THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:17

Vi phạm an toàn thực phẩm là do xử lý chưa nghiêm

 

Duy nhất một vụ vi phạm về ATTP bị khởi tố hình sự
Báo cáo của Đoàn giám sát cho thấy , 5 năm qua, các cơ quan chức năng trên cả nước đã tiến hành kiểm tra hơn 3,35 triệu cơ sở, nhưng chỉ phát hiện hơn 670.000 cơ sở vi phạm, chiếm 20,3%. Đặc biệt, chỉ có duy nhất một vụ việc vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm bị khởi tố hình sự. 
Trong khi đó, tình trạng ngộ độc thực phẩm lại diễn ra khá nghiêm trọng tại một số địa phương. Từ năm 2011 đến tháng 10/2016, toàn quốc đã ghi nhận hơn 1.000 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 30.000 nạn nhân, trong đó 164 người đã tử vong. 
Ngoài ra, kết quả kiểm nghiệm rau, quả tươi sống giai đoạn 2011-2016 cho thấy tỷ lệ tồn dư hoá chất vượt ngưỡng cho phép là gần 8,5%. Trong số hơn 54.700 hộ dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bị kiểm tra thì hơn 9.000 vụ vi phạm.
Quá trình giám sát cho thấy vẫn chưa thể kiểm soát được an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm, nhất là thực phẩm sản xuất từ khu vực kinh doanh nhỏ, lẻ, thủ công; biện pháp, công cụ quản lý còn hạn chế; việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm thu hồi, xử lý thực phẩm không bảo đảm hầu như chưa được thực hiện... 
Tham dự phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm là do xử lý chưa nghiêm, việc thực thi trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương chưa tốt... Theo Bộ trưởng cần hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này, đồng thời lưu ý tới các giải pháp mang tính đột phá về bộ máy, con người, tài chính. 
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Qúy Vương, cái khó trong xử lý hình sự các vi phạm về VS ATTP là việc giám định chất trong thực phẩm thế nào. Nếu hậu quả dẫn đến chết người thì việc xác định nguyên nhân có phải do thức ăn, đồ uống không là rất khó.

Các hành vi vi phạm về ATTP cần được xử lý nghiêm mới đủ sức răn đe

Tại phiên họp, Đoàn giám sát cũng có kiến nghị sớm tổng kết đánh giá 5 năm triển khai thi hành Luật An toàn thực phẩm và các văn bản pháp luật có liên quan như Luật Thanh tra, Luật Đất đai, Bộ Luật Hình sự,… để sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm góp phần nâng cao hiệu lực pháp lý, thống nhất và đồng bộ. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng cần chú trọng đẩy nhanh việc sửa đổi Bộ Luật Hình sự để góp phần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tăng tính răn đe. 
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam,  không chỉ riêng Luật An toàn thực phẩm mà hầu hết các luật, sau khi ban hành một thời gian đều có nhu cầu sửa đổi cho phù hợp hơn với thực tế. Phó Thủ tướng cho rằng, nguyên nhân của tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm là do khâu tổ chức thực hiện.  Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng cho rằng nguyên nhân chính của tình hình là do khâu tổ chức thực hiện. Bà Nga đề nghị Chính phủ cần chỉ rõ những bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt cũng như làm chưa tốt trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm để có cơ chế khen thưởng hay kỷ luật, qua đó đề cao trách nhiệm cá nhân. 
Theo Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, trách nhiệm của Chính phủ là chỉ đạo kiểm tra xử lý chưa đạt yêu cầu như mong đợi. Nhắc lại đánh giá của báo cáo nói các hộ gia đình chưa nhận thức hết tồn tại hoặc nhận thức nhưng cố ý vi phạm, “Tôi nói người ta trồng rau, luống này là để ăn, luống này để bán. Phân loại trong sản xuất cái này để ăn cái này để bán. Đó là cố ý vi phạm không phải nhận thức chưa tới”- Chủ tịch QH lưu ý
Đối với kiến nghị của Đoàn giám sát về việc nghiên cứu việc thành lập Ủy ban Quốc gia về An toàn thực phẩm; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng,  trong bối cảnh hiện nay đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế nên việc tiếp tục vận hành Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm là hợp lý. Bà cũng yêu cầu cần nâng cao vai trò kiểm tra, kiểm soát theo mô hình từ trang trại đến bàn ăn. Tuy nhiên cần chia phân khúc ra để phối hợp quản lý chứ không phải chia từng khúc từng khúc. Vì vậy, Chủ tịch QH nhấn mạnh sự phối hợp của liên ngành rất quan trọng.
Tăng cường trách nhiệm của UBND các cấp
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nhóm giải pháp chủ yếu mà đoàn giám sát đưa ra về cơ chế, chính sách; tổ chức thực hiện; nguồn lực. Trong đó xác định cần tăng cường trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân các cấp theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, Chỉ thị số 13/CT-TTg trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn, đặc biệt là việc kiểm soát an toàn thực phẩm thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể; giám sát chặt chẽ việc kinh doanh và sử dụng rượu, bia, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất kích thích tăng trưởng; triển khai các mô hình vùng nguyên liệu an toàn, chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn; tăng cường kiểm soát thực phẩm nhập lậu, công tác thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các vi phạm. 
Xây dựng hệ thống cảnh báo và phân tích nguy cơ an toàn thực phẩm làm cơ sở cho công tác quản lý an toàn thực phẩm dựa trên bằng chứng; hình thành hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ làm cơ sở khoa học cho công tác quản lý an toàn thực phẩm; xử lý chủ động, nhanh chóng các sự cố khẩn cấp về an toàn thực phẩm; hợp tác chặt chẽ và có hiệu quả với các tổ chức kỹ thuật về an toàn thực phẩm và các đơn vị, địa phương khác trong chia sẻ thông tin và xử lý các vấn đề về an toàn thực phẩm. Xác định lộ trình để giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại trong quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm như: kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y... trong sản phẩm nông sản; kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh thực phẩm, thực phẩm có nguy cơ cao… 
Chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin giáo dục truyền thông, đặc biệt là truyền thông thay đổi hành vi, thông tin kịp thời, chính xác, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ; tăng cường năng lực hoạt động của hệ thống giám sát, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm; kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các vi phạm... Bảo đảm cấp đủ ngân sách nhà nước cho hoạt động quản lý nhà nước quản lý nhà nước về an an toàn thực phẩm; cho phép sử dụng 100% nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính để thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm...

DUY ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh