THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:55

Vào nơi không có điện lưới quốc gia

 

Bản 3 và bản 9 là hai bản nằm giáp nhau xa nhất của xã, cũng là hai bản duy nhất thuộc xã Long Khánh đến bây giờ vẫn chưa có điện lưới quốc gia để sử dụng, cuộc sống của người dân trong xã vẫn còn nhều khó khăn.

Cuộc sống khó khăn vì không có điện.

Từ trung tâm xã với sự chỉ đường của người dân địa phương, chúng tôi đi theo con đường cấp phối dài chừng 9km để vào tới bản 3 và bản 9, con đường  cũng không phải là khó đi và cũng không phải là quá xa, nhưng không hiểu tại sao mấy năm nay dù các thôn bản khác trên địa bàn xã đã có điện từ rất lâu, mà 2 bản nói trên tới bây giờ vẫn chưa có điện?

Đến đầu bản nhìn thấy rất nhiều hộ gia thắp bóng điện sáng cả ngày lẫn đêm, qua hỏi chuyện mới biết người dân ở đây vẫn chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Còn những bóng điện đang thắp sáng kia là người dân họ dùng máy điện nước để thắp sáng.

Đi theo tuyến đường nói bản 3 và bản 9 ai cũng bắt gặp hình ảnh những chiếc máy điện nước này

Chị Hoàng Thị Tám, 32 tuổi người dân bản 3 xã Long Khánh cho biết: “đường thì dễ đi rồi bản cũng không cách xa trung tâm xã là mấy nhưng người dân 2 bản chúng tôi vẫn không được kéo đường dây điện, người dân chúng tôi đã khổ nay còn khổ hơn. Nhiều nhà có máy điện nước mua nên  tivi về  xem nhưng cũng chỉ được một thời gian thì lại bỏ không vì nguồn điện quá yếu xem chập chờn lúc được lúc không.”

Qua tìm hiểu nông dân bản 3 có khoảng 90 hộ dân chủ yếu là người dân tộc Tày, còn bản 9 có khoảng 40 hộ dân là người dân tộc Dao. Người dân ở đây quanh năm làm nghề nông, nguồn lương thực làm ra chỉ đủ ăn.

Chị Tám cho biết thêm, đợt mưa lũ lịch sử năm 2008 đã cuốn trôi và vùi lấp toàn bộ ruộng lúa của bà con, chúng tôi mất trắng hoàn toàn, nhiều nhà dân cũng bị sạt lở. Cũng chỉ vì không có điện nên không thể xem được dự báo thời tiết, đến khi lũ ập đến thì chúng tôi chỉ biết đứng nhìn tài sản bị lũ cuốn đi.

Còn chị Nguyễn Thị Thuyền 33 tuổi chia sẻ: “Năm nay tôi làm nhà, sử dụng máy bào và máy cắt nhưng không có điện để dùng nên tôi phải dùng máy nổ để phát điện,dân 2 bản chúng tôi chủ yếu dùng máy điện nước nguồn điện không đủ, thậm chí có nhà bây giờ vẫn thắp đèn dầu, mỗi khi có đám cưới xin cũng phải dùng máy nổ, không có điện nó khổ thế đấy”

Năm 2015, toàn xã Long Khánh mới bắt đầu có sóng điện thoại của nhà mạng Vinaphone, còn trước kia người dân mua điện thoại về chỉ để ngắm, những nhà nào có điều kiện thì mua điện thoại đắt tiền về dung để nghe nhạc.

Đường dây điện được mắc thấp tiềm ẩn nhiều nguy hiểm

Ông Lý Văn Trưởng, 56 tuổi, người dân bản 9 bức xúc: "Nhiều thôn bản trong xã có điện rồi mà đến giờ chúng tôi vẫn chưa có, chúng tôi có họp dân làm đơn lên xã, nhưng tới giờ vẫn chưa có thông tin trả lời từ xã, trong đợt tiếp xúc cử tri vừa rồi chúng tôi cũng có ý kiến với lãnh đạo nhưng cũng chỉ nói cho có”

“Nhà em không có máy điện nước như các nhà khác, hàng ngày đi chăn trâu em phải mang sách vở theo để học bài, vì tối tháp bằng đèn dầu ánh sáng không đủ để học và cũng phải tiết kiệm dầu, tuy không có cuộc sống khó khăn đặc biệt là vì không có điện, nhưng em sẽ không bỏ học” em Trương Thị Tâm,học sinh lớp 6 Trường THCS số 2 Long Khánh chia sẻ.

Đã khổ nay còn khổ hơn

Năm 2015, xã có quyết định xuống vùng 1 (PV - xã thuộc vùng dân tộc miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển) khiến cuộc sống vốn dĩ của người dân đã khó khăn nay lại còn khó khăn hơn.

Bà Hoàng Thị Mậu, 46 tuổi cho biết, từ khi xuống vùng một tiền học phí học tập của con cái không được miễn giảm nữa, tất cả đều phải nộp hết, phí các khoản địa phương đều tăng lên, có nhà vì nghèo đói còn một bao gạo nhưng vẫn phải nhắm mắt bán đi để lấy tiền nộp.

Nông sản người dân làm ra không bán được giá như người thị trường vì chất lượng không được tốt, đường xá đi lại không thuận tiện. Nếu bán thì người dân phải chịu lỗ nhiều.

Đường xá đi lại khó khăn

“Trước kia chúng tôi được nhà nước cấp phát miễn phí bảo hiểm cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, khi lên vùng một thì tất cả đều bị cắt và người dân phải tự đóng hết. Mỗi khi thăm khám tại bệnh viện vì không có tiền mua bảo hiểm  nên chúng tôi phải bảo ra một số tiền không nhỏ để mua thuốc” bà Mậu chia sẻ thêm.

Ông Lý Văn Trưởng bức xúc nói: “Người dân đã nhiều lần phản ánh chính sách không đúng của xã, có họp thôn bản nhưng tới nay vẫn vậy, nếu kinh tế của chúng tôi phát triển, có điện, có sóng điện thoại, đường xá đi lại thuật tiện thì xuống vùng 1 chúng tôi cũng thấy vui vì cuộc sống của người dân ngày càng phát triển. Nhưng những thứ đó đối với chúng tôi không biết khi nào mới có thì chúng tôi không thể xuống vùng một được.”

Trong khi người dân vẫn còn nghèo, vẫn không có điện lưới quốc gia để sử dụng, đường xá đi lại ngày càng xuống cấp, trồng lúa thì mất mùa, thường xuyên  bị các cơn bão lũ đe dọa, không hiểu sao lãnh đạo xã Long Khánh lại quyết định cho xã xuống vùng một?

HOÀNG ĐÌNH TƯỞNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh