Việt Nam có thể đi đầu trong một số lĩnh vực
- Tây Y
- 16:35 - 28/12/2020
Cùng dự Hội nghị có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị; Ban Bí thư, lãnh đạo MTTQ Việt Nam; các Ban, Bộ, ngành Trung ương dự Hội nghị.
Hội nghị diễn ra trong 1,5 ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Từ điểm cầu chính tại trụ sở Chính phủ, Hội nghị được kết nối tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hội nghị đánh giá, tổng kết lại 1 năm đã qua, nhìn lại cả chặng đường 5 năm và đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để hoàn thành các mục tiêu phát triển trong năm 2021 cũng như các năm tiếp theo.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sự kiện không chỉ tổng kết năm 2020 mà còn nhìn lại cả 4 năm trước đó.
Riêng năm 2021, Thủ tướng cho biết, các chỉ tiêu cho năm 2021, trong đó tăng trưởng GDP khoảng 6%, đã được cân đối, tính toán trên nhiều yếu tố. Tình hình có nhiều thách thức, song Chính phủ quyết tâm điều hành để nâng tăng trưởng GDP thêm 0,5 điểm phần trăm trong năm 2021.
Nhớ lại 5 năm trước, khi Chính phủ bắt tay vào thực hiện kế hoạch phát triển KTHX 5 năm, nền kinh tế đối mặt nhiều khó khăn cả trong và ngoài nước. Sau 5 năm nhìn lại, đất nước ta thực sự tốt đẹp hơn bao giờ, tăng trưởng cao, mọi người dân được hưởng thành quả phát triển, niềm tin được củng cố… Chúng ta đảm nhận nhiều vai trò quan trọng trên trường quốc tế và khu vực, tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế quan trọng.
Riêng năm 2020, dưới tác động của COVID-19, nhiều nước rơi vào suy thoái, Việt Nam là quốc gia hiếm hoi duy trì tăng trưởng dương, dịch bệnh được kiểm soát, bảo đảm an sinh xã hội. Đến thời điểm này, chúng ta đã đạt được mục tiêu kép trong phòng chống COVID-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế. Công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng cũng được Đảng, Nhà nước đẩy mạnh.
“Mức độ thành công được xác định không chỉ bởi những gì chúng ta đã đạt được, mà bởi cả những trở ngại chúng ta đã vượt qua”, Thủ tướng nói. Năm 2020 phải được xem là năm thành công nhất của nước ta trong 5 năm qua về tinh thần và ý chí vươn lên trong mọi khó khăn, thử thách. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với tương lai đất nước không ngừng được củng cố và nâng cao. Những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi chúng ta thể hiện bản sắc của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”; tô điểm cho bản lĩnh, ý chí, khí chất của con người Việt Nam.
Bằng quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, chúng ta đã cùng nhau tạo ra hơn 1200 tỷ USD GDP trong gần 5 năm, trên một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định.
Tạp chí The Economist tháng 8 năm 2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8% một năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất.
Thủ tướng nhấn mạnh, tăng trưởng bao trùm hơn rất nhiều. Tăng trưởng kinh tế cả nước có sự đóng góp từ tăng trưởng ấn tượng của nhiều địa phương mới nổi, đây là nhân tố truyền cảm hứng khác cho nhiều địa phương khác vượt lên chính mình. Tăng trưởng cũng không phụ thuộc nhiều vào riêng thành phần kinh tế nào.
Việt Nam không chỉ thành công về kinh tế mà còn đạt nhiều tiến bộ nhanh chóng về xã hội. Việt Nam đã tạo ra hơn 8 triệu việc làm, thu nhập và mức sống người dân ngày càng tăng lên...
Bất luận trong hoàn cảnh nào, Chính phủ đều nhận diện những hạn chế, khó khăn, như tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, đời sống của một bộ phận người dân chưa được bảo đảm, mặt bằng thu nhập còn thấp, khu vực doanh nghiệp nhìn chung còn khó khăn, sức cạnh tranh thấp, những nút thắt về hạ tầng, nguồn nhân lực… Chất lượng giáo dục, y tế nhìn chung còn nhiều bất cập. Thủ tướng cũng nhắc tới những vấn đề sát sườn với người dân như tai nạn giao thông, cờ bạc, ma túy, ô nhiễm môi trường…
Nhắc tới những thay đổi hiện nay trong bối cảnh thế giới và thời đại, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam chưa thể trong nhóm đứng đầu thế giới về thu nhập, nhưng hoàn toàn có thể đi đầu trong một số lĩnh vực. Thủ tướng tin tưởng, những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc sẽ giúp làm nên thành công, như cha ông ta đã đứng vững trước mọi thiên tai, đẩy lùi mọi cuộc xâm lược, giúp chúng ta đạt được những thắng lợi trong 35 năm đổi mới.
Hơn lúc nào, đây là thời điểm củng cố niềm tin, nền kinh tế, đất nước ta đang tiến nhanh về phía trước và chắc chắn dân tộc ta sẽ tiến nhanh hơn nữa về phía trước. Chúng ta không được chủ quan, chúng ta còn có thể làm tốt hơn nữa, Thủ tướng nhấn mạnh.
Báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020; dự kiến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết:
Nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020 được thực hiện trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trên thế giới và trong khu vực ngày càng gay gắt. Xung đột thương mại và rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng. Đặc biệt, từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát trên toàn cầu dẫn đến suy thoái kinh tế thế giới nghiêm trọng nhất kể từ sau Đại khủng hoảng 1929 - 1933. Ở trong nước, sau hơn 30 năm đổi mới, thế và lực của đất nước ngày càng lớn mạnh. Tuy nhiên, những khó khăn, hạn chế nội tại của nền kinh tế và thiên tai, dịch bệnh, nhất là Đại dịch Covid 19, bão lũ, sạt lở đất đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020.
Thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội về phát triển KTXH 5 năm 2016 - 2020 và hằng năm, Chính phủ đã chủ động ban hành các nghị quyết, chương trình hành động cụ thể; xây dựng các phương án, kịch bản điều hành và quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp. Tinh thần chung trong chỉ đạo điều hành là quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân.
Năm 2020, trước diễn biến phức tạp, nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều kết luận, nghị quyết, chỉ thị và chỉ đạo các cấp, các ngành quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép": vừa quyết liệt phòng chống dịch với tinh thần "chống dịch như chống giặc", vừa tập trung phục hồi và phát triển KTXH, bảo đảm đời sống nhân dân. Tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người lao động, người dân gặp khó khăn. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tiến độ các dự án quan trọng quốc gia. Đồng thời, chú trọng chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; triển khai linh hoạt, hiệu quả các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam an toàn, nhân văn, tốt đẹp.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020.