THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 05:05

Vì dịch Covid-19: Đám cưới phải dời lại hoặc tổ chức qua Zoom "không khách" chuyện cười ra nước mắt

Cô dâu trong trang phục trắng tinh khôi đang cầm bó hoa nhựa đặt mua từ Amazon. Lễ đường hay những bóng đèn lấp lánh lối đi cũng được mua từ Amazon nốt. Đám cưới giữa Eliana Amrami (23 tuổi) và Elliot Birn (22 tuổi) được tổ chức khá khiêm tốn, chỉ gồm cha mẹ hai bên và mục sư. Theo phong tục của người Do Thái, cô dâu và chú rể sẽ phải đập vỡ chiếc ly dưới chân mình.

Không thể trực tiếp tham gia đám cưới này vì lệnh cách ly xã hội, người thân và bạn bè của cặp Amrami và Birn đành lái xe ra phố, rồi xem đám cưới qua Zoom hoặc bản livestream trên YouTube. Ngồi trong xe với một khoảng cách an toàn, họ không rời mắt khỏi màn hình điện thoại để xem cặp đôi nắm tay và giẫm lên chiếc ly. Khi nó vỡ, tiếng còi xe kêu inh ỏi khắp khu phố. Trên màn hình laptop, những người thân lớn tuổi của đôi trẻ mỉm cười và vẫy tay.

Trước đó, Amrami đã lên kế hoạch tổ chức đám cưới ở khách sạn Chicago Hilton (Mỹ)  vào ngày 29/3. Khi chính quyền khuyến cáo mọi sự kiện lớn nên dời lại sau tháng 5, Amrami đã rất buồn bã. Sau một đêm khóc hết nước mắt, cả gia đình quyết định sẽ tổ chức đám cưới ở sân sau nhà qua Zoom. 

Ý tưởng còn hoàn hảo hơn cả những gì Amrani hy vọng. “Trước đám cưới, tôi đã rất suy sụp”, cô cho biết. “Tôi không thể tin đây là cuộc sống của mình. Giờ thì tôi chẳng có gì hối tiếc. Mọi chuyện còn tốt hơn tôi tưởng”.

Gian nan chuyện kết hôn mùa Covid-19: Phải tổ chức đám cưới không khách qua Zoom, muốn dời lại cũng mất cả đống tiền - Ảnh 1.

Eliana Amrami và Elliot Birn kết hôn trong khu vườn sau nhà của bố mẹ.

Amrani và Birn là một trong hàng ngàn cặp đôi mà chuyện cưới xin bị ảnh hưởng vì đại dịch Covid-19. Với khoảng 20% dân số thế giới đang phải tự cách ly ở nhà, cuộc sống bình thường đã bị đảo lộn hoàn toàn. Nhiều cặp đôi đã phải chọn giải pháp hủy bỏ đám cưới để đảm bảo an toàn cho bản thân và khách mời.

“Một số người đã đặt xong mọi thứ - từ khách sạn cho tới vé máy bay, nhưng họ lại không được hoàn tiền. Chúng tôi phải liên lạc với từng người một, bởi không phải ai cũng kiểm tra email hoặc trả lời lại. Phải đảm bảo là họ không ai có mặt như lịch ban đầu”, doanh nhân Jimmy Yu - người đáng lẽ đã kết hôn với bạn gái vào ngày 22/2 - cho biết.

Vì bản thân cũng làm trong ngành tổ chức sự kiện, Yu hiểu rõ khó khăn mà các cặp đôi lẫn bên dịch vụ phải đối mặt khi hủy một đám cưới. “Để tổ chức một đám cưới khác, các cặp đôi sẽ phải mất thêm 20% để lên lịch lại”, anh cho biết. “Có những thứ hoàn tiền được, có thứ không, nhưng với tình hình kinh doanh xuống dốc như lúc này, thật khó để các bên dịch vụ tiếp tục tồn tại”. 

Từ quan điểm kinh doanh, Yu rất thông cảm với bên tổ chức dù đám cưới với hơn 800 khách mời của anh đã không thành hiện thực. “Chúng tôi cố gắng bình tĩnh và đạt được thỏa thuận một cách tốt đẹp để cùng nhau vượt qua thời điểm khó khăn này”.

Gian nan chuyện kết hôn mùa Covid-19: Phải tổ chức đám cưới không khách qua Zoom, muốn dời lại cũng mất cả đống tiền - Ảnh 2.

Không biết dịch bệnh còn kéo dài đến bao giờ, nhiều cặp đôi dự định hoãn lại tới tận cuối năm. Tuy nhiên, họ sẽ gặp khá nhiều khó khăn khi bởi thời điểm đó lại là mùa cưới khá đông đúc.

“Năm 2020 là năm nhuận, được cho là may mắn với các cặp đôi mới cưới. Do đó bất cứ ai muốn dời lịch nên xem xét tổ chức vào ngày thường”, Vicky Chan - người lập và stylist chính của The Theme Wedding Design, một công ty chuyên tổ chức đám cưới - cho biết.

“Chúng tôi cũng phải đảm bảo chất lượng dịch vụ, nên không thể nhận bừa và tạo thêm gánh nặng cho chính mình và các khách hàng đã lên lịch sẵn vào tháng 12”, cô giải thích thêm.

“Thay vào đó, các cặp đôi đang lựa chọn tổ chức tiệc trà nhỏ kèm theo nghi lễ nói lời thề trước, sau đó mới tổ chức một bữa tiệc chiêu đãi lớn vào cuối năm. Tuy nhiên, làm như vậy thì chi phí cũng đắt đỏ hơn vì bạn phải thuê người tổ chức cho hai sự kiện thay vì một”, Chan cho biết.

Với những cặp đôi chỉ mới lên kế hoạch ban đầu, họ không cần phải quá lo lắng. “Các cửa hàng váy cưới vốn đã rất nghiêm ngặt trong vấn đề vệ sinh. Dù vậy, với những mẫu váy tầm trung hay đắt tiền, chúng tôi sẽ áp dụng một số biện pháp mới, chẳng hạn như yêu cầu cô dâu kiểm tra nhiệt độ, đeo khẩu trang và rửa tay trước khi thử”, Chan giải thích. “Nói là vậy nhưng vào thời điểm này, chẳng có mấy cửa hàng có trên 2 cô dâu vào thử đồ cùng lúc”.

Gian nan chuyện kết hôn mùa Covid-19: Phải tổ chức đám cưới không khách qua Zoom, muốn dời lại cũng mất cả đống tiền - Ảnh 3.

Theo Chan, các buổi chụp ảnh ngoài trời cũng đã được hoãn lại và hầu hết các cô dâu, chú rể đều thông cảm với điều này - họ không muốn bị ướt nhẹp dưới trời mưa. Tương tự, những chuyến du lịch tuần trăng mật cũng là điều không tưởng vào thời điểm này

Dù đã móng ngóng chuyến đi tới Cappadocia (Thổ Nhĩ Kỳ) và hòn đảo thơ mộng Santorini (Hy Lạp) từ lâu, Kennis Yuen vẫn buộc phải hoãn lại chỉ 7 ngày trước khi khởi hành vì lệnh cấm bay. "Dĩ nhiên chúng tôi sẽ dời lịch lại, nhưng cảm giác đi vào năm 2021 sẽ khác lắm. Chúng tôi sẽ không còn là cặp đôi mới cưới, mà là một cặp vợ chồng già!", cô bày tỏ.

Trái lại, Isobel (25 tuổi) và Ian (26 tuổi) vẫn cảm thấy vui vẻ dù tuần trăng mật của họ sẽ diễn ra ngay tại nhà - nơi họ vừa tổ chức đám cưới nhỏ với sự hiện diện của người thân qua Facetime.

"Đây là một cách thú vị để bắt đầu cuộc sống hôn nhân", Isobel đùa. "Dành thời gian cho nhau 24/7 trong một căn hộ bé xíu".

(Theo The Guardian, SCMP)

 

Linh Hân

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh