Vị ngọt Bồ giang
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 15:09 - 11/03/2016
Nông dân xã Quảng Phú thu hoạch mía
Quả thực, sau sông Hương, sông Bồ chính là con sông đẹp nhất tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bồ giang không chỉ có nước trong, sạch và đẹp về mỹ quan, mà con sông còn cung cấp cho cư dân sinh sống dọc dài hai bên bờ vị ngọt tuyệt vời khi họ biết gìn giữ, khai thác nó một cách phù hợp, hiệu quả. Hương Trà, Quảng Điền nhờ nguồn phù sa và nước tưới tiêu từ sông Bồ mà trở thành vựa lúa chính của tỉnh, cung cấp cho người dân Thừa Thiên - Huế cũng như cả nước trái thanh trà vừa ngọt, vừa thanh, trở thành một thương hiệu nức tiếng. Hay trái quýt Hương Cần – một đặc sản tiến vua ngày xưa cũng nhờ được hưởng vị ngọt sông Bồ.
Ngày nay, bên cạnh một số phần tử đang ngày đêm hủy hoại con sông này bằng những vòi rồng, tàu lớn, tàu nhỏ ngày đêm tận thu cát sạn như muốn rút hết ruột nó bằng chất nổ, kích điện đánh bắt cá hay các “vựa” rác không ngừng trút xuống dòng sông đáng thương, thì vẫn còn đó những người dân biết tận dụng những màu mỡ mà Bồ Giang mang lại để làm giàu bền vững. 35 ha mía cẩm tân (có thời điểm lên đến 45 ha) của người dân xã Quảng Phú (Quảng Điền) là một ví dụ. Bên cạnh các loại cây trồng chủ lực như lúa, lạc, ngô, sắn…thì mía cẩm tân chính là loại cây trồng đã giúp cho bà con nơi đây xóa đói giảm nghèo rất hiệu quả. Quảng Phú đã trở thành “thủ phủ” mía cẩm tân của huyện Quảng Điền nói riêng và tỉnh Thừa Thiên - Huế nói chung.
Do nằm ở ven sông Bô, nên xã Quảng Phú có điều kiện đất đai khá phì nhiêu, phù hợp để trồng lúa và các loại cây công nghiệp ngắn ngày. Trong những năm trở lại đây, xã Quảng Phú đã vận động nhân dân chuyển đổi một số diện tích đất trồng kém hiệu quả sang trồng mía cẩm tân, tập trung ở các thôn Hạ Lang, Hạ Cảng, Phú Lễ của HTX Phú Thuận. Mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Quảng Phú, bình quân mỗi gia đình thu nhập từ 20 đến 50 triệu đồng/ năm từ trồng mía.
Theo ông Trương Vĩnh Tồn, Chủ nhiệm HTX Phú Thuận, mô hình trồng mía chỉ tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư không nhiều, những năm được mùa, được giá, 1 ha mía cẩm tân cho thu nhập rất cao, từ 180 đến 200 triệu đồng. “Hiện nay, người dân nơi đây còn thuê thêm đất để trồng mía cẩm tân, có nhiều hộ làm cả mẫu, còn từ 7 – 8 sào là bình thường. Nhiều thanh niên trong xã từng đi làm công nhân như các anh Lê Quang Vinh, Lê Quang Phước, ở thôn Hạ Lang khi thấy lương thấp hơn trồng mía, họ đã quyết định trở về nhà và đầu tư vốn để trồng. Những hộ thanh niên sau khi tham gia trồng mía cẩm tân đã có kinh tế vững chắc, nhiều hộ vươn lên khá giả”, ông Tồn cho biết. Về chất lượng mía cẩm tân Quảng Phú, ông Tồn khoe: “Mía ở đây có đặc điểm ngọt và mềm hơn nhiều so với mía trồng ở vùng khác, đó là nhờ chất đất phù sa và nước tưới từ sông Bồ. Cây mía Quảng Phú đã đi khắp từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi rồi ra đến Quảng Quảng Trị, Quảng Bình”.
Về Quảng Phú những ngày này, không khí thu hoạch, thu mua sản phẩm mía cẩm tân đang bắt đầu dồn dập. Bên cạnh đó, người dân nơi đây cũng đang tích cực sữa chữa, đóng mới lồng bè để thả nuôi cá lồng. Những năm gần đây, phong trào nuôi cá lồng (chủ yếu là cá trắm cỏ và cá diêu hồng) ở xã Quảng Phú và dọc trên sông Bồ đang nở rộ, mang lại nguồn thu nhập cao cho người nuôi. Theo thống kê của HTX Phú Thuận, trong năm 2015, trên địa bàn xã Quảng Phú có 171 lồng cá được người dân đầu tư thả nuôi.
Gia đình anh Nguyễn Văn Hiệp ở thôn Hạ Lang bình quân mỗi năm thả nuôi từ 10 đến 12 lồng cá trên sông Bồ, đối tượng thả nuôi chủ yếu là cá diêu hồng, cá trắm cỏ. Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật từ khâu làm lồng, chọn con giống và chăm sóc, nên các đối tượng cá thả nuôi của gia đình anh luôn phát triển tốt, ít bị dịch bệnh, cho hiệu quả kinh tế cao. Theo tính toán của anh, một lồng cá sau một năm thả nuôi cho thu nhập từ 20 đến 25 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí cho lãi ròng từ 10 đến 14 triệu đồng.
Cùng với xã Quảng Phú, các xã như Quảng Thọ, Quảng Thành, Quảng Lợi, Quảng Thái (huyện Quảng Điền), xã Phong Mỹ, Phong Xuân, Phong Sơn cũng đẩy mạnh phát triển mô hình nuôi cá lồng trên sông Bồ. Mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế khá lớn, giúp cho nhiều hộ dân sống dọc 2 bờ sông Bồ vươn lên làm giàu chính đáng và mở ra hướng phát triển kinh tế mới.