THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:38

Việt Nam cần đầu tư vào những nghề có yêu cầu kỹ thuật cao

 

* Thưa Bộ trưởng, khi AEC được thành lập, chúng ta có chính sách như thế nào để thúc đẩy thị trường lao động gia nhập thị trường lao động ASEAN?

- Khi hội nhập thị trường lao động ASEAN, chúng ta có nhiều thuận lợi  nhưng cũng có rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, thị trường rộng lớn hơn, người lao động (NLĐ) có cơ hội được tự do tìm việc làm ở các nước ASEAN, thứ hai, lao động Việt Nam có điều kiện để trau dồi thêm nghề nghiệp và kinh nghiệm và có thu nhập tốt hơn. Nhưng thách thức rất lớn là trình độ lao động của Việt Nam qua đào tạo so với một số nước trong khu vực còn thấp, kỹ năng nghề còn thấp, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ. Chính vì vậy trong thời kỳ hội nhập, các nước đều có những rào cản kỹ thuật và đều có những yêu cầu kỹ thuật cao.

Việt Nam cần đầu tư vào những nghề có yêu cầu kỹ thuật cao.

Theo tôi, để lao động Việt Nam tiếp cận được 8 nghề mà ASEAN đã đồng thuận chung một thị trường hội nhập, thì cần phải có cố gắng rất nhiều trong một số lĩnh vực. Thứ nhất, với trách nhiệm của cơ quan quản lý, phải làm cho NLĐ hiểu được yêu cầu rất cao của thị trường này chứ không có nghĩa mở cửa là ta được đến với các nước. Thứ hai, cần nâng cao trình độ của NLĐ, ngoài hỗ trợ đào tạo chuyên môn đào tạo kỹ năng, kỷ luật lao động, cũng như khả năng ngoại ngữ. Vì vậy mà đối với một số nghề, NLĐ có nghề cần tiếp tục được đào tạo để họ có điều kiện hội nhập và chủ động hơn. Thứ ba, để đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật cao của các nước trong khu vực ASEAN, cần đầu tư vào những nghề trọng điểm, nghề có yêu cầu kỹ thuật cao để đầu tư từ giáo viên, thiết bị tới phương thức giảng dạy, tạo điều kiện cho NLĐ có trình độ cao hơn, đáp ứng được yêu cầu thị trường nước ngoài.

* Thưa Bộ trưởng, những ngành nghề này tuy chiếm 1,5% lực lượng lao động ASEAN, nhưng cũng gia tăng áp lực không nhỏ khi nước ta chủ yếu xuất khẩu lao động phổ thông, thiếu lao động tay nghề cao trong một số ngành được dịch chuyển?

- Đúng vậy, lâu nay Việt Nam đã xuất khẩu lao động sang thị trường các nước ASEAN nhưng phần đông là lao động chưa qua đào tạo. Chính vì vậy mà đến nay, để xuất khẩu được lao động có trình độ chuyên môn thì ngành lao động ngoài những việc trên phải chủ động phối hợp với các nước ASEAN, nắm nhu cầu của thị trường lao động, trên cơ sở đó phối hợp với các bộ, ngành để có kế hoạch cụ thể, đào tạo trình độ nghề cho người lao động, đáp ứng được yêu cầu của các nước ASEAN...

 * Có ý kiến cho rằng, hiện đào tạo nghề của Việt Nam bậc đại học và chuyên nghiệp được đánh giá là đông, nhưng lại yếu. Bộ trưởng cho biết những giải pháp cụ thể để thúc đẩy đào tạo nghề tốt hơn, NLĐ có nhiều cơ hội tốt hơn khi hội nhập?

- Tôi thấy rằng, những năm vừa qua lao động Việt Nam đã được đào tạo khá cơ bản, không phải quá yếu. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu về nghề, vẫn còn khoảng cách so với một số nước phát triển trong khu vực. Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng phải đổi mới phương pháp giảng dạy cũng như phương pháp đào tạo, tuyển chọn học sinh và chỉ đào tạo trên cơ sở nắm được nhu cầu của thị trường, phải đào tạo gắn với thị trường chứ không chỉ đào tạo những gì mình có…

* Hiện nay các nước đều sử dụng hàng rào kỹ thuật để ngăn lao động các nước khác vào, vậy chúng ta đã lập hàng rào kỹ thuật như thế nào khi hội nhập thị trường lao động ASEAN, thưa Bộ trưởng?

- Tôi cho rằng đây cũng là điểm chung của các nước trên thế giới để bảo hộ quyền làm việc của NLĐ trong nước. Nước nào cũng lập hàng rào kỹ thuật để ngăn dòng NLĐ ở các nước khác vào làm việc, với những qui định cụ thể.

Nghị định 102/NĐ-CP đã qui định rất rõ yêu cầu đối với lao động nước ngoài vào làm việc ở Việt Nam thì phải có 2 điều kiện. Thứ nhất, phải có trình độ chuyên môn kỹ thuật, thứ hai phải có kinh nghiệm làm việc từ 3 năm trở lên. Và trên cơ sở những điều kiện ấy, hướng tới đây chúng tôi sẽ đề xuất Chính phủ nghiên cứu, có thể thêm điều kiện phải biết ngoại ngữ của nước sở tại mới được vào làm việc.

Tôi nghĩ, đó cũng là điều kiện để chúng ta ràng buộc với lao động nước ngoài, bởi chỉ có người có trình độ kỹ thuật cao, có kinh nghiệm thì mới đến Việt Nam làm việc, và ngược lại sẽ không được đón nhận khi chưa đảm bảo các quy định đặt ra...

* Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.

MINH VŨ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh