Thanh Hóa: Tăng cường phòng, chống vi rút Zika và sốt xuất huyết
- Sức khỏe
- 03:20 - 16/04/2016
Theo đó, thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay dịch bệnh do vi rút Zika đang diễn biến phức tạp, đã xuất hiện tại 61 quốc gia và vùng lãnh thổ trên phạm vi toàn cầu. WHO tiếp tục khẳng định dịch bệnh do vi rút Zika là tình trạng khẩn cấp toàn cầu và ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học về mối liên quan giữa vi rút Di-ca với chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh và một số tổn thương não – tủy sống nghiêm trọng khác ở người lớn; đường lây truyền chủ yếu thông qua muỗi Aedes (tồn tại phổ biến ở Việt Nam); đồng thời nhận định dịch bệnh này vẫn tiếp tục là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế. Tại Việt Nam, đến nay đã ghi nhận 2 bệnh nhân nhiễm vi rút Zika tại tỉnh Khánh Hòa và TP Hồ Chí Minh. Bộ Y tế đã chuyển trạng thái dịch sang tình huống II trong kế hoạch phòng, chống dịch do vi rút Zika.
Giữ vệ sinh nhằm phòng, chống vi rút Di-ca và sốt xuất huyết (ảnh Báo Thanh Hóa)
Nhằm chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại đại phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức chính trị, chính trị xã hội thực hiện tốt một số nội dung sau: Sở Y tế (Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên người) chủ động phối hợp với Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế theo dõi, cập nhập sát diễn biến tình hình dịch bệnh do vi rút Zika. Triển khai thực hiện các giải pháp thông tin, truyền thông kịp thời, cảnh báo về tính nguy hiểm, khả năng lây lan, phương pháp phòng, chống dịch bệnh để nhân dân biết và chủ động phòng bệnh Zika. Chủ động xây dựng kế hoạch phòng bệnh do vi-rút Zika trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Tham mưu tổ chức phát động chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, loăng quăng phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết”.
Triển khai hướng dẫn kiểm tra, giám sát, kiểm soát ngăn chặn kịp thời bệnh do vi rút Zika xâm nhập vào Thanh Hóa; Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các đơn vị y tế dự phòng và điều trị các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại các cửa khẩu và tại các địa phương; chủ động ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng, hạn chế số người mắc và số ca tử vong khi dịch xuất hiện trên địa bàn tỉnh.
Sở Ngoại vụ phối hợp với Sở VHTT&DL, Sở LĐ-TB&XH khuyến nghị người dân không nên đến vùng dịch, đồng thời chủ động thông báo cho cơ quan Y tế các trường hợp từ vùng dịch về địa phương.
Sở Tài chính chủ động, phối hợp với Sở Y tế đề xuất nguồn kinh phí bảo đảm nhu cầu thuốc, hóa chất và các trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch tại địa phương, theo quy định hiện hành.
UBND các huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở Kế hoạch phòng, chống dịch đã được phê duyệt chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Chủ động tổ chức triển khai chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, loăng quăng phòng, chống dịch bệnh do vi rút zika và sốt xuất huyết” trên địa bàn quản lý. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tiến hành thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh; xử phạt hành chính các tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.
Các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội trong phạm vi trách nhiệm, lĩnh vực quản lý có kế hoạch chủ động phối hợp tốt với ngành Y tế chỉ đạo các hoạt động phòng chống dịch bệnh trên địa bàn phụ trách nhằm vận động mọi người dân, toàn thể cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh.