THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:54

Vì sao Hải quân Nga muốn được trở lại Cam Ranh?

 

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Sputnik, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Liên bang Nga Viktor Ozerov cho biết, vấn đề về khôi phục căn cứ Hải quân Nga ở Vịnh Cam Ranh của Việt Nam đã đề ra, phía Việt Nam có sự hiểu biết thông cảm về vấn đề này.

"Vấn đề từ lâu đã được vạch ra. Điều này đã được thảo luận trong chuyến thăm Việt Nam lần trước của Ủy ban chúng tôi. Chúng tôi đã nêu vấn đề này, và phía Việt Nam có sự hiểu biết", thượng nghị sĩ Nga cho biết.

Ông Ozerov nhấn mạnh rằng vấn đề đang được thảo luận ở cấp Bộ Quốc phòng "Việc khôi phục lại căn cứ của chúng tôi (ở Cam Ranh) đang được đặt ra. Bây giờ đơn giản là tìm con đường và phương pháp chuyển chủ đề bàn luận lý thuyết vào bình diện thực tế", ông Ozerov nói.

Trong mấy năm gần đây, Nga đã nhiều lần đề cập tới việc thiết lập lại căn cứ quân sự Hải quân Nga tại vịnh Cam Ranh, vốn đã đóng cửa từ năm 2002.

Vậy tại sao nước Nga lại mong muốn trở lại tới như vậy? Bài phân tích của Tạp chí Expret Magazine sẽ cho chúng ta thấy nguyên do vì sao.

Tăng sự hiện diện khắp thế giới đòi hỏi sự cần thiết của căn cứ hậu cần

Đánh giá về xu hướng mở rộng sự hiện diện của Hải quân Nga, bài phân tích trên Tạp chí Expert Magazine cho biết, tại khu vực Châu Mỹ La Tinh, các hoạt động hậu cần của hạm đội Hải quân Nga có thể xuất hiện trở lại.

Trước đó, trong một bài phỏng vấn trên hãng tin Newsru, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói: “Các căn cứ quân sự của Nga sẽ không hiện diện tại đây vì Nga không có nhu cầu. Nhưng Hạm đội Hải quân Nga có thể sẽ hiện diện trên đại dương khắp thế giới để cung cấp các hoạt động hậu cần như chuyển tiếp nhiên liệu, phục vụ nghỉ ngơi và hoạt động sửa chữa các tàu thuyền”.

“Chúng tôi không tìm kiểm để tổ chức các cơ sở như vậy ở mỗi quốc gia. Nhưng chúng tôi tìm kiếm các đề xuất về những nơi mà thủy thủ của chúng tôi có thể sẽ giúp đỡ tối ưu hóa các cơ sở đó với các nước chủ nhà”, ông Sergei Shoigu nói với News trong chuyến thăm Cuba, Nicaragua, Chile và Peru vào năm 2014.

 

Tàu khu trục chống ngầm cỡ lớn lớp Udaloy mang tên Marshal Shaposhnikov dẫn đầu đội hình của Hạm đội Thái Bình Dương. Chiến hạm này từng đến thăm cảng Cam Ranh vào tháng 6/2014.

 

Tuy nhiên, theo Expert magazine, việc thảo luận các tổ chức dịch vụ hậu cần của Hạm đội Nga trong nhiều tháng qua không phải lần đầu được công bố. Vào đầu tháng 2/2014, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã cho rằng, Hải quân Nga có thể sẽ sớm trở lại không chỉ những cơ sở truyền thống như Cuba và Việt Nam, mà có lẽ sẽ thường xuyên thực hiện các hoạt động tiếp nước và nhiên liệu cho các tàu thuyền tới Venezuela, Nicaragua trên đảo Seychelles hoặc ở Singapore.

Tạp chí Expert magazine nhận định, Nga đã đến lúc “chín muồi” để tái lập đưa các hạm đội trong nước hoạt động trên các đại dương. Vì mạng lưới hỗ trợ hậu cần rất cần để đảm bảo cho khả năng chiến đấu của hạm đội ở bất kỳ điểm nào trên thế giới.

Điều xuất phát từ một thực tế, từ nửa cuối thế kỷ trước, theo Expert magazine, hầu như toàn bộ địa chính trị được định hình bởi thế đối đầu giữa hai siêu cường: Liên Xô và Mỹ. Cả hai bên đã cố gắng giữ “chức vô địch” ở bất kỳ góc nào của hành tinh. Vì thế, các cơ sở hạ tầng và hạm đội tàu thuyền đều được đặc biệt chú ý xây dựng để đảm bảo hạm đội hai bên có thể sẵn sàng chiến đấu ở khoảng cách xa ngàn dặm từ bờ biển của đất mẹ.

Tạp chí Expert magazine tiết lộ, trong nhiều trường hợp các cơ sở dịch vụ hậu cần của hải quân Liên Xô ở nước ngoài còn là căn cứ hải quân. Vì các cơ sở này không chỉ là nơi neo đậu, bảo dương tàu mà còn là các trung tâm thông tin tình báo, thậm chí trong trường hợp cần thiết có thể can thiệp vào tình hình ở trong khu vực.

Đồng thời bài viết trên Expert magazine cũng nhắc lại sự có mặt của hải quân Liên Xô, về sau là Nga tại cơ sở ở Vịnh Cam Ranh, Việt Nam. Trong đó có thời điểm có tới 10 tàu nổi, 8 tàu ngầm và 6 tàu hải quân loại khác của Liên Xô đã từng hiện diện ở đây. Nhưng sau đó vào tháng 5/2002, Hải quân Nga đã rút khỏi cơ sở này.

Không chỉ ở vịnh Cam Ranh, Việt Nam, cơ sở hậu cần của hạm đội Nga ở nước ngoài cũng rút khỏi nhiều nơi như Seychelles, Ethiopia, Yemen, Ai Cập, Angola, Guinea, Libya, Tunisia và đảo Socotra ở biển Ả Rập. Trên thực tế, đến thời điểm hiện tại, Nga chỉ có một đơn vị hậu cần hải quân ở nước ngoài tại Tartus, Syria (thành lập năm 1988) cho phép Nga phục vụ nhóm Hải quân ở Địa Trung Hải.

Một chiến lược mới của Hải quân Nga

Theo Tạp chí Expert magazine, sự xuất hiện các hạm đội ngoài khơi bờ biển của bất kỳ quốc gia nào cũng có thể xoay chuyển đáng kể các sự kiện diễn ra tại đó. Từ quan điểm này mà nhìn nhận thì việc Nga có ý định phục hồi lại cơ sở hạ tầng của hải quân tại nước ngoài cũng là điều dễ hiểu và hợp lý. Nhất là sau hai thập kỷ trước sự trỗi dậy của phương Tây, một lần nữa Nga phải thực hiện kế sách “tự cung tự cấp” trong chính trường thế giới.

Vấn đề đặt ra ở chỗ, liệu Nga đã sẵn sàng để thúc đẩy hạm đội hiện diện trên thế giới chưa và “cái giá” phải trả cho điều đó sẽ là bao nhiêu?.

Đầu tiên, so sánh về đội ngũ tàu sân bay và tàu chở trực thăng, trong khi Mỹ có 11 và 10 chiếc thì Nga mới có 1 tàu tuần dương chở máy bay Đô đốc Kuznetsov, loại tàu đã hoạt động trong suốt 23 năm qua mà chưa trải qua sửa chữa. Còn tàu tuần dương tên lửa hạt nhân hạng nặng Đại đế Peter, tuy không phải là tàu sân bay nhưng cũng được xem là một trong những phương tiện quân sự lớn nhất trên thế giới song cũng đã dính “vết thương” do có tuổi hoạt động suốt 16 năm.

 

Nga có chiến lược phát triển khác hướng tập trung tàu sân bay hùng hậu như Mỹ. 

 

Rõ ràng điều kiện ban đầu để Nga có thể cạnh tranh với Mỹ về số lượng tàu chiến lớn là rất khó khăn. Tuy nhiên, bài phân tích trên Expert magazine lại cho rằng, Nga không nên theo đuổi cạnh tranh như vậy. Lí do vì người Mỹ đã liên tục đóng tàu sân bay kể từ Thế chiến 2, đến giờ đã có hơn 10 chiếc và đi trước Nga tới 30-50 năm. Dù trước đấy, Liên Xô cũng từng sản xuất ra 6 tàu sân bay hạng nặng, trong đó có tàu sân bay còn được cho là đã bán cho Trung Quốc.

Trong chương trình vũ khí nhà nước hiện nay của Nga đến năm 2020 cũng không có dự án đóng tàu sân bay. Thay vì đó, Nga đang sở hữu tới 16 tàu ngầm chiến lược hạt nhân, 8 lớp tàu ngầm lớp Northwind và 8 tàu ngầm lớp Ash, 20 tàu ngầm Varshavyanka và Harmony, 14 tàu khu trục nhỏ, hơn 30 tàu hộ tống, tàu đổ bộ lớn, nhỏ cùng các tàu quét mìn và các tàu thuyền khác.

Trả lời một cuộc phỏng vấn Tư lệnh Hải quân Nga Viktor Chirkov hé lộ rằng, trong kế hoặc sau năm 2020, Nga dự kiến ưu tiên cho các tàu nổi lớn, một loại tàu được xem là đáp ứng nhu cầu phản ứng nhanh của hải quân biển trong các hoạt động không chỉ ở biển mà cả trên không và dất liền. Những loại tàu cho phép máy bay trực thăng hạ cánh có thể sẽ trở thành một thế hệ mới của các tàu sân bay nhưng khác với các tàu sân bay hạng nặng thế hệ cũ ở điểm về cơ bản nó phải là tàu chiến. Vũ khí chính sẽ gồm cả những phương tiện không người lái và có người lái trên không, trên biển, dưới nước, thậm chí còn ở cả trên không gian.

Trong kế hoạch, Hải quân Nga đã đặt các tàu đổ bổ chở trực thăng Mistral do Pháp sản xuất, có khả năng hoạt động ở khoảng cách xa 20.000 dặm từ bờ biển. Vào năm 2016, Nga cũng sẽ xây dựng tàu khu trục lớp mới và dự kiến đưa vào hoạt động 14-16 chiếc vào năm 2030.

Quay trở lại các căn cứ hải quân ở nước ngoài?

Từ những phân tích như thế, Expert magazine nhận định Hạm đội Nga sẽ dần dần phục hồi và xây dựng các khu dịch vụ hậu cần đóng tại nước ngoài. Trong đó, nhiều khả năng thủy thủ Nga có thể trở lại căn cứ Cam Ranh ở Việt Nam, kể từ sau khi Nga đang tích cực hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng lực lượng hải quân mới với giai đoạn đầu là các tàu ngầm.

Cùng khả năng, Nga cũng có thể khôi phục lại sự hiện diện quân sự ở Cuba, nơi hải quân Nga từng rút khỏi vào năm 2001. Trong khi Venezuela và Nicaragua chính thức tuyên bố, hiến pháp các nước này không cho phép nước ngoài đặt cơ sở quân sự trên vũng lãnh thổ, nhưng Venezuela cũng không ngăn cản sự hiện diện của các máy bay ném bom chiến lược của Nga và Managua trong năm nay cũng đào kênh nối với Nicaragua có thể tạo điều kiện cho sự hiện diện của Nga ở kênh dào Panama. Một đất nước khác cũng có thể là điểm đến của các cơ sở hậu cần Hải quân Nga là cộng hòa Síp.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh