Vì sao Vua Malaysia thoái vị sau khi cưới hoa khôi Nga?
- Tây Y
- 13:01 - 08/01/2019
Ông Muhammad V, người thoái vị ngai vàng Malaysia. Ảnh: Bernama. |
Quốc vương Malaysia Muhammad V ngày 6/1 thông báo quyết định thoái vị, trở thành nhà vua đầu tiên của nước này rời bỏ ngai vàng.
Theo quy định, quốc vương Malaysia được lựa chọn từ 9 Sultan (tiểu vương) cai trị 9 bang Hồi giáo ở Malaysia. Quốc vương trị vì đất nước trong nhiệm kỳ kéo dài 5 năm.
Ông Muhammad Vsinh năm 1969, tên hiệu là Tengku Muhammad Faris Petra ibni Tengku Ismail Petra, là con của Tiểu vương Ismail Petra cai trị bang Kelantan. Ông được lập làm Thế tử khi 10 tuổi. Ông từng du học Anh, theo học tại Học viện St Cross, Oxford và Trung tâm nghiên cứu Hồi giáo Oxford về nghiên cứu ngoại giao, theo Straits Times.
Tháng 5/2009, cha ông đột quỵ và được đưa đến Singapore điều trị. Ông Faris được bổ nhiệm làm Nhiếp chính trong thời gian cha vắng mặt. 4 tháng sau, ông sa thải em trai là Tengku Muhammad Fakhry Petra khỏi Hội đồng Kế vị - thể chế có quyền quyết định người kế vị khi tiểu vương mất năng lực trị vì. Ông Fakhry nộp đơn lên Tòa án tối cao để phản đối việc sa thải nhưng bị bác đơn.
Theo quy định rằng tiểu vương sẽ bị thay thế nếu vắng mặt trong hơn một năm, tháng 13/9/2010, ông Faris kế vị cha mình làm Tiểu vương thứ 29 của Kelantan, lấy hiệu là Muhammad V. Tuy nhiên, cha ông, người vẫn đang hồi phục sau cơn đột quỵ, đệ đơn lên Tòa án Liên bang, tuyên bố rằng việc soán ngôi này là vi hiến. Đơn này sau đó cũng bị bác bỏ.
Tháng 10/2010, ông Muhammad V lần đầu tiên tham dự kỳ họp thứ 222 của Hội nghị Quân chủ Malaysia, đánh dấu việc các lãnh đạo khác công nhận việc ông kế vị làm Tiểu vương.
Ông được bầu làm Phó vương Malaysia vào tháng 10/2011. Cuối năm 2016, ông được bầu làm Quốc vương Malaysia và lên ngôi tháng 4/2017. Ở tuổi 47, ông là quốc vương trẻ thứ tư trong lịch sử nước này. Ông cũng đồng thời giữ vị trí Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Malaysia. Em trai ông là Nhiếp chính bang Kelantan trong nhiệm kỳ quốc vương của ông.
Quốc vương Malaysia chủ yếu có vai trò về nghi lễ, quyền hạn thật sự nằm trong tay Hội đồng Bộ trưởng Liên Bang, đứng đầu là thủ tướng.
Ông Muhammad V có một đời vợ là Kangsadal Pipitpakdee, kết hôn vào năm 2004 và ly dị năm 2008. Ông là quốc vương Malaysia đầu tiên cai trị mà không có hoàng hậu.
Tháng 11/2018, ông nghỉ ngơi trong hai tháng để đi chữa bệnh nhưng có tin đồn được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội rằng cuối tháng đó ông kết hôn với Hoa hậu Moskva năm 2015 Oksana Voevodina, 25 tuổi. Không có xác nhận nhưng cũng không có bác bỏ chính thức về vấn đề này.
Truyền thông nước ngoài đưa tin rằng có đồn đoán đám cưới của ông với Oksana Voevodina liên quan đến việc thoái vị. Các Tiểu vương khác được cho là không đồng ý việc cô Voevodina trở thành hoàng hậu Malaysia.
Không chỉ vậy, ông Muhammad V dường như còn không ưng ý với việc ông Mahathir Mohamad trở thành thủ tướng Malaysia.
Ngày 9/5 năm ngoái, liên minh đảng Pakatan Harapan do ông Mahathir làm chủ tịch đã chiến thắng đảng Barisan Nasional của thủ tướng khi đó là Najib Razak. Mặc dù đảng Pakatan Harapan nhất trí chọn ông Mahathir làm thủ tướng, Quốc vương Muhammad V muốn vị trí này do bà Wan Azizah Wan Ismail, chủ tịch của đảng Công lý Nhân dân thuộc liên minh Pakatan Harapan, đảm nhiệm.
Tuy nhiên, Pakatan Harapan nhắc đi nhắc lại trong các cuộc họp báo rằng họ muốn ông Mahathir làm thủ tướng. Cuối cùng, Quốc vương chấp nhận để lãnh đạo 92 tuổi này nhậm chức vào ngày 10/5/2018. Ông Mahathir sau đó kể rằng các Tiểu vương khác đã nói với ông rằng họ bất bình về việc Quốc vương chậm trễ xác nhận ông làm thủ tướng.
Thực tế, ông Mahathir từng có quan hệ không êm đẹp với hoàng tộc Malaysia. Khi giữ chức thủ tướng năm 1981 - 2003, ông đã sửa đổi hiến pháp để tước bỏ quyền lợi được miễn trừ truy tố và một số quyền khác của họ.
Hình ảnh được cho là hôn lễ của Quốc vương Muhammad V với người đẹp Nga tháng 11/2018. Ảnh: Instagram. |
Việc quốc vương một nước thoái vị là điều hiếm xảy ra nhưng đã có tiền lệ ở Anh. Tháng 11/1936, Vua Edward VIII thông báo với Thủ tướng Anh Stanley Baldwin rằng ông muốn kết hôn với Wallis Simpson, một phụ nữ Mỹ đã hai lần ly dị. Ông Baldwin trả lời rằng công chúng sẽ không chấp nhận việc bà Simpson làm hoàng hậu. Lúc bấy giờ, Giáo hội Anh ngăn cấm việc nhà vua kết hôn với người đã ly dị khi người chồng hoặc vợ cũ vẫn còn sống (luật sau này được thay đổi vào năm 2002).
Vua Edward VIII đề xuất rằng nếu hai người kết hôn, ông vẫn sẽ giữ ngôi vua nhưng bà Wallis không được phong làm hoàng hậu. Tuy nhiên, ý kiến này bị Thủ tướng Anh và các lãnh đạo khác bác bỏ. Một tháng sau, vua Edward VIII thông báo thoái vị và kết hôn vào năm 1937.
Tháng 8/2016, Nhật hoàng Akihito, 82 tuổi, cũng bày tỏ mong muốn thoái vị khi nói rằng sức khỏe yếu dần khiến ông "khó có thể hoàn thành trách nhiệm là biểu tượng quốc gia". Quốc hội Nhật sau đó thông qua luật cho phép ông được nhường ngôi như mong muốn. Ông dự kiến rời ngai vàng vào tháng 4/2019, truyền ngôi cho con trai cả.
Nhà khoa học chính trị Awang Azman Awang Pawi thuộc Đại học Malaya, đánh giá rằng việc thoái vị đột ngột của Quốc vương Malaysia không đặt ra mối đe dọa cho sự ổn định của chính phủ. Theo hệ thống luân phiên, Tiểu vương của bang Pahang dự kiến được bầu làm người kế vị. Còn ông Muhammad V sẽ quay về làm tiểu vương bang Kelantan.
"Không xảy ra khủng hoảng hiến pháp, đây là vấn đề nội bộ được giải quyết bằng các nghi thức hoàng tộc. Hội nghị Quân chủ sẽ sớm họp để bầu quốc vương mới. Trong thời gian này, Phó vương (Tiểu vương Nazrin Shah của bang Perak) sẽ đảm đương trách nhiệm của quốc vương nên hoạt động hàng ngày của chính phủ không bị ảnh hưởng".