Vi phạm về nồng độ cồn, ma tuý sẽ được xử lý nghiêm
- Tây Y
- 15:48 - 15/05/2020
Trong tháng tổng kiểm soát (15/5-14/6), ngoài lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT), Công an Hà Nội thành lập thêm 2 tổ công tác đặc biệt để phối hợp kiểm tra trật tự, an toàn giao thông và các loại tội phạm khác.
Ngày 14/5, trao đổi với Lao Động, Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng CSGT Hà Nội (PC08) cho biết, đơn vị đã chuẩn bị tất cả người và phương tiện đồng loạt ra quân, trong tháng tổng kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ (15/5-14/6).
Ngay khi Cục CSGT (Bộ Công an) ra kế hoạt tổng kiểm soát toàn quốc, PC08 Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, triển khai đối với tất cả các đơn vị.
Bên cạnh các tổ của lực lượng CSGT, Hà Nội cũng thành lập thêm 2 tổ công tác đặc biệt, phối hợp với lực lượng ma túy, cảnh sát hình sự. Hai tổ công tác này sẽ phối hợp với CSGT thực hiện kiểm tra lái xe, người đi, ngồi cùng trên phượng tiện để xác minh trong người, máu có ma túy hay không; kiểm tra các dấu hiệu tội phạm khác (trộm cắp, tàng trữ pháo nổ, ma túy...).
“Sáng 14/5, các đơn vị của CSGT Hà Nội đã triển khai ra quân rồi. Thực hiện theo kế hoạch của Cục CSGT và Giám đốc Công an Hà Nội”, một cán bộ Đội tuyên truyền PC08 Hà Nội cho biết. Theo kế hoạch, lực lượng CSGT thành phố sẽ tập trung vào ôtô kinh doanh vận tải hành khách, ôtô vận tải container, ôtô con và xe môtô.
Trong thời gian thực hiện tổng kiểm soát, CSGT sẽ dừng các phương tiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, tốc độ, làn đường, phần đường, tránh vượt; vi phạm quy định về mũ bảo hiểm, lạnh lách, đánh võng, điều khiển xe thành đoàn.
Đặc biệt, sau đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và nới lỏng thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh COVID-19, tình hình trật tự an toàn giao thông, có những diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng.
Lực lượng CSGT Hà Nội thực nghiêm về xử lý vi phạm nồng độ cồn, theo Luật phòng chống tác hại của rượu bia; Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, lực lượng CSGT tiếp tục triển khai kế hoạch của Bộ Công an về phòng, chống đua xe trái phép.
Cũng theo kế hoạch của C08, lực lượng CSGT thành phố sẽ sử dụng các loại camera được trang cấp để ghi lại toàn bộ hoạt động trong ca công tác; ghi các hành vi không chấp hành hiệu lệnh của CSGT, chống người thi hành công vụ, đua xe trái phép và các loại tội phạm khác làm căn cứ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Riêng với trường hợp kiểm tra nồng độ cồn, mỗi trường hợp sẽ được sử dụng một ống thổi riêng (đã được tiệt trùng). Những chiếc ống này sẽ được thu gom, xử lý, chỉ dùng một lần.
Người dân được quyền ghi âm, ghi hình
Trao đổi với Lao Động về việc, bình thường và trong tháng thực hiện tổng kiểm soát, người dân có quyền ghi âm ghi hình lực lượng chức năng làm việc, Trung tá Vũ Anh Điệp (Phó Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT) cho hay, họ được thực hiện các quyền bình thường không bị pháp luật cấm.
Theo Luật sư Nguyễn Minh Long - Công ty Luật TNHH Dragon (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), ghi âm, ghi hình CSGT của người dân là quyền của công dân đã có từ trước đến nay. Song việc làm này phải có văn hóa, không cầm máy quay, điện thoại đưa sát vào CSGT hoặc có lời nói, cử chỉ lăng mạ, xúc phạm người thi hành công vụ.
“Nếu ghi âm, ghi hình công khai hoặc livestream mà làm cản trở hoạt động hoạt động thực thi nhiệm vụ thì CSGT có quyền yêu cầu chấm dứt vi phạm”, ông Long nói.
Ông Long cho biết, ý nghĩa của việc trên giúp phòng ngừa tiêu cực, nâng cao ý thức người thực thi pháp luật, tăng quyền giám sát của nhân dân; đồng thời giúp nâng cao ý chấp hành pháp luật của người dân trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Tuy nhiên, người dân phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, khách quan, nếu không sẽ bị xử lý hành chính, hình sự.