Vì sao bụi mịn tại Hà Nội vẫn ở mức cao trong những ngày thực hiện cách ly xã hội?
- Y học 360
- 20:01 - 22/04/2020
Thông tin từ Laodong.vn cho biết, theo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Hà Nội, có 3/7 ngày có giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ vượt ngưỡng giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam 05:2013/BTNMT. Tại TP Hồ Chí Minh, mặc dù không có ngày nào giá trị thông số PM2.5 trung bình 24h vượt Quy chuẩn Việt Nam, tuy nhiên cũng có những ngày giá trị PM2.5 tăng khá cao (ngày 13-15/4).
Xem xét tới những yếu tố tác động cho thấy, trong những ngày Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có giá trị PM2.5 tăng cao đều là những ngày lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tại khu vực nội đô cũng gia tăng. Tại Hà Nội còn chịu ảnh hưởng thêm bởi yếu tố thời tiết.
Theo kết quả quan trắc tại các trạm quan trắc không khí trong nội thành Hà Nội, giá trị trung bình 24 giờ của thông số PM2.5 có sự thay đổi rất lớn giữa các ngày. Ngày 13/4, giá trị PM2.5 trung bình 24h đều rất thấp ở tất cả các trạm. Tuy nhiên, đến ngày 15/4 và 16/4, ô nhiễm bụi PM2.5 tăng khá cao, hầu hết các trạm đều có giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 vượt giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam 05:2013/BTNMT. Khoảng thời gian này là những ngày lặng gió, nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch khá lớn, ngoài ra mật độ giao thông trong nội đô những ngày này cũng tăng lên.
Kết quả tính toán chỉ số AQI ngày tại các trạm cũng cho thấy, trong các ngày 15 và 16/4 chất lượng không khí duy trì ở mức kém (AQI từ 101 – 150) tại đa số các trạm. Từ ngày 17/4 đến 19/4 mức độ ô nhiễm bụi PM2.5 tại Thủ đô đã giảm, chất lượng không khí được đánh giá ở mức trung bình.
Nhìn chung, trong thời gian từ ngày 13/4 đến 19/4, chất lượng không khí giữa các đô thị vẫn có sự khác biệt rõ rệt. Hà Nội vẫn là đô thị có mức độ ô nhiễm PM2.5 cao nhất. Tại Hà Nội, ngày 15/4 và 16/4 là những ngày ô nhiễm ở mức cao nhất. Tại một số đô thị khác khác như: Việt Trì, Hạ Long, Huế, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, về cơ bản chất lượng không khí vẫn duy trì ở mức tốt và trung bình.
Hưởng ứng Ngày quốc tế Đa dạng sinh học
Ngày 22/5 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày quốc tế Đa dạng sinh học với mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng về đa dạng sinh học. Chủ đề Ngày quốc tế Đa dạng sinh học năm 2020 là "Các giải pháp của chúng ta sẵn có ở thiên nhiên" (Our solutions are in nature). Thông điệp này kêu gọi con người sống hài hoà với thiên nhiên, áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để tạo sự thay đổi tích cực, đóng góp cho bảo vệ thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển bền vững.
Chính vì thế, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có công văn đề nghị các tỉnh, thành phố, cơ quan, ban ngành, tổ chức, đoàn thể hưởng ứng Ngày quốc tế Đa dạng sinh học năm 2020. Trong đó có các giải pháp sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học; thúc đẩy việc thực hiện các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững, áp dụng tiếp cận hệ sinh thái trong quản lý tổng hợp đới bờ, lưu vực sông, quản lý rừng bền vững, chú trọng vai trò và quyền lợi của cộng đồng... (Nguồn tin từ Dantri.vn)