THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:38

Việt Nam: 600.000 người chết mỗi năm do phải hút thuốc lá thụ động

 

Khói thuốc lá -nguyên nhân chính gây ung thư phổi 

Theo các chuyên gia y tế, trong thuốc lá có hơn 7.000 chất độc hại và hút thuốc lá là nguyên nhân của 25 căn bệnh trong đó có ung thư phổi, ung thư vòm họng, phổi tắc nghẽn và nhồi máu cơ tim... Đặc biệt, người nghiện thuốc có nguy cơ tử vong cao gấp 2,5 - 10 lần so với người không hút. Đáng lưu ý hơn, hút thuốc không chỉ ảnh hưởng đến một mình người hút mà còn ảnh hưởng đến người hút thuốc lá thụ động.

Khói thuốc cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch, đột quỵ, các bệnh đường hô hấp, ung thư phổi và nhiều bệnh khác ở người hút thuốc thụ động. Trẻ em, phụ nữ, người già là những đối tượng đặc biệt nhạy cảm với khói thuốc. Hàng năm tại Việt Nam có khoảng 600.000 trường hợp tử vong do hút thuốc lá thụ động, trong đó 64% số ca tử vong là nữ.

Bác sĩ Hoàng Đình Chân, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt cho biết, hút thuốc lá không chỉ có hại cho chính mình mà còn gây hại cho những người thân xung quanh hít phải khói thuốc. 88 triệu người không hút thuốc lá đang chịu ảnh hưởng bởi khói thuốc (hút thuốc thụ động), trong đó khoảng 54% là trẻ em.

Khói thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. Mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng hơn 20.000 ca mắc mới và hơn 17.000 người tử vong do ung thư phổi. Điều đáng nói, tỉ lệ người mắc căn bệnh này đang ngày càng trẻ hóa.

Các nhà khoa học còn cho biết thêm, một số người chết do sử dụng thuốc lá còn nhiều hơn số người chết do HIV/AIDS, sốt rét và bệnh lao cộng lại. Thuốc lá không chỉ gây ung thư phổi mà còn là nguyên nhân của các bệnh ung thư nguy hiểm khác. Các nhà khoa học công bố, 48% trường hợp tử vong vì 12 loại ung thư bắt nguồn từ khói thuốc như: Ung thư thực quản, ung thư thận và ung thư gan.

Theo ước tính, tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại Việt Nam rất cao, khoảng 67,6% người không hút thuốc bị phơi nhiễm với khói thuốc tại nhà và 49% phơi nhiễm tại nơi làm việc. Trong công tác phòng, chống đại dịch ung thư và những căn bệnh nguy hiểm, biện pháp kiểm soát chủ yếu là tầm soát ung thư, lối sống tích cực, đặc biệt là hạn chế hút thuốc lá.

Bất chấp lệnh cấm, nhiều người vẫn vô tư hút thuốc trong bệnh viện.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, hiện Việt Nam thuộc tốp 3 của các nước ASEAN và tốp 15 trên thế giới về sử dụng nhiều thuốc lá với 15 triệu người hút thuốc. 2/3 phụ nữ và một nửa số trẻ em thường xuyên hút thuốc lá thụ động. Bên cạnh các sản phẩm thuốc lá điếu, các sản phẩm như shisha, thuốc lá điện tử đang được các nhà sản xuất quảng cáo bằng nhiều hình thức để thu hút và duy trì hành vi hút thuốc trong giới trẻ.

Thành lập nhóm thanh tra giám sát môi trường không khói thuốc lá

Tại buổi mít tinh hưởng ứng ngày thế giới không thuốc lá (31/5), Tiến sĩ Lokky Wai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, Việt Nam sẽ thành lập nhóm hành động, hoặc cán bộ thanh tra chuyên ngành, chuyên giám sát việc thực hiện môi trường không khói thuốc và thiết lập đường dây nóng phản ánh vi phạm. Vị đại diện của WHO cũng cho biết, từ kết quả cuộc điều tra sử dụng thuốc lá của người trưởng thành năm 2015 có thể thấy rõ tác động của các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mặc dù tỷ lệ hút thuốc chưa giảm đáng kể nhưng tình trạng tiếp xúc với khói thuốc thụ động tại nhà, nơi làm việc và nơi công cộng đã giảm một cách đáng kể tại Việt Nam.

Theo kết quả điều tra toàn cầu năm 2015 của Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (thuộc Tổ chức Y tế thế giới), tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu ở thanh thiếu niên Việt Nam giảm từ 3,3% năm 2007 xuống 2,5% năm 2014, 90% học sinh đang hút thuốc có ý định bỏ thuốc. Ngoài ra, tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại nhà giảm từ 73,1% năm 2010 xuống còn 59,9% năm 2016, tỷ lệ này tại nơi làm việc giảm từ 55,9% xuống 42,6% và trên các phương tiện giao thông công cộng giảm từ 34,4% xuống 19,4%. Các kết quả này thể hiện ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc và nhận thức về tác hại thuốc lá trong cộng đồng ngày càng được nâng cao.

Đến nay, 62% công đoàn cơ sở cả nước triển khai môi trường làm việc không khói thuốc, 100% bệnh viện thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá, 92% Sở Y tế, công đoàn ngành Y tế cam kết thực hiện môi trường làm việc không khói thuốc lá, gần 900 trường THCS, THPT thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc.

Tuần lễ quốc gia không thuốc lá năm nay còn diễn ra nhiều hoạt động trọng tâm như: Mit tinh hưởng ứng của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ đề “Tổ ấm không khói thuốc lá”; mit tinh trong cơ quan Bộ Y tế và các tỉnh; thành phố, phát động xây dựng môi trường không khói thuốc lá trong ngành Giao thông vận tải;  phát động cuộc thi toàn quốc báo chí viết về đề tài phòng, chống tác hại thuốc lá... Tại lễ mit tinh, hàng ngàn người đã tham gia nhảy flashmob, diễu hành xe đạp quanh các tuyến đường chính của TP Hồ Chí Minh để hưởng ứng, tuyên truyền về tác hại của thuốc lá. Với Ngày thế giới không thuốc lá năm 2016, Tổ chức Y tế thế giới lựa chọn chủ đề “Thực hiện đóng gói thuốc lá bằng bao bì trơn”. Năm nay, Bộ Y tế cũng phát động chiến dịch truyền thông “Cuộc sống không khói thuốc lá”.        

DUY ANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh