Vì sao báo chí Mỹ cũng mắc lừa các trang tin tức giả mạo?
- Tây Y
- 15:40 - 21/06/2016
Theo trang cjr.org, một số trang web mạo danh những hãng tin tức lớn, trong đó có cả trang web làm giả logo hãng tin ABC News một cách vụng về, là những trang đầu tiên đưa thông tin sai lệch về Jordan. Tin tức này sau đó đã lan sang các trang tin tức khác như Metro US, Elite Daily và Dallas Voice. Tờ Milwaukee Journal Sentinel, thậm chí còn dùng tin tức giả mạo này làm “vũ khí”, trong một bài xã luận phản đối luật của bang Bắc Carolina.
Không biết đây đã là lần thứ bao nhiêu những trang tin tức giả - luôn tự nhận mình là trang tin châm biếm - lừa các nhà báo, bằng những câu chuyện kiểu này. Nhưng tạm thời, hãy quên đi những kẻ chơi khăm chế ra những tin tức giả.
Kẻ có tội đáng chú ý hơn ở đây là những công ty cho phép và thưởng cho những hành vi cổ súy tin tức giả mạo. Để bằng mọi cách thu hút lượng người truy cập và gây hiệu ứng trên mạng xã hội, một số tòa soạn đã ưu tiên cho đăng những tin tức chộp giật và gây tò mò, nhưng lại chẳng có mấy giá trị. Hệ thống này đã cho phép các trang tin tức giả mạo phát triển những cách tinh vi nhất, để lừa các nhà báo.
Facebook hiện đã cho phép người dùng tố giác những câu chuyện, tin tức giả mạo, hoặc đưa ra cảnh báo trên trang NewsFeed, từ đó mà số lượng tin tức giả có giảm xuống. Nhưng nếu văn hóa làm báo không thay đổi từ trên xuống, những tin tức lừa bịp vẫn sẽ tiếp tục tìm được cách chen vào dòng tin chính thống.
“Cách làm này đang nhận được nhiều sự chỉ trích và không hề được chấp nhận rộng rãi, nhưng những trang tin theo đuổi chiến lược này rất lớn và thu hút rất nhiều người chia sẻ các nội dung của họ. Các hãng tin tức cần nhận ra giá trị của vai trò tấm lọc thông minh của mình trong một thế giới giàu thông tin, nhưng cũng đầy mơ hồ và nghi vấn ngày nay,” Craig Silverman, biên tập viên của trang BuzzFeed, tại Canada, một trong những người tiên phong trong chống tin tức giả chia sẻ trong bài báo cáo cho Trung tâm Tow Center của Đại học Columbia.
Ảnh minh họa. (Nguồn: cjr.org)
Trước khi điều này thành hiện thực, cần có cơ chế phát hiện tin tức giả tốt hơn. Chưa đầy 1 tháng trước tin giả về Michael Jordan, trang tin giả mạo hãng tin ABC đã bịa ra câu chuyện giải bóng rổ NBA đã có kế hoạch không tổ chức trận đấu của các ngôi sao tại North Carolina, vì luật quy định toa lét dành cho người chuyển giới ở đây.
Trang Cleveland.com, phiên bản trực tuyến của The Plain Dealer đã nhanh chóng đưa tin này vào một bản tin của mình mà không xác thực nguồn gốc. “Nếu chúng tôi chịu làm theo các bước cơ bản, chúng tôi có thể đã phát hiện ra mình gặp phải trang ABC giả”, phó chủ tịch trang Cleveland.com thừa nhận sai lầm.
Việc các hãng tin lớn mắc bẫy tin tức giả vẫn thường xuyên xảy ra. Hồi đầu năm 2015, mục chính trị của Bloomberg đã có một bài về việc Nancy Reagan ủng hộ Hillary Clinton làm tổng thống.
Năm 2013, tờ Washington Post cũng bị Daily Current, trang tin giả nổi tiếng lừa, với tin Sarah Palin đã đầu quân cho Al-Jazeera. Cùng năm này, tin thất thiệt về việc cây bút Paul Krugman của New York Times đã phá sản cũng xuất hiện trên trang Boston.com. Thông cáo báo chí giả, người anh em của tin tức giả cũng khiến tờ Los Angeles Times một phen lao đao khi đưa tin rằng Liên hợp quốc đang chuẩn bị hợp pháp hóa cần sa, hay nghệ sỹ bí ẩn Banksy đã bị bắt...
Vậy tại sao các trang tin tức giả lại có thể lừa các nhà báo? Nhiều trang tin giả có những cái tên nghe rất kêu và đáng tin - National Report (Tin tức quốc gia), World News Daily Report (Báo cáo tin tức thế giới hàng ngày), hay Empire News (Đế chế tin tức). Những trang tin giả khác lại nhái lại tên và logo của các hãng tin thật sự, như abcnews.com.co. Một số trang lại pha trộn cả tin thật và tin giả để lừa gạt.
Đa phần các tin tức giả đều dẫn nhiều nguồn, từ những cái tên người phát ngôn không có thật đến tên những tổ chức có thật để tỏ ra đáng tin hơn. Tiền đề của những tin tức giả cũng thường là những vấn đề nóng thu hút sự chú ý.Một lý do nữa cho sự nhẹ dạ cả tin của các nhà báo là áp lực tin bài. Trang Business Insider mới đây đã trở thành ví dụ rõ ràng nhất.
Trang CNN Money đã đăng tải một bài viết rằng, Ban quản lý Business Insider yêu cầu các cây bút phải viết được 5 tin mỗi ngày. Số lượng tin bài đã quan trọng hơn chất lượng bài viết. Nhiều người còn phải thu hút tới 1 triệu lượt truy cập mỗi tháng.
Shane Ferro, cựu nhân viên của Business Insider đã xác thực những khẳng định này, và nói rằng, cô luôn phải đối mặt với những “buổi họp căng thẳng”, khi không đạt được các mục tiêu nêu trên. Ferro cho hay: “Theo một cách nào đó, Business Insider là phiên bản cực đoan của những gì mà các hãng tin bây giờ kỳ vọng ở nhà báo: những bài viết thu hút nhiều độc giả, được sản xuất trong thời gian ngắn và không cần biên tập”.
Trong những năm gần đây, lượng người truy cập, các yêu cầu tin bài dồn dập và những khoản thưởng dựa theo số lượng độc giả đã xâm nhập nhiều hãng tin. Năm 2014, tờ The Oregonian đã đưa ra một hệ thống tính tiền thưởng dựa trên số lượng bài viết và lượng độc giả thu hút. Chủ sở hữu của Oregonian, Advance cũng có kế hoạch tương tự cho ít nhất một trong các tờ báo của mình.Arienne Thompson là phóng viên mảng giải trí của tờ USA Today trong suốt 10 năm qua, cũng đã bị lừa bởi một tin tức giả về việc ra mắt “giày chụp hình selfie” vào tháng 3/2015.
Thompson không định bào chữa cho sai lầm của mình, nhưng cô đã mô tả công việc của mình như sau: “Luôn có một sự giằng co giữa việc đăng những tin bài có nội dung chất lượng và suy nghĩ “Cứ đăng lên thôi. Chúng ta cần nhiều lượt truy cập”. Quy tắc cơ bản của báo chí bây giờ chỉ là những mục tiêu nhỏ như vậy.”
Báo chí hiện nay dường như dễ dãi với những tin tức vô tình lặp lại những tin giả. Điều đó không xấu; ai cũng có lúc mắc sai lầm. Nhưng điều tồi tệ hơn là một số chủ tòa soạn đang coi những sự cố này chỉ là những tổn thất ngoài dự kiến, một cái giá không may phải trả, khi kinh doanh trong kỷ nguyên kỹ thuật số.