Vì sao phao cứu sinh lắp trên lan can cầu ở Hà Nội bị thu hồi?
- Tây Y
- 09:48 - 20/05/2022
Trước đó, anh Nguyễn Ngọc Khánh, 35 tuổi, đội trưởng Câu lạc bộ (CLB) Bơi khám phá, cùng với các tình nguyện viên tiến hành treo 33 chiếc phao cứu sinh lên thành của 6 cây cầu trên địa bàn Thủ đô gồm Thăng Long, Nhật Tân, Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy và Thanh Trì.
Hoạt động này nằm trong chương trình lắp đặt hơn 400 chiếc phao cứu sinh trên các cầu bắc qua sông Hồng thuộc các tỉnh từ Lào Cai đến Thái Bình. Từ ngày 6/5 đến nay, nhóm của anh Khánh đã lắp hơn 100 phao cứu sinh tại 4 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang và Hà Nội.
Anh Nguyễn Ngọc Khánh, chủ nhiệm CLB Bơi khám phá là người treo những chiếc phao này chia sẻ: “Việc treo những chiếc phao cứu sinh trên cầu với mong muốn cung cấp công cụ cho những người đuối nước, người muốn cứu nạn có thêm hy vọng sống thay vì chỉ đứng trên cầu hô hoán, hay khi nhảy xuống mới hối hận”.
Tuy nhiên, từ ngày 17/5, nhiều người dân và anh Khánh phản ánh, các phao cứu hộ trên một số cầu như Chương Dương, Vĩnh Tuy và Nhật Tân đã biến mất, chỉ còn 4 chiếc phao trên thành cầu Long Biên.
Nhiều người dân cho rằng, số phao này bị lấy trộm. Song, khẳng định với báo chí, lãnh đạo Công ty CP Công trình giao thông 3 Hà Nội (đơn vị quản lý, bảo trì cầu Vĩnh Tuy, Chương Dương, Nhật Tân và Thanh Trì) cho biết, công ty đã tạm thu hồi lại số phao cứu sinh trên.
“Đây là các cây cầu bắc qua sông Hồng, là công trình giao thông nên mọi thứ được lắp đặt, treo biển… trên cầu đều phải tuân theo quy định của Luật Giao thông cũng như các quy định liên quan”.
Theo lãnh đạo Công ty CP Giao thông 3 Hà Nội, khi lắp đặt số phao cứu sinh nói trên, các thành viên trong CLB Bơi khám phá không liên hệ làm việc với đơn vị quản lý để bàn bạc và thống nhất việc lắp đặt phao trên cầu.
“Việc lắp đặt phải đảm bảo đúng theo quy định đối với công trình giao thông. Trên các tuyến đường, cây cầu, việc lắp đặt ra sao, lắp đặt nội dung gì đều được quy định cụ thể. Bản thân chúng tôi là đơn vị quản lý nhưng cũng không phải muốn lắp đặt gì trên cầu là được”- lãnh đạo Công ty CP Giao thông 3 Hà Nội cho hay.
Lãnh đạo Công ty CP Giao thông 3 Hà Nội cho biết, đại diện CLB bơi là anh Nguyễn Ngọc Khánh đã liên hệ với bên công ty để hai bên cùng làm việc, thống nhất. Nhưng, việc lắp đặt các phao cứu sinh trên cầu này cần phải có ý kiến đồng ý về mặt chủ trương của Sở GTVT Hà Nội- vì đây là đơn vị quản lý Nhà nước.
Lãnh đạo UBND phường Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội cũng cho biết, việc lắp phao liên quan tới cảnh quan đô thị nên cần có những mục đích rõ ràng, phù hợp. UBND phường đã giao cơ quan chức năng làm rõ mục đích của việc lắp phao này.