Venezuela từng bước tê liệt trong khủng hoảng
- Tây Y
- 04:31 - 30/05/2016
Tòa án đóng cửa hầu hết các ngày trong tuần. Văn phòng đăng ký kinh doanh lâm vào tình trạng tương tự. Văn phòng luật sư công biến thành kho chứa thực phẩm cấp cho nhân viên chính phủ. Dù đã quen với việc thiếu hụt những thực phẩm cơ bản nhất nhưng Venezuela đang tiếp tục chìm sâu hơn vào khủng hoảng, New York Times nhận định.
Khủng hoảng thiếu nghiêm trọng
Trong những tuần gần đây, chính phủ Venezuela phải áp dụng biện pháp được cho là tuyệt vọng nhất để tiết kiệm điện là đóng cửa gần như hoàn toàn nhiều cơ quan chính phủ, chỉ làm việc 2 nửa buổi mỗi tuần. Tuy nhiên, đây dường như là khởi đầu cho cấp độ mới của khủng hoảng. Điện, nước đang được phân phối chia khẩu phần.
Tuần trước, các cuộc biểu tình biến thành bạo động trong nhiều khu vực ở Venezuela vì siêu thị hết đồ. Coca-Cola Femsa, một công ty sản xuất nước ngọt Mexico đặt tại Venezuela, buộc phải ngừng sản xuất vì tình trạng thiếu đường.
“Có rất nhiều vấn đề nhưng một trong những điều tôi chưa từng thấy là các cuộc biểu tình để nhận những thực phẩm cơ bản”, David Smilde, nhà phân tích tại Caracas, nhận định.
Khủng hoảng kinh tế ở Venezuela đang ngày càng tồi tệ vì tình trạng giá dầu thấp. Đây là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của quốc gia Nam Mỹ. Trong khi đó, hạn hán kéo dài gây thiếu nước, làm sụt giảm năng suất của các nhà máy thủy điện đồng thời tác động xấu tới sản lượng nông nghiệp, gây ra tình trạng thiếu hụt trên diện rộng.
Tình trạng tồi tệ ở Venezuela tạo ra thách thức chính trị nghiêm trọng với Tổng thống Nicolás Maduro. Trong tháng này, Maduro ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 2 trong năm và ra lệnh cho quân đội tập trận nhằm chống lại các mối đe dọa từ nước ngoài.
Dân lao đao trong khủng hoảng
Mariángel González, bà mẹ 32 tuổi, tỏ ra lo lắng nhất về việc chính phủ ngày càng ít hiện diện trong cuộc sống đời thường. Các trường công lập ở Venezuela bị đóng cửa vào ngày thứ sáu để tiết kiệm điện. Vào ngày này, González phải xếp hàng ở các máy rút tiền với đứa con lớn trong khi chồng cô ở nhà để trông đứa con nhỏ.
González là luật sư tự do. Trước đây, gia đình cô thuộc diện trung lưu ở Venezuela. Tuy nhiên, việc chính phủ đóng cửa khiến cô không còn việc làm và gia đình cô không có thức ăn.
Khác với trường hợp của González, Vanessa Arneta cùng 7 người thân trong gia đình thường xuyên sống trong cảnh mất nước tại căn nhà ngoại ô Caracas. Mỗi tuần nước chỉ được bơm một lần vào ngày thứ năm. Trong ngày này, mọi người phải tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, rửa bát đũa, tắm giặt và lấy nước dự trữ cho những ngày sau đó.
Tuy nhiên, nước được cung cấp không sạch. Nó có màu nâu và làm cho cả gia đình bị bệnh. “Toàn thân cô ấy nổi những mụn nhỏ và nó nhức nhối khủng khiếp”, Arneta kể về tình trạng sức khỏe của một người chị em trong nhà. Nhiều người Venezuela cũng cho biết họ bị dị ứng khi tắm giặt.
Khẩu chiến trên chính trường
Theo chính phủ Venezuela, tình cảnh người dân quốc gia này đang phải chịu đựng là hậu quả của một cuộc “chiến tranh kinh tế” có liên quan tới chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế học đều đồng ý rằng Venezuela đang gánh hậu quả của những năm quản lý kinh tế yếu kém, bao gồm cả sự phục thuộc quá nhiều vào giá dầu.
Giới chức Mỹ thì cho rằng khủng hoảng đang đẩy Tổng thống Maduro rơi vào thế bị cô lập. Ngoài những bất đồng trong nước, đồng minh thân cận của ông Maduro, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, đang bị luận tội. Những nhà lãnh đạo khác trong khu vực tỏ rõ sự không đồng tình với nhà lãnh đạo Venezuela.
Tuần trước, ông Maduro quở trách Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) vì lên tiếng chỉ trích việc xử lý khủng hoảng kinh tế và chính trị ở Venezuela. Ông Maduro gọi Luis Almagro, tổng thư ký OAS, là “kẻ phản bội” và ngụ ý ông là gián điệp. Almagro đáp lại bằng lá thư thách thức và kêu gọi phe đối lập lật đổ ông Maduro trong năm nay.