Việt Nam có 200.000 người đột quỵ mỗi năm
- Sức khỏe
- 13:13 - 14/11/2018
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Đột quỵ là chứng bệnh vô cùng nguy hiểm nó đến bất ngờ khiến người bệnh có thể tử vong nếu không biết cách cấp cứu kịp thời. Nếu may mắn được cứu sống, bệnh nhân có nguy cơ cao mắc các biến chứng nguy hiểm như rối loạn nhận thức, mất khả năng vận động, nhiễm trùng đường tiết niệu, khó khăn trong việc nói hoặc nuốt, rối loạn tâm lý… Ngoài ra, còn ảnh hưởng nặng nề đến tình hình tài chính và tinh thần của người nhà bệnh nhân bị đột quỵ.
Người bệnh đột quỵ nếu được cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng” thì cơ hội phục hồi trở lại chất lượng cuộc sống như trước rất cao. Thời gian vàng để cấp cứu người bệnh đột quỵ là 6 giờ kể từ khi phát bệnh, 3 giờ đầu có thể coi là thời gian kim cương. Với đột quỵ, mỗi giây đều quý, nghĩa là dù cùng được chữa trong thời gian vàng nhưng người sớm hơn sẽ có kết quả tốt hơn.
Bản thân người bệnh hoặc người xung quanh cần nhận biết ngay các dấu hiệu khi đột quỵ xảy ra như bị méo miệng, nói ngọng hoặc không nói được, yếu tay chân một bên để đưa đi cấp cứu kịp thời. Nếu người bệnh đột quỵ không được cấp cứu trong quãng “thời gian vàng” thì hậu quả phải chịu rất nặng nề, có thể liệt nửa người, hôn mê sâu, thậm chí tử vong.
Nhằm cung cấp thông tin cho người dân về căn bệnh này, sáng 17-11, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn sẽ tổ chức buổi Hội thảo “Cập nhật các phương pháp điều trị đột quỵ” với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về Đột quỵ nhằm thông tin chi tiết cách phát hiện, sơ cấp cứu người bị đột quỵ; thời gian vàng gọi cấp cứu và hiểu thêm về quy trình cấp cứu cũng như những phương pháp điều trị các ca bệnh đột quỵ”. |