CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:19

Vì sao đàn ông Việt lùn thứ 3 châu Á?

 

Mới đây bảng thống kê chiều cao của Quỹ dân số Liên hợp quốc – UNFPA cho thấy, nam thanh niên Việt Nam có chiều cao thấp hơn nhiều so với Nhật hoặc Singapore, nhỉnh hơn Indonesia và Philippines.

Đất nước đứng đầu trong danh sách chiều cao của nam thanh niên châu Á này là Hàn Quốc với chiều cao 175,3m, tiếp sau đó là Nhật Bản 171,2m, Singapore 170,6m, Trung Quốc 169,4m, Ấn Độ 165,3m, Malaysia 164,7m. Việt Nam đứng thứ 3 từ dưới lên với chiều cao là 164,4m, 2 quốc gia đứng ở danh sách cuối bảng là Philipines 163,5m, Indonesia 158,0m.

Lý giải về vấn đề này, TS.BS Bùi Thị Nhung (Viện dinh dưỡng quốc gia) cho rằng, người Việt nói chung và đàn ông Việt nói riêng lùn thứ 3 Châu Á bởi chế độ dinh dưỡng và cách tập thể dục thể thao chưa hợp lý.

Đây là hai yếu tố quan trọng nhất trong việc tăng cường thể trạng. Người Việt chế độ dinh dưỡng và vận động chưa khoa học.

Các nước có tầm khá cao do được đầu tư dinh dưỡng, thể thao, nhất là thể thao học đường rất tốt. Ví như Nhật Bản là quốc gia có tốc độ cải thiện chiều cao của người dân được coi là “thần kỳ nhất”.

Nhật từng bị xếp là một trong những dân tộc lùn nhất châu Á , nhưng giờ họ đã vươn lên vị trí thứ 2 châu lục với chiều cao trung bình của đàn ông là 171,2 mét, còn của phụ nữ là 158,8 mét.

Để có được kết quả đó, Nhật đã có chiến lược bài bản. Người Nhật rất chú trọng chế độ dinh dưỡng đầy đủ dưỡng chất và tập luyện thể dục thể thao thường xuyên.

Học sinh Nhật Bản ngay từ mẫu giáo đã được dạy rất kỹ tác dụng của các thực phẩm hàng ngày như vì sao ăn cá, tôm, quả táo... Họ rất quan tâm đến bữa ăn học đường, tính toán khẩu phần ăn rất chi tiết cho từng đối tượng.

Đàn ông Việt lùn thứ 3 châu Á, thấp hơn nhiều so với Nhật và Hàn Quốc. Ảnh: VnExpress

Chính phủ Nhật triển khai tài trợ sữa cho học sinh, khuyến khích người dân nên sử dụng phối hợp 3 loại sữa mỗi ngày là dạng sữa lỏng, sữa chua và phô mai để bổ sung khẩu phần canxi và các chất dinh dưỡng cho cơ thể. Bên cạnh đó còn yêu cầu học sinh tại các trường phải tham gia hoạt động thể chất nhằm mục tiêu nâng cao tầm vóc cho xứ sở của mình.

Tại các trường học, ngoài việc học tập các môn học theo chương trình của bộ giáo dục Nhật, trẻ em được khuyến khích gia nhập một hoặc hai câu lạc bộ thể dục thể thao như bơi lội, bóng chày, bóng đá, Karate…

Ở nước ta, bữa ăn học đường chưa được quan tâm nhiều. 70% các cháu có khẩu phần ăn không đáp ứng được nhu cầu canxi. Nguyên nhân do hấp thu, nguồn cung cấp cũng như sự thất thoát canxi từ thói quen ăn uống sai cách.

“Chiều cao của con người ảnh hưởng 30% bởi yếu tố di truyền, 70% còn lại từ môi trường sống như dinh dưỡng, giáo dục, luyện tập thể chất... khi có chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể dục thể thao tốt, tầm vóc người Việt sẽ nâng cao dần qua từng thế hệ. Nếu chúng ta không có được sự chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng và thể dục thể thao sẽ khó theo kịp tầm vóc của các nước trong khu vực” - TS Nhung nhấn mạnh.

Nói về nguyên nhân vì sao đàn ông Việt lùn thứ 3 châu Á, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng cho rằng, nguyên nhân người Việt thấp lùn do khi mang thai nhiều người không được chăm sóc tốt gây nên thai nhi dễ bị bệnh, suy dinh dưỡng hay giảm hấp thụ dinh dưỡng.

Cùng với đó, chế độ dinh dưỡng thiếu hụt nhiều dưỡng chất quan trọng như protein, vitamin, khoáng chất, canxi... làm suy dinh dưỡng từ nhỏ, ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ cơ xương khớp.

Thực tế, bữa ăn truyền thống của người Việt đã thay đổi, đầy đủ hơn nhưng không cân đối. Người Việt đang rơi vào tình trạng thiếu canxi trường diễn trong mỗi ngày, sau 25 năm khẩu phần canxi của người Việt Nam chỉ đạt 500-540mg/người/ngày, tức là chỉ đáp ứng 50-60% nhu cầu canxi khuyến nghị. Trong đó việc sử dụng nước ngọt, nước có ga nhiều trong bữa ăn cũng ảnh hưởng đến việc tăng trưởng chiều cao.

Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, trung bình người dân nước ta chỉ tiêu thụ khoảng 12 lít sữa/người/năm, bằng 1/2 so với Thái Lan và 1/3 so với Singapore. Ngược lại, tiêu thụ số lượng rượu bia, nước giải khát lại được sử dụng quá nhiều, với hơn 3,4 tỷ lít bia/năm và 4,3 tỷ lít nước giải khát/năm, quy đổi ra, mỗi người uống tới 34 lít bia/năm và 53 lít nước giải khát. Bên cạnh đó là lười vận động, vận động không đúng cách để kích thích sự phát triển của tế bào xương, tăng chiều dài của xương.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, có 3 giai đoạn rất quan trọng đối với việc tăng trưởng chiều cao cần quan tâm để có được chiều cao tốt khi trưởng thành. Giai đoạn đầu tiên là giai đoạn thai kỳ, người mẹ cần bổ sung thêm rất nhiều chất dinh dưỡng vì nhiều khi các bữa ăn không cung cấp đủ chất cần thiết.

Muốn con phát triển toàn diện đặc biệt phải bổ sung vitamin D, kẽm, sắt và axít folic cũng như là canxi. Sai lầm của nhiều bà mẹ trong giai đoạn này không cho trẻ tắm nắng, uống vitamin D làm hệ miễn dịch của trẻ suy giảm và ảnh hưởng đến tăng trưởng cân nặng, chiều cao.

Giai đoạn thứ hai là trong 2 năm đầu đời của trẻ, thứ ba là giai đoạn tiền dậy thì, trẻ đã phải được ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng chứ không đợi đến khi dậy thì rồi mới bổ sung là quá muộn


Theo Phương Thuận/Báo Gia đình & Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh