Vì sao Nha Trang ngập nặng, sạt lở nghiêm trọng?
- Tây Y
- 00:16 - 20/11/2018
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, đến sáng 19/11, vụ sạt lở ở TP Nha Trang đã làm 13 người chết, 11 người bị thương, 5 người mất tích; 43 căn nhà bị sập, hư hỏng... Trong hôm nay, các địa phương tích cực hỗ trợ người dân khắc phục sự cố và tìm kiếm nạn nhân mất tích.
Nhà cửa người dân ở Nha Trang đổ sập, tan hoang sau sạt lở hôm 18/11. Ảnh: An Phước.
Ngoài sức tưởng tượng của địa phương
"Trận sạt lở ngoài sức tưởng tượng vì quá khủng khiếp, khi hậu quả tàn phá nặng nề", ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa nói và nhìn nhận, đây là trận mưa lớn nhất trong nhiều năm qua, khi lượng mưa đo được trong 6 giờ, hôm 18/11 là gần 320 mm đổ xuống.
Mưa cùng gió rít mạnh khiến một số khu vực núi sạt lở, đất đá đổ xuống đè lên nhà dân, nhiều người bị vùi lấp và gây trở ngại cho việc tìm và cứu người.
Giám đốc Sở Nông nghiệp cho hay, ít hôm trước tỉnh đã có các cuộc họp, yêu cầu địa phương ứng phó khi thông tin ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới có nguy cơ gây mưa. "Chúng tôi rất buồn khi có quá nhiều người chết", ông nói.
Còn ông Lê Huy Toàn, Phó chủ tịch UBND Nha Trang tỏ ra khá bất ngờ khi có đến 13 người thiệt mạng và nhiều nạn nhân mất tích, chỉ sau trận mưa lớn gây sạt lở. "Điều này ngoài sức tưởng tượng, đến nay chúng tôi vẫn không thể tin được", ông bày tỏ.
Ông Võ Anh Kiệt, Phó giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ tại Nha Trang cho rằng, đơn vị đã dự báo tại khu vực Nam Trung Bộ có lượng mưa trung bình từ 150 mm - 200 mm khá chính xác. Tuy nhiên, lượng mưa ở Nha Trang, ông bảo là dị thường, đã phá vỡ quy luật và ngoài dự kiến.
Ông lý giải, hôm 18/11 lượng mưa trung bình đo được cả ngày chừng 400 mm. Thế nhưng, dồn lại trong 6 giờ với gần 320 mm, đây là lượng mưa kỷ lục ở thành phố. Hồi năm 2010, lượng mưa cao nhất cũng chỉ đạt 350 mm một ngày.
Người dân xây nhà tạm bợ dưới chân núi
Lãnh đạo thành phố thừa nhận, những nơi sạt lở có người tử vong không nằm trong các điểm dự báo của thành phố. "Tại các điểm sạt lở đã không được đề phòng, nên khi sự cố xảy ra chính quyền địa phương không trở tay kịp", Chủ tịch TP Nha Trang Lê Hữu Thọ nói và khẳng định, trách nhiệm đầu tiên thuộc về người đứng đầu địa phương.
Tại điểm sạt lở xã Phước Đồng, nhiều nhà dân giờ chỉ còn đống đổ nát, tan hoang. Đây là nơi chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất do sạt lở núi với 6 người chết, một người bị thương, 4 người mất tích.
Ông Thọ cho hay, những người dân ở đây đã được cấp đất tái định cư ở khu vực Hòn Rớ của xã, nhưng họ đã bán để lên xóm Núi sinh sống. Nhà cửa được dựng ven núi, khá tuềnh toàng, lúc sạt lở thì sập rất nhanh. "Chúng tôi sẽ nghiên cứu, kiến nghị tỉnh có cơ chế hỗ trợ người dân ra khỏi khu vực này", ông Thọ cho biết.
Có mặt tìm và cứu người ở các điểm sạt lở, thượng tá Nguyễn Trung Tâm - Phó Chủ nhiệm chính trị sư đoàn 305 (Quân Khu 5) đánh giá, đất tại các khu vực đầu nguồn nơi người dân dựng nhà khá mỏng. Đất quá mềm, bị hỏng chân nên mưa lớn kéo dài khiến khối lượng đất đá sạt xuống theo nước.
Ngoài ra, tại thôn Thành Phú, xã Phước Đồng, người dân dựng nhà dưới chân núi có độ nghiêng lớn, vách tạm bợ, nền móng yếu. "Lúc mưa đến kéo đất đá đổ ập vào một nhà thì kéo theo các nhà liền kề, điều này dẫn đến hàng loạt căn đổ sập", thượng tá Tâm nói.
Đô thị hóa nhanh
Sau trận mưa lớn hôm qua đã làm nhiều nơi ở Nha Trang ngập sâu, có nơi gần một mét. Tại khu phố Tây, Nguyễn Thiện Thuật, Hùng Vương, Trần Quang Khải..., và các đường nội ô thành phố, du khách bì bõm lội nước, nhiều xe chết máy. Một số nơi người dân phải tháo nắp cống, nhưng nước không thể thoát kịp.
Các xã vùng trũng như Vĩnh Ngọc, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Phương chìm trong biển nước. Riêng khu vực Đồng Muối (phường Phước Long), nước tràn vào nhà hơn mét khiến người dân phải sơ tán.
Theo Phòng Quản lý đô thị Nha Trang, việc xây dựng ở Nha Trang diễn ra nhanh, nhiều khu đô thị mọc lên nhưng hệ thống giao thông, cống thoát nước chưa được chỉnh trang. Khi mưa lớn trong thời gian ngắn khiến nước không thoát kịp gây ngập.
"Mưa dồn dập đã khiến dòng nước nhiều nơi chảy mạnh, ùn ứ không thoát được đã gây ngập, dẫn đến một số điểm xung yếu bị sạt lở, xói mòn", một cán bộ đơn vị này nói.
Người dân tháo nắp cống để thoát nước khi Nha Trang ngập sâu. Ảnh: An Phước.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, sáng 18/11, TP Nha Trang có mưa lớn khiến nhiều tuyến đường bị ngập cục bộ, một số tuyến giao thông tê liệt. Tại các khu dân cư ở xã Phước Đồng, phường Vĩnh Trường, Vĩnh Thọ, Vĩnh Hòa, mưa lớn kéo theo sạt lở núi khiến đất đá đổ xuống, vùi lấp hàng chục nhà dân khiến nhiều người chết và mất tích. |
CÙNG CHUYÊN MỤC
Ngăn Ngừa Bệnh Tim Và Đột Quỵ Ở Người Cao Tuổi: Bí Quyết Sống Khỏe Mạnh Và An Toàn
Bệnh tim và đột quỵ ở người cao tuổi là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bài viết cung cấp thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp phòng ngừa và vai trò của y học hiện đại...
4 tháng trước
Tin nên đọc