Vì sao dân Thổ Nhĩ Kỳ xả thân chặn xe tăng phe đảo chính?
- Tây Y
- 14:53 - 17/07/2016
Một người đàn ông nằm trước xe tăng quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tại sân bay Ataturk, Istanbul. Ảnh: Reuters
Ngay sau khi một nhóm binh sĩ quân đội chiếm đài truyền hình và tuyên bố đảo chính lật đổ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vào đêm 15/7, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã phát đi lời kêu gọi người dân xuống đường phản đối lực lượng đảo chính và bảo vệ chính quyền. Đây được đánh giá là chiến lược khôn ngoan của ông Erdogan, khi biết sử dụng sức mạnh vô tận của người dân để đập tan âm mưu đảo chính, theo Slate.
Theo giáo sư Jenny White, chuyên gia Viện Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Đại học Stockholm, thất bại nhanh chóng của cuộc đảo chính quân sự lần này thể hiện nỗi giận dữ, chán chường của người dân Thổ Nhĩ Kỳ với việc can thiệp thô bạo vào chính trị của quân đội, cũng như phản ánh mối quan hệ đã thay đổi rất lớn giữa người dân với các lực lượng vũ trang nước này.
Vị thế thay đổi
Khi ông Erdogan trở thành thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2003, quân đội nước này vẫn là một thế lực có ảnh hưởng vô cùng lớn. Sau 4 cuộc đảo chính thực hiện thành công trong quá khứ, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được coi là một lực lượng đứng trên cả chính phủ, và các tướng lĩnh ít khi chịu ảnh hưởng từ các lãnh đạo quốc gia.
Trong chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lúc đó có một cơ quan lâu đời do các tướng lĩnh và một vài chính trị gia kiểm soát, nơi họ gần như ra lệnh cho chính phủ phải làm gì. Hiến pháp nước này quy định quân đội có quyền can thiệp vào nội tình đất nước khi cần thiết, và đây được cho là lý do khiến cứ khoảng 10 năm, quân đội lại thực hiện một vụ đảo chính, mỗi khi họ cho rằng chính phủ quá thiên về tôn giáo hay thiếu năng lực điều hành đất nước.
Sau những cuộc đảo chính, bắt bớ, đàn áp và hành hình trước đây, quân đội lại tiếp tục rút về doanh trại và cho phép tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ. Những gì mà họ để lại là những thời kỳ hỗn loạn về an ninh và kinh tế, với những bất ổn thường trực trong cuộc sống mà người dân phải chịu đựng.
Bởi vậy, trong các cuộc bầu cử, người dân Thổ Nhĩ Kỳ thường có xu hướng chọn những ứng viên không có nguồn gốc xuất thân từ quân đội, bất chấp những lời đe dọa từ lực lượng vũ trang. Chẳng hạn như năm 2007, chỉ một ngày trước quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn tổng thống, quân đội đã đăng lên website của mình một "tối hậu thư" rằng nếu ông Abdullah Gul, thành viên đảng Công lý và Phát triển (AKP) được chọn, điều tồi tệ sẽ xảy ra.
Mọi người đều hiểu đó là một lời đe dọa từ phía quân đội, và tự hỏi tại sao quân đội lại muốn tiếp tục can thiệp vào chính trị. Ngày hôm sau, ông Gul được bầu làm tổng thống, và không có chuyện gì "tồi tệ" diễn ra sau đó.
Kể từ đó, mối quan hệ giữa người dân và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ dần thay đổi, theo bà White. Khi Ankara có nguyện vọng gia nhập Liên minh châu Âu (EU), khối này đã yêu cầu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phải được đặt dưới sự kiểm soát của chính phủ.
Đảng AKP đã tận dụng quá trình này để thay đổi cả hệ thống cũng như quan hệ với quân đội. Quân đội từng được sử dụng nguồn ngân sách gần như vô hạn mà không có ai giám sát, và AKP đã chấm dứt điều đó.
Cùng với quá trình loại bỏ ảnh hưởng của phong trào Gulen trong xã hội, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã truy tố một loạt tướng lĩnh cấp cao của quân đội, tống hàng trăm sĩ quan vào tù, ép ba tư lệnh quân chủng phải từ chức cùng một lúc.
Với quá trình thanh lọc này, ông Erdogan đã lấy lại được quyền lực của mình trong quân đội và đề bạt những sĩ quan trung thành, trong đó có tổng tham mưu trưởng Hulusi Akar, người vừa bị phe đảo chính bắt cóc trong cuộc chính biến.
Dân chúng Thổ Nhĩ Kỳ trèo lên xe tăng của lực lượng đảo chính. Ảnh: Reuters
Sự kiêu ngạo mang tính lịch sử của các quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ cũng dần biến mất, họ mất tinh thần trước cuộc thanh lọc, và nhiều sĩ quan cấp thấp đã tìm đến cái chết, theo các bản tin trên báo chí Thổ Nhĩ Kỳ.
Nỗi chán nản với đảo chính
Giáo sư White cho rằng việc ông Erdogan và thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi người dân xuống đường chống đảo chính là một canh bạc vô cùng rủi ro, bởi tỷ lệ ủng hộ ông Erdogan hiện nay chỉ khoảng 50%, đồng nghĩa với việc 50% dân số không thích các chính sách đối nội và đối ngoại của ông. Việc kêu gọi hai nhóm như vậy cùng đổ xuống đường có thể đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào một cuộc nội chiến.
Tuy nhiên, việc người dân Thổ Nhĩ Kỳ phản đối chính sách của ông Erdogan không có nghĩa là họ muốn quân đội sử dụng vũ lực để lật đổ ông. Nỗi ám ảnh về bạo lực và đổ máu mà 4 cuộc đảo chính quân sự trước đây để lại đã thúc giục họ ra tay ngăn cản một biến cố tương tự xảy ra.
Trong những cuộc đảo chính trước đây, hoặc là người dân quá sợ hãi trước quyền lực của quân đội, hoặc họ vẫn còn kính trọng uy danh của lực lượng vũ trang, tổ chức được tôn trọng nhất Thổ Nhĩ Kỳ, nên không đồng loạt kéo xuống đường phản đối, bà White cho biết.
Ngoài ra, trong quá khứ, sự phản đối đảo chính chưa đủ mạnh vì người dân chưa quan tâm đến bất cứ lãnh đạo cụ thể nào. Còn bây giờ, tình hình đã khác, ông Erdogan trở thành nhà lãnh đạo rất quyền lực và có ảnh hưởng tới dân chúng. Họ được tiếp thêm sức mạnh bởi lời kêu gọi "không quyền lực nào cao hơn quyền lực nhân dân" của ông Erdogan.
Đáp lại lời kêu gọi của ông Erdogan, hàng nghìn dân thường Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng loạt đổ xuống đường để phản đổi đảo chính. Họ dùng xe hơi, thậm chí là cả thân mình, để chặn xe tăng quân đội. Họ vây quanh những chiếc xe bọc thép, mạt sát những người lính tham gia đảo chính, bất chấp những tiếng súng rộ lên.
Binh sĩ đảo chính đầu hàng trước sức ép của người dân. Ảnh: Gokhan Tan
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã phải trả giá bằng máu, khi ít nhất 60 người thiệt mạng dưới làn đạn súng máy xả xuống từ trực thăng vũ trang hay bánh xích xe tăng, nhưng họ đã lần đầu tiên trong lịch sử ngăn chặn được cuộc đảo chính do quân đội tiến hành. Dưới áp lực quá lớn của dân chúng, các binh sĩ tham gia đảo chính đã buộc phải buông súng đầu hàng.
"Với những thực tế trên, một khi chính phủ kêu gọi xuống đường chống đảo chính quân sự, tôi không ngạc nhiên khi thấy người dân Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng xả thân chặn đường những chiếc xe tăng trên phố", bà White nhấn mạnh.