THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:24

Về Bảy Núi thưởng thức thịt dê và các món lạ

Giờ đây Bảy Núi đã trở thành vùng đất trù phú, thơ mộng, là điểm đến hấp dẫn du khách không chỉ trong nước mà cả du khách quốc tế. Mọi người đến đây ngoài việc leo núi, thưởng ngoạn phong cảnh còn có thể thưởng thức rất nhiều món ăn lạ – ngon – bổ, trong đó đương nhiên không thể bỏ qua các món chế biến từ thịt dê.

Có thể kể một số món ăn độc đáo với những hương vị riêng biệt ở vùng này như bánh xèo Tri Tôn. Điểm hấp dẫn ở món ăn này không phải hương vị ngon hơn dưới đồng bằng, mà ở đĩa rau ăn kèm. Ăn bánh xèo núi gói với rau rừng mới “đúng bài” và thưởng thức trọn cảm giác du ngoạn trên núi.

Những loại rau mọc hoang, quanh năm xanh tốt được thiên nhiên ưu đãi cho người vùng núi nay có mặt trong thực đơn của rất nhiều món ăn. Rau ăn kèm bánh xèo có hơn 20 loại, như: Lá sung, cát lồi, tàu bay, ngạnh, đọt bứa, kim thất... Bột bánh lại có hương vị thơm lạ của gạo “lúa sóc” - loại lúa đồng bào Khmer trồng sát chân núi, mỗi năm một mùa.

Khi đi sâu vào vùng rừng núi, mọi người đừng quên thưởng thức món măng xào thịt bò của người dân tộc Kh’mer. Đặc biệt là món gỏi sầu đâu. Muốn có món gỏi ngon, trước hết phải chọn được những đọt non kèm với bông. Khô cá lóc cần được nướng trên than đỏ lửa, sau khi nướng chín, xé ra từng miếng nhỏ rồi trộn chung với đọt sầu đâu. Bí quyết của món gỏi này là phải trộn với nước me chua, thêm chút đường, ớt cho thấm.

Ăn gỏi sầu đâu, du khách sẽ thưởng thức được sự kết hợp từ vị đắng dìu dịu của sầu đâu và vị mặn, ngọt, dai dai của khô cá lóc (hay cá sặc bổi) quyện với nhau càng làm tăng thêm khẩu vị nhờ mùi vị lạ miệng, hoàn toàn không giống với bất cứ loại gỏi nào. Món này kèm thêm dưa leo hoặc xoài chua bằm nhỏ sẽ “hết chỗ chê”.

Tuy nhiên đến vùng bẩy núi đã nghe chuyện kể về con trăn, con rắn, uống nước thốt nốt, ăn các món đặc sản nhưng còn chưa thưởng thức thịt dê thì cũng coi như còn thiếu.

Theo người già kể lại thì ngày xưa vùng này có khá nhiều dê núi. Bây giờ thì không còn nữa, nhưng dê vùng Bảy Núi chủ yếu vẫn là giống dê cỏ, tầm vóc nhỏ, khoẻ mạnh, dễ nuôi, ít bệnh tật và rất ngon thịt vì chúng chủ yếu ăn các loại cỏ của vùng này. Một số người vẫn có thói quen làm trang trại hay thả dê trên núi nên tuy là dê nuôi nhưng vẫn mang đậm hương vị núi rừng.

Anh Nguyễn Văn Khải, ở thị trấn Tịnh Biên cho biết: Loài dê nuôi thịt phổ biến nhất hiện nay ở vùng này vẫn là dê địa phương, hay còn gọi là dê cỏ. Dê có màu lông vàng nâu hay loang đen, loang trắng. Loại này chỉ nặng chừng 30-35 kg, 6-7 tháng tuổi đã có thể phối giống, khoảng 2 năm đẻ 3 lứa, mỗi lứa 1-3 con.

Dê cỏ rất dễ nuôi, thịt của chúng lại ngon nên bà con nuôi nhiều. Dê đen mặt sọc, giống tốt, mã đẹp, tai dài, chân to với vóc dáng lớn con, nhất là dê bông chén, được xếp đứng đầu bảng.Thịt dê vùng Bảy Núi ngon do thổ nhưỡng và cách nuôi hết sức cẩn thận, còn bởi cách chế biến độc đáo.

Người nuôi phải thay đổi thức ăn từng bữa như so đũa, cỏ voi, gòn, dâm bụp, rau muống hay cây bắp. Khi thịt dê, tiết được đổ vào nấu chung với một số bộ phận khác như lòng, dạ dầy, xương, đảm bảo ăn xong có leo núi cả ngày cũng không thấy mệt. Thậm chí, đêm ngủ giữa rừng cũng chả thấy lạnh.

Dê vùng Bảy Núi được chế biết ít món, chứ không nhiều như các vùng khác. Ngon nhất là dê “xối xả”, dê xào lá vang, cháo dê với những hương vị thật đặc biệt, ăn một lần khó có thể quên. Dê “xối xả” là món dê hấp, thịt dê thái dầy, có cả nạc, mỡ và da, ngoài các hương vị khác thì xả và lá tía tô là thứ không thể thiếu. Dê “xối xả” phải ăn khi còn nóng nên vã mồ hôi – có lẽ vì vậy mà có tên xối xả.

Riêng món cháo thì có phần đặc biệt hơn, ngoài thịt nạc thái mỏng tươi rói, không thể thiếu cái bùi của gan, cái ngậy béo của tuỷ dê cùng với vị mặn và cay nồng của nước mắm gừng. Múc từng muỗng cháo cho vào miệng, bao nhiêu hương vị hấp dẫn tỏa ra, nhưng nổi bật nhất là vị chua thanh của trái trúc – một thứ trái giống như chanh nhưng vỏ xù xì, chỉ có ở miền núi này.

Thêm vào đó, vị cay của ớt hiểm xanh cùng mùi rau thơm nồng nàn sẽ khiến miếng thịt dê càng ngon ngọt và dễ ăn.Ngoài thịt dê, vùng Bảy Núi còn nổi tiếng với món bọ rầy. Bọ rầy có hình dạng giống bọ hung, to cỡ ngón tay cái, màu nâu cánh gián, thân ngắn, có cánh, đầu và bộ chân rất cứng nhưng thân mềm và tròn.

Loại côn trùng này ngày nay được bày bán ở các chợ Nhà Bàng, chợ Văn Giáo, An Hảo hay chợ thị trấn Tịnh Biên và các chợ miền núi huyện Tri Tôn. Cách chế biến món ăn từ bọ rầy cũng dễ. Khi mới đem bọ rầy về, công đoạn đầu tiên là phải ngắt bỏ cánh cứng. Sau đó, móc bỏ phần đít, moi ruột, rồi đem rửa sạch bằng nước muối pha loãng.

Bước tiếp theo để bọ rầy cho ráo, rồi đem chiên hoặc xào. Muốn cầu kỳ hơn, có thể dồn thịt ba chỉ băm nhuyễn hay nhét thêm đậu phộng đem chiên giòn. Món bọ rầy chiên giòn ăn kèm với rau sống, cà chua xắt lát, cải xà lách chấm với tương ớt, muối ớt chanh, ngon khó tả. Khi vùng Bảy Núi xuất hiện lác đác vài cơn mưa đầu mùa, cây rừng đâm chồi, nảy lộc xanh tốt nên bọ rầy sinh sôi nảy nở nhiều vô kể. Bọ rầy sống lẩn khuất trên những chồi lá xoài, điều, mít... để ăn đọt non.

Con nào con nấy mập mạp ú nu nên được nhiều bạn hàng thu mua nườm nượp. Mặc dù thấy nó xấu xí nhưng ăn là ghiền. Ở vùng Bảy Núi giờ đây bọ rầy được xem là món ăn độc chiêu, trở thành nguồn cảm hứng ẩm thực của rất nhiều bợm nhậu. Bọ rầy chiên giòn đã chễm chệ trong thực đơn của nhiều nhà hàng tại vùng Bảy Núi.

Thậm chí bọ rầy còn được bạn hàng thu mua từ Campuchia về mới đủ cung cấp cho người nghiền.Với phong cảnh miền bán sơn và những nét văn hóa đặc trưng của người Khmer, đặc biệt là các món ăn có bản sắc riêng, vùng Bảy Núi, từ lâu đã nằm trong giấc mơ khám phá của nhiều khách gần xa. 

Thành Luân - Đào Hiền

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh