CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:31

Việt Nam chung nhịp đập sẻ chia, hợp tác, cùng thế giới chiến thắng đại dịch

Chủ tịch nước: Việt Nam chung nhịp đập sẻ chia, hợp tác, cùng chiến thắng đại dịch - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên thảo luận Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 76.

Chiều 22/9/2021 (theo giờ New York, tức rạng sáng 23/9 giờ Việt Nam), trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng tại diễn đàn. 

Ưu tiên cung cấp vaccine cho những nước tiêm chủng còn thấp

Trong bài phát biểu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra nhiều ý kiến đánh giá lớn cùng các đề xuất cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác đa phương với Liên hợp quốc là trung tâm và lấy luật pháp quốc tế làm nền tảng, để cùng ứng phó với các thách thức toàn cầu phức tạp như: Chiến tranh, xung đột, tranh chấp tài nguyên, biến đổi khí hậu và đặc biệt là đại dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực đến hoà bình, an ninh và phát triển trên toàn thế giới.

Cho rằng vấn đề cấp bách nhất hiện nay là cần kiểm soát dịch bệnh thông qua hợp tác quốc tế, theo Chủ tịch nước nhất là ưu tiên cung cấp vaccine cho những nước có tỷ lệ tiêm chủng còn thấp, đồng thời tạo điều kiện để các nước đang phát triển hợp tác sản xuất và tham gia chuỗi cung ứng vaccine.

Trước những tác động sâu sắc của đại dịch làm bộc lộ rõ những yếu kém của hệ thống quản trị toàn cầu, ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần nỗ lực trên tinh thần tự cường của mỗi quốc gia, dựa trên sự hợp tác và liên kết của tất cả các quốc gia, để từ đó có thể biến các thách thức thành những cơ hội cho phát triển thông qua đẩy nhanh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và sức tự cường của nền kinh tế.

Đây cũng là cơ hội để các quốc gia chuyển đổi xanh, thúc đẩy phát triển bền vững thông qua các nỗ lực giảm thiểu và xử lý các tác động tiêu cực đang ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu.

Chủ tịch nước: Việt Nam chung nhịp đập sẻ chia, hợp tác, cùng chiến thắng đại dịch - Ảnh 2.

Chủ tịch nước phát biểu tại Phiên thảo luận Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 76.

Tuy nhiên, Chủ tịch nước nhấn mạnh những nỗ lực này sẽ không thể mang lại kết quả nếu không có môi trường hoà bình, an ninh, ổn định ở mỗi quốc gia, khu vực và thế giới.

Chủ tịch nước cho biết: "Việt Nam và các nước thành viên ASEAN đang nỗ lực tăng cường vai trò trung tâm của Hiệp hội trong duy trì hòa bình, an ninh và thịnh vượng tại Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương; chia sẻ tiếng nói chung của cộng đồng quốc tế về tầm quan trọng của duy trì hoà bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông".

Theo đó, yêu cầu các bên liên quan kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, giải quyết hoà bình các tranh chấp, khác biệt trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; 

Thực thi đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) và hướng đến hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) thực chất và hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển năm 1982.

Hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng

Chia sẻ về tình hình Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu bật khát vọng của dân tộc Việt Nam xây dựng đất nước hùng cường, với Nhà nước pháp quyền, của dân, do dân và vì dân, khơi dậy lòng yêu nước mãnh liệt, ý chí quật cường, khối đại đoàn kết và phát huy năng lực đổi mới sáng tạo của toàn dân tộc.

Chủ tịch nước: Việt Nam chung nhịp đập sẻ chia, hợp tác, cùng chiến thắng đại dịch - Ảnh 3.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam chung nhịp đập sẻ chia, hợp tác, cùng chiến thắng đại dịch.

Chủ tịch nước khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, là thành viên tích cực, đóng góp trách nhiệm vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.

Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy đối thoại, hợp tác, cùng nhiều sáng kiến quan trọng trên cương vị Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, tăng cường tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc.

"Quốc kỳ của Việt Nam đang tung bay tại các Phái bộ gìn giữ hoà bình ở Nam Sudan, Cộng hoà Trung Phi và sắp tới sẽ hiện diện tại nhiều Phái bộ Liên hợp quốc ở các quốc gia khác. Với nguyện vọng tiếp tục đóng góp cho công việc chung, Việt Nam đang ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 - 2025 và các cơ chế quan trọng khác của Liên hợp quốc và mong muốn nhận được sự ủng hộ của các nước", Chủ tịch nước nói.

Và cuối cùng, Chủ tịch nước tin tưởng, mặc dù chặng đường phía trước còn nhiều gian nan, song Nhà nước và nhân dân Việt Nam sẽ cùng người dân trên toàn thế giới chung nhịp đập sẻ chia, yêu thương, hợp tác để cùng nhau sớm chiến thắng đại dịch, xây dựng một thế giới hòa bình, phát triển phồn vinh, người dân hạnh phúc.

"Đó sẽ là chiến thắng vĩ đại của tất cả chúng ta", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Ngay sau phát biểu của Chủ tịch nước, các bạn bè quốc tế đã đến gặp gỡ và chúc mừng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, bày tỏ chia sẻ và đánh giá cao bài phát biểu.

Nhiều bạn bè quốc tế cho rằng, bài phát biểu của Chủ tịch nước đã truyền tải thông điệp mạnh mẽ về hình ảnh đất nước Việt Nam năng động, đổi mới, khát vọng phát triển, yêu chuộng hoà bình, đóng góp tích cực, trách nhiệm và hiệu quả vào công việc chung của Liên hợp quốc.

Dự kiến, sáng 23/9/2021 (giờ New York), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về khí hậu và an ninh.

Tiếp xúc song phương của Chủ tịch nước tại New York, Hoa Kỳ

Cũng trong ngày 22/9, tiếp tục chương trình làm việc tại New York, Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc tiếp xúc với Tổng thống các nước Mông Cổ, Thụy Sĩ, Áo và Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EU).

Tại cuộc gặp với Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagin Khurelsukh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Ukhnaagin Khurelsukh cùng khẳng định luôn coi trọng mối quan hệ hữu nghị anh em giữa hai nước, sự ủng hộ, hỗ trợ lẫn nhau trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay.

Tại cuộc tiếp Tổng thống Thụy Sỹ Guy Parmelin, hai nhà lãnh đạo bày tỏ niềm tự hào khi hai nước có quan hệ bền chặt; thúc đẩy chương trình hợp tác phát triển giai đoạn 2021-2024 với số vốn ODA 80 triệu USD mà Thuỵ Sỹ đã cam kết; thúc đẩy sớm ký kết FTA giữa Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch tự do Châu Âu (EFTA).

Tổng thống Thụy Sỹ trân trọng mời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Thuỵ Sỹ. Chủ tịch nước vui vẻ nhận lời.

Tại cuộc gặp Tổng thống Áo Alexander Van Der Bellen, Chủ tịch nước trân trọng mời Tổng thống thăm Việt Nam năm 2022 nhân dịp hai nước kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao;

Khẳng định Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Áo đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam; đề nghị Áo tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam trong hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine ngừa Covid-19; xem xét hỗ trợ các trang thiết bị y tế nhằm giúp Việt Nam nhanh chóng kiểm soát và vượt qua đại dịch.

Tiếp Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định EU là một trong những đối tác hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam và mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với EU, nhất là trong bối cảnh hai bên sắp kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện vào năm 2022.

Chủ tịch nước cảm ơn những hỗ trợ thiết thực của EU dành cho Việt Nam nhằm ứng phó với Covid-19; mong EU tiếp tục quan tâm hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nguồn cung cấp vaccine, thuốc điều trị và thiết bị y tế; đề nghị EU thúc đẩy các nước thành viên EU sớm hoàn tất các thủ tục phê chuẩn Hiệp định EVIPA.

Trong trao đổi, Chủ tịch nước cũng đề nghị lãnh đạo các nước tạo điều kiện cho người Việt Nam ở sở tại hoà nhập và đóng góp vào sự phát triển của mỗi quốc gia và là cầu hối quan hệ giữa Việt Nam và các nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các nước cũng đã trao đổi về tình hình thế giới, khu vực, về tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống đa phương hữu hiệu, lấy Liên hợp quốc làm trung tâm nhằm đối phó với những thách thức toàn cầu, đa dạng và phức tạp, chống cường quyền và tuân thủ luật pháp quốc tế, bảo đảm an ninh an toàn, tự do hàng hải, hàng không tại các vùng biển, trong đó có Biển Đông.


Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh