THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:28

Về một quy định “ông uống bà khen”

Điều đặc biệt thứ hai là công dụng của cá ngựa với sức khỏe con người. Đến những vùng biển miền Trung như Nha Trang, Bình Định, một trong những đặc sản địa phương chính là cá ngựa. Du khách được rỉ tai về tác dụng thần kỳ của cá ngựa với “nội lực” đàn ông, mà nếu đúng như quảng cáo thì như thể hàng triệu “viên Viagra” đang bơi trong nước biển. Giống như viên thuốc màu xanh nổi tiếng kia, công dụng của loại Viagra “tự nhiên” này cũng được nói vui là “ông uống bà khen”.

Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1-1-2016, lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hường chế độ thai sản từ 5-14 ngày. Ảnh: THANH TAO

Điều gì sắp sửa khiến “một người khỏe hai người vui”?

Bắt đầu từ năm 2016, Việt Nam lần đầu tiên đưa một quy định mang lại giá trị bổ dưỡng sức khỏe sinh sản tựa như cá ngựa. Ấy là việc “mở rộng chế độ thai sản” cho phép Lao động nam được nghỉ khi vợ sinh con, một trong những thay đổi quan trọng của Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Theo đó, chồng được nghỉ 5 ngày làm việc trong trường hợp vợ sinh thường, 7 ngày khi vợ sinh phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi. Nếu vợ sinh đôi thì chồng được nghỉ 10 ngày; từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc. Nếu vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì chồng được nghỉ 14 ngày. Nếu chỉ có người chồng tham gia bảo hiểm xã hội thì khi vợ sinh con vẫn được nhận trợ cấp một lần bằng hai tháng tiền lương cơ sở.

Mặc dù việc “nghỉ thai sản của người cha” (Paternity leave) không phải là một khái niệm lạ lẫm trên thế giới, đây chắc chắn là một quy định rất mới đối với Việt Nam và sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều vấn đề trong môi trường lao động đang ngày càng hội nhập hơn.

Thực ra, quy định cho phép đàn ông nghỉ làm khi có con xuất phát cả từ đặc điểm văn hóa của môi trường lao động trên thế giới. Đa số các cặp vợ chồng trẻ ở phương Tây, thậm chí là những nước tiên tiến ở châu Á, sống tương đối độc lập và việc có con trẻ trong nhà chắc chắn sẽ là một gánh nặng tác động tới cuộc sống nói chung và công việc nói riêng. Khoảng thời gian sau sinh thì sự có mặt của người chồng bên cạnh là vô cùng cần thiết.

Truyền thống quý báu xưa nay ở Việt Nam là mỗi khi có một đứa trẻ ra đời, gia đình hai bên thường sẽ chung tay xúm vào đỡ đần trong giai đoạn sơ sinh khó khăn nhất, khi người mẹ còn đau đớn và mệt mỏi sau chuyến “vượt cạn một mình”, người cha phải gánh vác hầu hết những lo toan trong nhà. Tuy nhiên, hoàn cảnh lao động và sinh hoạt đã biến đổi rất nhiều so với trước kia. Nhịp sống nhanh hơn, thời gian lệch pha nhiều hơn, và vì thế cái cảnh một đứa bé vừa ra đời nhận được cùng lúc hai mươi tiếng cười là rất hiếm. Không dễ để huy động người thân ở khác quận, huyện, thậm chí khác tỉnh, thành phố đến hỗ trợ cho gia đình đứa trẻ.

Khi chưa có quy định mới về việc nghỉ thai sản của đàn ông, nếu muốn dành thời gian chăm sóc vợ con, người lao động nam sẽ phải xin nghỉ trừ vào ngày phép trong năm. Tất nhiên, thời gian “chính tắc” đó thường không đủ, ngay cả khi gia đình nhỏ của anh ta có “bà nội”, “bà ngoại” đỡ đần, hay đủ điều kiện thuê “ô-sin” giúp việc.

Không hiếm cảnh lang thang ở siêu thị mua bỉm trong giờ làm việc là một anh chàng diện com lê chỉn chu, song cổ áo sơ mi lại thắt yếm dãi thay vì cà vạt (vì sáng đi vội cầm nhầm). Hoặc chính anh ta ngáp ngắn ngáp dài trong cuộc họp cơ quan, mắt quầng thâm thiếu ngủ do nhóc con khóc “dạ đề” cả đêm hôm trước.

Trong hoàn cảnh đó, đúng là không còn gì bằng việc khung pháp lý mở ra cơ hội kéo dài khoảng thời gian “đi biển có đôi” cho cả nam và nữ.

“Khi đàn ông có bầu”,  chủ doanh nghiệp có đau đầu?

Cần nói thêm, không phải nước nào cũng cho phép đàn ông nghỉ thai sản bằng một văn bản luật. Ngay cả Mỹ, nơi tổ chức công đoàn rất mạnh, không phải tất cả các bang đều pháp điển hóa chế độ này. Nhiều khi, các công ty còn cạnh tranh nhau để thu hút nhân sự bằng những “gói” lương bổng bao gồm ngày nghỉ, trong đó có nghỉ thai sản cho cả lao động nữ và lao động nam, có trả lương toàn phần hoặc một phần.

Một khi người lao động hưởng chế độ làm việc cân bằng với nhu cầu đời sống, người ta sẽ có năng lượng và động lực tốt hơn để cống hiến. Hiển nhiên là họ sẽ biết “tri ân” những ai tạo điều kiện cho mình trong những sự kiện vất vả song lại quý giá mà có lẽ phổ biến chỉ xảy ra độ hai ba lần trong đời người, xét ở mặt bằng cuộc sống hiện đại ngày nay.

Hiệu suất làm việc có thể tăng lên từ yếu tố tâm lý đó, tỷ lệ thuận với mức độ trung thành của người lao động.
Nhưng cái gì cũng có hai mặt. Khi tăng ngày nghỉ hợp pháp hợp lệ, doanh nghiệp sẽ gánh thêm chi phí. Không chỉ là tiền lương phải trả cho số ngày phép, vốn đã không hề nhỏ ở những doanh nghiệp lớn, chi phí còn nằm ở khoảng thời gian trống và công việc đang xử lý của người lao động đó để lại.

Dường như lường trước điều này, luật mới đã đưa ra lựa chọn linh hoạt khi cho phép thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản được tính trong 30 ngày đầu kể từ khi vợ sinh con. Tức là ông chồng có thể chọn khoảng nghỉ “chăm vợ chăm con” này ngay sau khi trẻ sinh ra, hoặc có thể chuyển số ngày nghỉ ấy vào một hay hai tuần sau đó trong trường hợp công việc không thể dứt ra ngay hoặc chưa có người thay thế.

Có thể nói, quy định tưởng chừng khá riêng tư này gắn liền với một thời đại mới của phương thức sản xuất công nghiệp, thậm chí còn phản ánh một đặc điểm chín muồi của quá trình hình thành giai cấp trung lưu, lực lượng nền tảng xã hội tương lai. Một tương lai mà ngoài việc sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn về mặt sản phẩm, doanh nghiệp còn phải năng động và sáng tạo hơn trong điều hành, khi những tiêu chuẩn mới xác lập cùng với TPP, RCEP hay Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ cộng thêm các chi phí mới vào hoạt động kinh doanh.

Bảo Bảo/thesaigontimes.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh