Viện Khoa học LĐXH phải là Viện nghiên cứu hàng đầu về chính sách lao động Xã hội
- Tây Y
- 22:40 - 13/04/2018
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu chỉ đạo về các định hướng phát triển của Viện trong thời gian tới
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Viện Khoa học Lao động và Xã hội, trước tiên thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ và nhân danh cá nhân tôi xin gửi lời chúc mừng, lời cảm ơn chân tình nhất tới các cán bộ, nghiên cứu viên, viên chức của Viện.
Trải qua 40 năm phấn đấu xây dựng và trưởng thành, Viện Khoa học Lao động và Xã hội đã từng bước khẳng định vị trí và vai trò hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ quản lý và hoạch định chính sách lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.Các kết quả nghiên cứu của Viện đã góp phần phát triển hệ thống lý luận khoa học lao động và xã hội; cung cấp các luận cứ khoa học để Đảng và Nhà nước đề ra các chủ trương, xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, luật pháp về lao động, người có công và xã hội đáp ứng các yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước trong từng giai đoạn; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...
Trong chặng đường xây dựng và phát triển, bằng sự nỗ lực của mình, Viện đã giúp Lãnh đạo Bộ tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng trong lĩnh vực lao động người có công và xã hội, nhất là ban hành Bộ luật Lao động năm 1994 và các luật chuyên ngành sau này; Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo; Chương trình việc làm quốc gia, các chính sách về dịch vụ xã hội cơ bản, chính sách bảo hiểm xã hội và an sinh xã hội, những đóng góp của Viện đã góp phần tạo nên những chuyển biến căn bản và toàn diện của ngành.
Tuy nhiên, như các đồng chí đã biết, các lĩnh vực quản lý của ngành Lao động -Thương binh và Xã hội rất rộng, vấn đề đặt ra rất nhiều. Trong khi đó việc hoàn thiện thể chế, chính sách của Bộ còn thiếu các nghiên cứu cơ bản, đặc biệt trong bối cảnh nhiều vấn đề mới xuất hiện. Những nghiên cứu cơ bản của Viện vẫn còn chưa bao phủ toàn diện, chưa cung cấp kịp thời các căn cứ lý luận, bằng chứng thực tiễn cho xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách của Bộ. Đặc biệt, các nghiên cứu cơ bản để giải quyết thấu đáo, toàn diện những vấn đề lớn của ngành cả về lý luận, tổng kết thực tiễn và đề xuất giải pháp, mô hình triển khai.
Nghiên cứu còn có mặt, có lĩnh vực chưa gắn với thực tiễn; kết quả nghiên cứu chưa thực sự được sử dụng và ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn. Nghiên cứu khoa học cơ bản còn hạn chế, nhất là những tư vấn xây dựng chính sách mang tầm dài hạn. Công tác thông tin khoa học, phổ biến kết quả nghiên cứu chưa được quan tâm đúng mức; đầu tư khai thác các nguồn lực chưa tương xứng; đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học còn mỏng, nhất là lực lượng nghiên cứu viên đầu ngành có trình độ cao.
Trước một số vấn đề xã hội nảy sinh, xu hướng già hóa dân số, biến đổi khí hậu và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng, đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của Viện Khoa học Lao động và Xã hội thời gian tới sẽ rất nặng nề. Tôi mong muốn Viện sẽ nỗ lực hơn nữa, sớm khẳng định vị trí đầu tầu trong nghiên cứu khoa học; góp phần đưa khoa học công nghệ trở thành yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển sự nghiệp lao động, người có công và xã hội.
Quang cảnh hội nghị
Viện cần chú trọng các nghiên cứu đón đầu, dự báo mang tầm chiến lược để giải quyết các vấn đề mới trong lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội như: Việc làm bền vững; đào tạo nhân lực, chuyển đổi việc làm và giải quyết việc làm dưới tác động của kỷ nguyên tự động hóa và số hóa; quan hệ lao động trong nền kinh tế chia sẻ và tác động của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các Hiệp định thương mại thế hệ mới khác; vấn đề sinh kế và chuyển đổi sinh kế cho người dân thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển hệ thống an sinh xã hội công bằng, bền vững, hỗ trợ hiệu quả các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và thích ứng với xu hướng già hóa dân số, vì mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong tiến trình phát triển… Kết quả nghiên cứu cần gắn với từng địa chỉ ứng dụng, nghiên cứu xong thì phải ứng dụng ngay.
Trong thời gian tới, Lãnh đạo Bộ đặt hàng Viện tham góp đắc lực vào 2 Đề án lớn. Một là, Đề án dự báo cung cầu thị trường lao động, để hình thành thị trường lao động quốc gia đồng bộ; Hai là, Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu chỉ đạo về các định hướng phát triển của Viện trong thời gian tới
Để làm được điều đó, Viện khoa học Lao động và Xã hội cần tập trung đổi mới một số vấn đề cơ bản sau đây:
Một là, về chiến lược phát triển: Viện phải sớm trở thành một trung tâm học thuật của Bộ, quy tụ sự tham gia và phát huy được trí tuệ tập thể của các nhà khoa học trong và ngoài ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phục vụ sự nghiệp nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực về khoa học lao động và xã hội; công bố kịp thời các công trình nghiên cứu khoa học có ý nghĩa, có giá trị thiết thực phục vụ xây dựng chính sách của Đảng và Nhà nước và xây dựng Chính phủ kiến tạo vì dân. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành liên quan và các viện nghiên cứu để xây dựng và triển khai chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước về lĩnh vực lao động và xã hội giai đoạn 2020-2025, đặc biệt quan tâm nghiên cứu khoa học cơ bản.
Hai là, về định hướng nghiên cứu khoa học: Phải cân đối hài hòa giữa nghiên cứu lý luận và ứng dụng, tổng kết thực tiễn; gắn nghiên cứu lý luận với thực tiễn, kết quả nghiên cứu với địa chỉ ứng dụng. Trong đó, ưu tiên thực hiện các nghiên cứu về phát triển và hoàn thiện hệ thống lý luận, phương pháp luận về khoa học lao động và xã hội phù hợp với xu hướng tiến bộ trên thế giới, đặc biệt là trong xây dựng các bộ công cụ và mô hình phân tích, đánh giá; chú trọng các nghiên cứu đón đầu, tham gia dự báo mang tầm chiến lược về cung - cầu thị trường lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng, giải quyết các vấn đề mới trong lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội; tăng cường các nghiên cứu phục vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế, gồm các nghiên cứu tổng kết thực tiễn và nghiên cứu đánh giá chính sách, đặc biệt là nghiên cứu kiểm định và lượng hóa các tác động xã hội không chỉ đối với các chính sách thuộc lĩnh vực của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội mà cả các chính sách kinh tế - xã hội và môi trường khác, vì mục tiêu phát triển bao trùm và bền vững trong lĩnh vực an sinh xã hội.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu chỉ đạo về các định hướng phát triển của Viện trong thời gian tới
Ba là, về xây dựng đội ngũ cán bộ, nghiên cứu viên: Đội ngũ cán bộ, nghiên cứu viên là nhân tố chính yếu nhất quyết định kết quả và chất lượng nghiên cứu khoa học, tương lai và sự phát triển của Viện. Một mặt, Viện cần chủ động tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học, thu hút sự tham gia, cống hiến của các nhà khoa học trong và ngoài ngành. Yêu cầu đặt ra với từng cán bộ, nghiên cứu viên của Viện phải chủ động bổ sung kiến thức mới, rèn luyện phương pháp tư duy sáng tạo, không ngừng bồi dưỡng thế giới quan khoa học và nhìn nhận vấn đề theo quan điểm phát triển. Mặt khác, Viện cần tăng cường bổ sung lực lượng cán bộ, nghiên cứu, chú trọng bồi dưỡng và nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, ngoại ngữ để có điều kiện cập nhật và tiếp cận kịp thời những tri thức mới, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu khoa học lao động và xã hội trong bối cảnh khoa học, công nghệ thay đổi nhanh chóng. Viện phải là địa chỉ cung cấp nguồn cán bộ chất lượng cao cho Bộ, đáp ứng yêu cầu của công tác cán bộ trong sự nghiệp phát triển ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời kỳ mới.
Bốn là, về tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nghiên cứu: Viện cần hướng đến trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học lao động và xã hội quy tụ được sự quan tâm và tham gia của các nhà đầu tư ngoài ngành, các doanh nghiệp đặt hàng, các đề tài, các sáng kiến, v.v… tiến tới từng bước phải tự chủ từng phần về kinh phí hoạt động; tham mưu cho lãnh đạo Bộ tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học. Trong đó, cơ sở vật chất kỹ thuật của Viện cần được trang bị hiện đại, hỗ trợ tối đa công tác nghiên cứu khoa học. Trước mắt, chủ động thực thi cải cách hành chính, tận dụng tối đa những tiến bộ và ưu việt của công nghệ thông tin vào việc hoàn thiện và phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật của đơn vị, đặc biệt trong thu thập và xây dựng cơ sở dữ liệu được chuẩn hóa phục vụ nghiên cứu các lĩnh vực của ngành; quảng bá và phổ biến thông tin khoa học lao động và xã hội.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và các đồng chí lãnh đạo Bộ tặng hoa chúc mừng Viện KHLĐ&XH nhân dịp 40 năm ngày thành lập
Năm là, về hợp tác nghiên cứu khoa học: Viện cần đẩy mạnh các hình thức hợp tác nghiên cứu trong và ngoài nước theo nhiều hình thức như liên kết nghiên cứu, hợp đồng dịch vụ tổ chức tư vấn/chuyên gia tư vấn độc lập. Chú trọng duy trì và mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học lao động và xã hội để cập nhật những xu hướng tiến bộ của thế giới (phương pháp luận, công cụ nghiên cứu tiên tiến) gắn với tiếp thu có chọn lọc để tăng cường chất lượng nghiên cứu khoa học và phục vụ tốt sự nghiệp phát triển lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong thời kỳ mới.
Tôi tin tưởng bằng trí tuệ, sự đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả, thời gian tới, Viện sẽ nâng cao được chất lượng nghiên cứu, đóng góp thiết thực và hiệu quả hơn vào phát triển hệ thống lý luận khoa học lao động và xã hội, phục vụ tốt hơn công tác hoạch định chính sách và quản lý nhà nước lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Đó cũng là cơ sở để khẳng định vai trò và vị trí của Viện Khoa học Lao động và Xã hội trong cộng đồng các tổ chức nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế.
Xin gửi các đồng chí và gia đình những đoá hoa tươi thắm và lời chúc mừng tốt đẹp nhất!