việc áp dụng các biện pháp y tế đã được chứng minh là có hiệu quả như 5K và xây dựng năng lực của hệ thống y tế để phát hiện ca bệnh, điều trị người bệnh và giảm tử vong.

Khi Việt Nam bắt đầu chuyển sang trạng thái bình thường mới, WHO khuyến khích Chính phủ xây dựng lộ trình để đạt được mục tiêu này và có thể xem xét các hành động cần được ưu tiên, cụ thể:

Tiêm chủng càng nhanh càng tốt cho các nhóm được ưu tiên, đặc biệt là nhân viên y tế, người cao tuổi, những người có bệnh nền.

Ưu tiên việc tiêm chủng cho các khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh, với hệ thống y tế yếu hơn và điều kiện mỏng hơn.

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp 5K tại gia đình, trường học, công sở..., với các hành động tự bảo vệ bản thân và các biện pháp y tế công cộng làm giảm sự lây truyền, kể cả khi một số biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng.

Tăng cường hơn nữa năng lực hệ thống y tế để quản lý bệnh nhân COVID-19 nặng một cách tốt hơn, đồng thời đưa ra mô hình lộ trình chăm sóc phù hợp để tránh quá tải bệnh viện với các ca bệnh nhẹ và trung bình.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh