THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:10

Viêm não Nhật Bản: Muỗi là tác nhân lây truyền

Viêm não Nhật Bản lây qua đường muỗi đốt, 30% người mắc có thể tử vong, 20-30% bị di chứng nếu sống sót. Tỷ lệ mắc bệnh hàng năm khác nhau giữa các quốc gia, dao động dưới 1% hoặc hơn 10% trong 100.000 dân hoặc cao hơn trong các đợt bùng phát. Virus viêm não Nhật Bản ước tính gây ra khoảng 68.000 ca bệnh, khoảng 13.600-20.400 trường hợp tử vong mỗi năm.

Theo thông tin của WHO năm 2019, virus viêm não Nhật Bản khiến hơn 3 tỷ người tại 24 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương mắc bệnh.

Các trường hợp nhiễm virus viêm não Nhật Bản hầu hết là nhẹ (sốt và đau đầu) hoặc không có triệu chứng rõ ràng, nhưng khoảng một trong 250 trường hợp nhiễm trùng dẫn đến bệnh nghiêm trọng.

Thời gian ủ bệnh 4-14 ngày. Ở trẻ em, nôn mửa, gặp vấn đề về đường tiêu hóa có thể là những triệu chứng ban đầu của bệnh. Bệnh nặng thường khởi phát nhanh chóng với sốt cao, nhức đầu, cứng cổ, mất phương hướng, hôn mê, co giật, liệt co cứng và cuối cùng là tử vong.

Tỷ lệ tử vong có thể lên tới 30% ở những người có các triệu chứng bệnh. Trong số những người sống sót, 20%-30% bị di chứng vĩnh viễn về trí tuệ, hành vi hoặc thần kinh như tê liệt, co giật tái phát hoặc mất khả năng nói.

Virus viêm não Nhật Bản được truyền sang người qua vết cắn của muỗi Culex (chủ yếu là Culex tritaeniorhynchus). Nguồn gây bệnh chủ yếu từ các loài chim hoang dã và các loài gia súc. Bệnh được phát hiện đa phần ở các vùng nông thôn và ngoại ô, nơi con người sống gần các vật chủ động vật có xương sống.

Ở hầu hết các khu vực ôn đới của châu Á, loại virus này lây truyền chủ yếu vào mùa ấm, có thể xảy ra dịch. Ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, bệnh có thể xảy ra quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa mưa và thời kỳ trước thu hoạch ở các vùng trồng lúa.

Viêm não Nhật Bản chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Điều trị tập trung vào việc làm giảm các dấu hiệu lâm sàng nghiêm trọng và hỗ trợ bệnh nhân khỏi nhiễm trùng.

Tiêm vaccine giúp phòng ngừa bệnh. WHO khuyến nghị, đưa vaccine phòng viêm não Nhật Bản vào lịch tiêm chủng quốc gia ở tất cả các khu vực, nhất là những nơi bệnh trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng. Ngay cả khi trường hợp mắc viêm não Nhật Bản thấp thì vẫn nên tiêm phòng đúng liều, đủ lịch.

Theo WHO. hiện có 4 loại vaccine phòng viêm não Nhật Bản đang được sử dụng gồm vaccine bất hoạt có nguồn gốc từ não chuột, vaccine bất hoạt có nguồn gốc từ tế bào vero, vaccine sống giảm độc lực và vaccine tái tổ hợp sống.

Vaccine bất hoạt dựa trên nuôi cấy tế bào và vaccine sống tái tổ hợp về chủng vaccine sốt vàng đã được cấp phép và đạt tiêu chuẩn WHO. Vào tháng 11/2013, Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI) có chương trình hỗ trợ tiêm chủng viêm não Nhật Bản ở các quốc gia đủ điều kiện.

Viêm não Nhật Bản: Muỗi là tác nhân lây truyền - Ảnh 1.

Tiêm vaccine là một trong những biện pháp chủ động để phòng viêm não Nhật Bản. Ảnh: freepik.

Để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm não Nhật Bản, du khách khi đến các vùng có căn bệnh này nên tránh bị muỗi đốt như ngủ màn, sử dụng chất đuổi muỗi, mặc quần áo dài tay... Những du khách ở lại lâu nên tiêm phòng trước khi đi du lịch.

CHU THÚY ( nguồn WHO)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh