THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:58

Viện trưởng Lịch sử Đảng: 'Vì hòa bình chúng ta đã chấp nhận cho Trung Quốc rút quân'

 

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà: "Trung Quốc đã nhận lấy hậu quả khi tiến hành cuộc chiến tranh biên giới". Ảnh: Hoàng Phương.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Viện trưởng Lịch sử Đảng, nguyên đại tá, Chính ủy Sư đoàn 308 trả lời phỏng vấn VnExpress, nhân kỷ niệm 37 năm ngày Việt Nam phát lệnh tổng động viên bảo vệ biên giới phía bắc chống quân Trung Quốc xâm lược.

- Thưa ông, 18 ngày sau khi Trung Quốc đưa 600.000 quân tấn công 6 tỉnh biên giới phía bắc, ngày 5/3 Việt Nam đã ra lệnh tổng động viên. Đúng ngày này, Trung Quốc tuyên bố rút quân. Ông có thể phân tích động thái này của Trung Quốc trong bối cảnh lúc bấy giờ?

- Trước khi đưa quân tràn sang biên giới vào ngày 17/2/1979, Trung Quốc tuyên bố "dạy cho Việt Nam một bài học" và lý luận rằng đây chỉ là "phản kích, tự vệ" vì "Việt Nam đưa quân sang đánh một số điểm trong nội địa Trung Quốc". Nhưng cả thế giới không tin câu chuyện đó, bởi "phản kích" thì không ai đưa hàng trăm nghìn quân sang đánh phá lãnh thổ nước khác.

Kháng chiến chống Mỹ kết thúc chưa tròn 4 năm, hơn ai hết nhân dân Việt Nam hiểu thấu giá trị của hòa bình. Dù trước đó Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam rất nhiều nhưng chủ quyền biên giới là bất khả xâm phạm. Trung Quốc tấn công thì chúng ta phải tự vệ và lệnh tổng động viên là một mệnh lệnh phù hợp với tình thế đó.

Một trong những lý do quân Trung Quốc đưa quân tràn sang Việt Nam là để kiểm tra khả năng chiến đấu của quân đội. Năm 1978, Trung Quốc bắt đầu tiến hành cải cách, và hiện đại hóa quân đội là một trong 4 mục tiêu của họ. Chiến tranh biên giới 1979 như một cuộc thử nghiệm khả năng đánh trận của quân đội Trung Quốc bởi gần ba thập kỷ họ không tham gia trận đánh lớn nào từ sau chiến tranh Triều Tiên 1953.

Cuộc chiến chính thức diễn ra chưa đầy 3 tuần. Có lẽ chúng ta cũng không biết trước họ sẽ rút quân vào ngày 5/3. Khi Trung Quốc biết Việt Nam được Liên Xô giúp đỡ cơ động các đơn vị chủ lực từ mặt trận phía Nam và từ Campuchia lên phía Bắc thì họ tuyên bố rút quân.

- Việt Nam đã phản ứng như thế nào trước tuyên bố hoàn thành mục tiêu "dạy cho Việt Nam một bài học" và rút quân của Trung Quốc?

- Trung Quốc tuyên bố rút quân và đến ngày 18/3 thì rút hết. Chúng ta để cho họ thực hiện và giám sát việc này. Khi đó, các quân đoàn chủ lực của ta đã cơ động lên đến biên giới phía Bắc và vào vị trí chiến đấu, thậm chí là bao vây và sẵn sàng tiêu diệt các lực lượng quân Trung Quốc. Nhưng chúng ta kiềm chế không đánh, đề phòng họ lấy cớ quay trở lại khiến cuộc chiến tranh kéo dài. Các đơn vị cũng nhận lệnh để cho họ rút và không tiến hành truy quét, tiêu diệt.

Nếu nói về trình độ thì quân đội Việt Nam vẫn rất thiện chiến, vũ khí cũng còn dồi dào, nhưng dân tộc Việt Nam vừa bước ra khỏi cuộc trường kỳ kháng chiến, kinh tế còn khó khăn và thẩu hiểu giá trị của hoà bình. Do đó, chúng ta lựa chọn biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề.

- Vậy theo ông, Trung Quốc đã sai lầm như thế nào khi động binh tấn công Việt Nam năm 1979? 

- Thay vì dạy cho Việt Nam một bài học thì chính Trung Quốc đã nhận lấy hậu quả khi tiến hành cuộc chiến tranh này. Ban đầu, khi đưa hàng chục vạn quân, vũ khí và phát động chiến tranh trên toàn tuyến biên giới thì ắt hẳn họ phải có một sự chuẩn bị lâu dài. Nhưng xét cho cùng, hành động đó lại là thiếu tính toán.

Ngoài quân số tổn thất lớn, không đạt được mục tiêu, Trung Quốc còn làm cho mối quan hệ hai nước rơi vào một thời kỳ đen tối, tạo ra hố sâu ngăn cách giữa hai dân tộc, sự nghi kỵ giữa nhân dân hai nước. Hậu quả ấy vẫn còn kéo dài đến tận ngày nay và là một vết đen không xóa ngay được. Thế giới cũng nhận ra Trung Quốc là một "anh bạn" khó chơi, hảo hảo thì bắt tay nhau, nếu không thì sẵn sàng trở mặt. Đó là điều mà họ không lường được.

- Từ cuộc chiến biên giới phía Bắc có thể rút ra bài học gì cho việc giải quyết bất đồng hiện nay về biên giới, lãnh hải?

- Cuộc chiến chính thức kéo dài từ 17/2 đến 5/3/1979, nhưng xung đột biên giới thì kéo dài đến tận năm 1988. Việt Nam đã mất một phần không nhỏ nhân lực, vật lực trong cuộc chiến này. Để giảm bớt căng thẳng, chúng ta bắt đầu giảm quân, cho phục viên số lượng lớn bộ đội song vẫn giữ lực lượng thường trực để bảo vệ biên giới. Năm 1988, Việt Nam chủ động rút quân chủ lực cách đường biên giới 40 km. Trước động thái đó, Trung Quốc cũng cho rút dần quân khiến tình hình biên giới lắng dịu. Ngày 26/9/1989, đơn vị cuối cùng của quân tình nguyện Việt Nam rời khỏi Campuchia. Các "ngòi nổ" căng thẳng chính thức được tháo ra ở cả phía Bắc lẫn phía Nam. Đây là một trong số các yếu tố để hai nước bình thường hóa quan hệ.

Cùng với tình hình quốc tế có nhiều biến động, các nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô và Đông Âu đứng trước sự sụp đổ. Trung Quốc nhận ra rằng nếu không có đồng minh thì chế độ xã hội chủ nghĩa cũng không giữ được. Điều họ mong muốn là có một chỗ đứng trên trường quốc tế. Đó là một trong những lý do họ quay lại đàm phán với Việt Nam. Năm 1991, sau cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước ở Thành Đô (Trung Quốc) thì hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ. Điều đó cho thấy, nếu Trung Quốc cũng chủ trương giải quyết vấn đề bằng hòa bình, mềm mỏng như Việt Nam thì đã không có những hậu quả xảy ra.

Hà Nội ngày 5/3/1979 - ngày Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ra lệnh tổng động viên. Ảnh tư liệu. 

- Cho đến nay, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc chống quân Trung Quốc xâm lược năm 1979 vẫn chưa được nhắc đến đúng với vị thế của nó trong lịch sử. Là một người lính, lại là một nhà sử học, ông đánh giá gì về điều này?

- Phải nói rằng đây là một cuộc chiến tranh quy mô lớn, cuộc động binh xâm lược mà không thể dùng từ nào khác để diễn tả đúng bản chất của nó. Quan điểm của chúng tôi - những người viết sử, rằng sự thực thế nào thì phải phản ánh khách quan đúng như vậy. Nếu chúng ta không đề cập đến thì mười lăm, hai mươi năm nữa, con cháu chúng ta lớn lên không hiểu gì về mối quan hệ Việt - Trung giai đoạn này, không biết thực chất cuộc chiến tranh đã diễn ra như thế nào. Đây là cuộc chiến đã giết chết hàng chục nghìn người, tàn phá 4/6 thị xã của các tỉnh biên giới phía Bắc, gây ra hậu quả nặng nề. Để cho thế hệ mai sau không biết gì hoặc hiểu sai về cuộc chiến là có tội với lịch sử.

Chúng tôi cũng đã có tổng kết trong một số công trình nghiên cứu nhưng vẫn còn hạn chế. Có một điều đáng tiếc hơn là dung lượng cuộc chiến đưa vào sách giáo khoa để giảng cho học sinh vẫn còn quá ít, chỉ hơn 10 dòng.

Tháng 12/2013, khi Thủ tướng gặp Ban Thường vụ Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, giới sử học đã có văn bản kiến nghị phải giáo dục về lịch sử dựa trên những sự thực đã diễn ra. Trên bộ thì phải đưa chiến tranh biên giới vào sách giáo khoa, trên biển thì phải cho học sinh biết lịch sử chủ quyền biển đảo… Giáo dục phải dựa trên những chứng cứ, sự thực lịch sử. Đây là bài học cho hiện tại và tương lai, cho mối quan hệ giữa hai nước để rút ra bài học phải ứng xử như thế nào trong hoàn cảnh đó và cho cả hiện nay.

Thủ tướng đồng ý ngay và trả lời bằng văn bản, yêu cầu các bộ ban ngành phải thực hiện. Song không biết khúc mắc ở khâu nào mà sách giáo khoa lịch sử vẫn chưa thực hiện được đầy đủ như kiến nghị của Hội Khoa học lịch sử.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh