Về nơi "trồng rau 2 luống, nuôi lợn 2 chuồng"
- Y học 360
- 17:01 - 09/11/2017
Đằng sau những mớ rau muống xanh mơn mởn được bầy bán tại các khu chợ hiện này mà người tiêu dùng đang mua về sử dụng, thật khó để có thể phân biệt đâu là sản phẩm an toàn và đâu là sản phẩm bẩn.
Cánh đồng rau muống xanh tốt nằm xen giữa bãi nghĩa địa
Dưới những cánh rau xanh mơn mởn, để lộ ra nguồn nước màu đen kịt
Để tìm hiểu quy trình tạo ra những mớ rau xanh tốt được bầy bán hàng ngày tại các khu chợ, chúng tôi tìm đến khu vực trồng rau muống tại ( phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nơi chuyên cung cấp rau cho các chợ đầu mối và chợ dân sinh trên địa bàn. Nhiều người dân khi đi qua khu vực Cầu Noi không khỏi bất ngờ khi cánh đồng trồng rau của người dân tại đây năm xen giữa là một bãi nghĩa địa, cứ đi vài ba mét lại đụng phải một ngôi mộ. Và cả cánh đồng rộng lớn chỉ trồng duy nhất một loại rau đó là rau muống, những ruộng rau muống tại đây thì luôn tươi tốt lạ thường.
Con kênh nhỏ dẫn nước cho ruộng rau có màu xanh lục kỳ lạ và kết tủa trắng
Tìm hiểu kỹ hơn chúng tôi được biết, rau muống tại đây được trồng quanh năm và theo một người dân tại đây cho biết quy trình không có gì quá đặc biệt ngoài công việc làm cỏ, và phun thuốc trừ dày. Ấy vậy mà rau tại đây luôn xanh tốt mơn mởn chẳng cần phân gio. Bí quyết là ở nguồn nước tưới cung cấp cho cả cánh đồng rau được dẫn từ đầm nước tù, chứa nước thải. Với một con kênh nhỏ dẫn nước vào ruộng rau luôn có một màu xanh lục, dưới đáy là những mảng kết tủa trắng, trở thành nguồn nước tưới chủ yếu cho những ruộng rau này.
Chưa ai biết rõ nguồn nước tưới này có đảm bảo an toàn hay không nhưng những mớ rau muống tươi xanh mơn mởn ngày ngày vẫn theo những gánh hàng ra chợ, mà ít người tiêu dùng nào biết được quy trình tạo ra những mớ rau đó. Còn với những người dân trồng rau tại đây, việc đấy không mấy quan trọng bởi họ đã có một khoanh đất nhỏ trồng rau riêng phục vụ cho gia đình mình.
Những luống rau trồng riêng cho gia đình được chở nước sạch ra tưới
Theo bà H (Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm) chia sẻ ”Hàng ngày trước khi đi làm các con bác chở 2 can nước sạch ra ruộng để sẵn, bác chỉ ra việc tưới, rau mình trồng ăn thì phải tưới nước này. Chứ xung quanh người ta trồng bán thì phải dùng nước thải chứ ai mà xách được như bác”. Cũng theo bà H thì phần lớn các hộ trồng rau bán đều sử dụng nguồn nước ô nhiễm để tưới và kể cả rửa cho những luống rau của mình trước khi xuất ra các chợ đầu mối ở Hà Nội.
Báo cáo kết quả giám sát tối cao của Quốc hội về chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2016” đánh giá: Tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng. Việc kiểm soát ATTP với các mặt hàng rau củ quả, thịt, giết mổ gia súc gia cầm vẫn còn yếu, hàng thực phẩm nhập lậu khó kiểm soát, trong khi hoạt động thanh tra, kiểm tra còn thụ động, xử lý vi phạm chưa kiên quyết... “Trong giai đoạn giám sát, toàn quốc đã ghi nhận 1.007 vụ ngộ độc thực phẩm với 30.395 người mắc, 25.617 người nhập viện và 164 người chết. Kết quả kiểm tra rau, quả tươi sống giai đoạn 2011 -2016 cho thấy, tỷ lệ tồn dư hóa chất vượt ngưỡng cho phép là hơn 8,4%; kiểm tra đối với hơn 54.750 lượt hộ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã phát hiện hơn 9.000 hộ vi phạm. Báo cáo giám sát cũng đề cập đến nguyên nhân hạn chế trong công tác ATTP do “nhận thức của người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm còn hạn chế”. Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: “Người nông dân trồng riêng một luống rau để ăn, một luống để bán, như vậy không phải là nhận thức mà là cố ý vi phạm” . Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt câu hỏi: “Tại sao người dân lại trồng “rau hai luống”, nuôi “lợn hai chuồng” và cho rằng, đó là do tuyên truyền giáo dục pháp luật chưa tốt, xử phạt chưa nghiêm nên người dân vẫn cố tình vi phạm. |