CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:52

Vì sao thương lái “thổi giá" thịt lợn cao ngất ngưởng?

Vì sao thương lái “thổi giá“ thịt lợn cao ngất ngưởng? - Ảnh 1.

Thịt lợn trên thị trường đã tăng 20-30 nghìn đồng/kg trong vòng 1 tháng trở lại đây (Chụp tại chợ Mỹ Đình). Ảnh: Tạ Tôn

Giá thịt lợn tăng cao do nguồn cung sau dịch tả lợn châu Phi giảm sút. Tuy nhiên, nhiều nơi đang có dấu hiệu thương lái “làm giá” lũng đoạn thị trường để kiếm lời.

Giá leo thang từng ngày

Khảo sát thị trường đầu tuần ở các chợ bình dân tại Hà Nội, giá thịt lợn đã bị đẩy lên mức 120-140 nghìn đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Thoa, tiểu thương tại chợ Quan Nhân, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, chỉ chưa đầy 1 tháng mà giá thịt lợn đã tăng khoảng 20-30 nghìn đồng/kg. “Nhiều ngày nay, mỗi phiên lại nghe báo giá mới, có hôm tăng mấy giá liền, vậy mà còn không có lợn mà bắt”, chị Thoa cho hay.

Giá thịt lợn tăng cao khiến người tiêu dùng cũng phải “thắt lại” túi tiền hoặc chuyển sang thực phẩm khác. “Thịt lợn loại ngon đã tăng lên tới 150-160 nghìn đồng/kg. Nhà tôi chủ yếu chuyển sang ăn cá, gà nhưng vì thịt lợn là món dễ chế biến lại được trẻ con ưa thích nên vẫn phải mua, có điều mua ít hơn” , chị Minh Nguyệt, quận Cầu Giấy chia sẻ.

Theo tìm hiểu, giá thịt lợn tăng nhanh bởi giá lợn hơi xuất chuồng bị đẩy cao. Tính tới ngày 11/11, giá lợn hơi toàn miền Bắc dao động quanh mức 71 nghìn đồng/kg, cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên nhiều nơi đã vượt lên mức giá 73-74 nghìn đồng/kg như: Hà Nội, Hà Nam, Thái Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên… Cá biệt một số nơi tại Hưng Yên, giá lợn đã nhảy vọt lên đến 76 nghìn đồng/kg.

Tương tự, nhiều tỉnh ở khu vực Bắc Trung Bộ đã xuất hiện mức giá trên 70 nghìn đồng/kg như: Thanh Hoá, Nghệ An; còn lại giá dao động trong khoảng 57-65 nghìn đồng /kg.

Trong khi đó, theo Trung tâm Thông tin và Công nghiệp (Bộ Công Thương), lượng lợn từ miền Nam chuyển ra phía Bắc đã giảm mạnh, do giá lợn hơi ở miền Nam đã gần bằng với mức giá miền Bắc, cộng thêm phí vận chuyển thì sẽ không có lãi. Cụ thể, tại “thủ phủ” chăn nuôi Đồng Nai, thương lái đang phải mua với giá 65 nghìn đồng/kg. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, giá lợn hơi cũng liên tục tăng “phi mã”, hiện dao động từ 62-65 nghìn đồng/kg.

Theo các chủ trại nuôi, giá bán lợn xuất chuồng thường được chiếu theo giá của các công ty chăn nuôi lớn. Cụ thể, mới đây, Công ty C.P chi nhánh miền Bắc tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán lợn lên mức 66 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên thương lái lẻ muốn bắt lợn của công ty này thường không mua được tận cổng trại, mà phải mua qua đơn vị khác (tương đương đại lí cấp 1), vì thế giá lợn hơi bị đẩy lên hơn 70 nghìn đồng/kg. Tại miền Nam, Công ty chăn nuôi CJ VINA thông bố điều chỉnh tăng giá lợn hơi thêm 2 nghìn đồng/kg tại Đồng Nai, lên 65,5-66,5 nghìn đồng/kg. Tập đoàn Dabaco Việt Nam cũng tăng cao so với đầu tháng 10, hiện đang ở mức 66-67 nghìn đồng/kg.

Giá cao bất thường?

“Báo cáo mới nhất của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) dự báo, giá thịt lợn thời gian tới sẽ tăng do nhu cầu lớn dịp cuối năm. Đặc biệt, do nguồn cung hạn chế, cơ quan này khuyên người dân sử dụng các nguồn thịt khác thay thế, tránh gây sức ép lên nguồn cung thịt lợn khiến giá cả tăng cao hơn.”

Chiều 11/11, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Quang Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hưng Yên cho hay, rất khó lý giải vì sao giá lợn tại địa phương này lại cao nhất cả nước. “So với các tỉnh khác tại đồng bằng Sông Hồng, số lợn bị tiêu hủy của Hưng Yên thấp hơn, chỉ chiếm khoảng 31% tổng đàn. Tới nay, ước tính Hưng Yên vẫn còn khoảng 400 nghìn đầu lợn; ngoài ra còn số lượng lớn thịt nhập theo container từ nước ngoài chuyển về phục vụ các bếp ăn công nghiệp; lượng gia cầm cũng đã lên tới 10 triệu con. Nguồn cung so với nhu cầu thực phẩm của người dân trên địa bàn không hề thiếu. Vậy mà giá lợn tăng cao tới mức doanh nghiệp chế biến xúc xích đóng tại Hưng Yên như: Nipponham (Nhật Bản) hay Đức Việt, trong mấy ngày hôm nay phải tạm dừng nhập thịt”, ông Tuấn cho hay.

Tính trên thị trường cả nước, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) khẳng định, nguồn cung thịt lợn không hề thiếu. Tổng số lợn bị bệnh và phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi chỉ khiến thị trường thiếu hụt khoảng 5,7% lượng thịt lợn. Tuy nhiên, giới thương lái đang “mượn cớ” dịch tả lợn châu Phi để làm lũng đoạn thị trường nhằm kiếm lời. “Rõ ràng khâu lưu thông đang có vấn đề. Hiện nay giá lợn hơi tại miền Bắc của công ty C.P Việt Nam bán ra với mức giá 66 nghìn đồng/kg, nhưng khi mua về, thương lái đã đẩy giá lên mức 71-73 nghìn đồng/kg. Cần phải xử lý được vấn đề này”, ông Dương phân tích.

Trước tình trạng giá thịt lợn “leo thang”, nhiều địa phương đang muốn đề xuất được tái đàn. Cụ thể, tại Hưng Yên, 100% các huyện trên địa bàn đều không còn dịch tả lợn châu Phi. “Chúng tôi đang tham mưu cho tỉnh ra văn bản cho phép tái đàn có trọng điểm. Theo đó, chỉ cho tái đàn những nơi có mô hình chăn nuôi khép kín, chuồng trại đảm bảo an toàn. Tại những nơi không đảm bảo điều kiện, nếu người dân vẫn cố tính vào đầu lợn, khi để tái dịch sẽ không được Nhà nước hỗ trợ”, ông Tuấn cho biết.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi đã có dấu hiệu quay trở lại tại một số địa phương. Mới đây nhất, tại Quảng Nam, mặc dù đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới, nhưng bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn tái diễn trên đàn lợn ở nhiều địa phương của huyện Thăng Bình.

Theo Báo giao thông

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh