THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 04:01

Vì sao thuốc điều trị ngộ độc botulinum lại cực kỳ đắt đỏ và quý hiếm?

Theo Cục Quản lý Dược, ngộ độc botulinum là ngộ độc do nhiễm độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum. Ngộ độc này rất hiếm xảy ra, ở Việt Nam và trên thế giới. Nguyên nhân chính là do người bệnh nhiễm độc tố vi khuẩn trong thực phẩm kém chất lượng, ăn phải các loại thức ăn bảo quản không tốt. Từ năm 2020 đến nay rải rác có một vài ca bệnh/năm, gần đây có 3 ca tại TP. Hồ Chí Minh.

Với các trường hợp ngộ độc botulinum đang mắc tại TP. Hồ Chí Minh, ngay khi nhận được báo cáo của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh ngày  21/5, Cục Quản lý dược đã khẩn trương liên hệ, trao đổi và làm việc với WHO để hỗ trợ giải quyết. Với sự hỗ trợ nhiệt tình của Bộ phận Chăm sóc sức khỏe toàn dân, môi trường và lối sống lành mạnh của WHO, WHO đang khẩn trương liên hệ để tìm nguồn thuốc hỗ trợ. Ngoài ra Cục Quản lý dược cũng đã đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy liên hệ với các công ty nhập khẩu, nhà cung ứng để có thêm nguồn cung ứng thuốc.

Theo Cục Quản lý Dược, thuốc giải độc tố botulinum là loại thuốc rất hiếm. Do mỗi năm cả nước chỉ có vài ca bệnh nên các bệnh viện thường không dự trù đủ.

WHO đang khẩn trương tìm nguồn thuốc điều trị ngộ độc botulinum giúp Việt Nam.

WHO đang khẩn trương tìm nguồn thuốc điều trị ngộ độc botulinum giúp Việt Nam.

Về giải pháp căn cơ, Bộ Y tế cho biết, để chủ động hơn với các thuốc chống ngộ độc nói riêng, các thuốc hạn chế về nguồn cung nói chung, Bộ Y tế đã báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã đồng ý và chỉ đạo Bộ Y tế xây dựng cơ chế đảm bảo thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung.

Trong các giải pháp thực hiện, một giải pháp quan trọng là thành lập các trung tâm tồn trữ thuốc hiếm nguồn cung tại các vùng kinh tế - xã hội và đặc biệt là cơ chế để có thể thanh toán các thuốc hiếm về nguồn cung đã tồn trữ nhưng hết hạn do không phải dùng đến vì không có bệnh nhân.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân cần hết sức lưu ý, không bảo quản và sử dụng thức ăn đã được chế biến từ lâu, đảm bảo an toàn thực phẩm, tránh nguy cơ ngộ độc nói chung, ngộ độc độc tố botulinum nói riêng.

Ngộ độc botulinum là do một loại vi khuẩn botulinum gây ra, vi khuẩn này sống trong yếm khí, có nghĩa là môi trường không có không khí, nồng độ oxy rất thấp thì con vi khuẩn này mới hoạt động được.

Hiện nay, thuốc duy nhất trung hòa độc tố botulinum là thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT). Tuy nhiên, đây là loại thuốc rất hiếm và đắt đỏ, chỉ có một hãng dược ở Canada sản xuất và có giá lên đến 8000 USD/lọ.

Liên quan đến thuốc hiếm, ông Lê Việt Dũng- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết hiện nay, việc mua sắm thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm vẫn được thực hiện bởi các cơ sở khám chữa bệnh, theo quy định về mua sắm, đấu thầu thuốc.

Về cơ bản, nguồn cung tổng thể với các thuốc hiếm là không thiếu, chỉ thiếu ở một số cơ sở y tế do còn tồn tại các khó khăn trong công tác dự trù, xác định nhu cầu do phụ thuộc vào tình hình bệnh tật phát sinh của từng năm và trong công tác thực hiện mua sắm (thời gian thực hiện mua sắm kéo dài dẫn đến thiếu tính kịp thời trong mua sắm).

Có những loại thuốc hiếm nhiều năm không sử dụng đến, không dự trù mua sắm dẫn đến khi có phát sinh bệnh tật mới mua sắm thì không kịp. Ngoài ra, thực tế ghi nhận một số thuốc hiếm được cơ sở y tế mua về không sử dụng hết do không có đủ bệnh nhân, phải hủy bỏ khi thuốc hết hạn.

Các giải pháp trong thời gian tới để đảm bảo thuốc hiếm, ông Dũng cho biết Bộ Y tế đang triển khai xây dựng Danh mục thuốc thiếu, có nguy cơ thiếu hàng năm để có kế hoạch chủ động đảm bảo nguồn cung với các thuốc này.

Đồng thời, Bộ Y tế đã chủ động báo cáo, đề xuất và đã được Chính phủ đồng ý tại Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 04/03/2023 là giao Bộ Y tế nghiên cứu, xây dựng cơ chế bảo đảm thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hiện tại, Bộ Y tế đang triển khai thực hiện nội dung trên, trong đó dự kiến đề xuất một số cơ chế sau: Thứ nhất, có cơ chế đặc thù về tài chính như: Bố trí, phân bổ nguồn ngân sách nhà nước để các cơ sở khám chữa bệnh chủ động dự trù các mặt hàng thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung.

Thứ hai, có giải pháp, cơ chế để các cơ sở khám chữa bệnh có thể mua sắm, dự trữ một số thuốc chống độc, ngộ độc, chấp nhận hủy bỏ khi không có bệnh nhân dẫn đến thuốc hết hạn.

Thứ ba, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp dược trong nước triển khai sản xuất mặt hàng thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước.

THÀNH NAM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh