THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:20

Vang vọng 990 năm xứ Thanh “Tỏa sáng cùng non sông đất nước”

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa tối 8/5

 

Chiêm ngưỡng các di tích văn hóa xứ Thanh trên sân khấu 

20h tối 8/5, mặc dù mưa bay khá nặng hạt, nhưng không ngăn cản người dân xứ Thanh nô nức đổ về tại quảng trường Lam Sơn, TP Thanh Hóa để trực tiếp đón xem chương trình nghệ thuật quy mô, với 500 diễn viên tham gia biểu diễn. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã dự lễ kỷ niệm 990 năm xuất hiện danh xưng Thanh Hóa.

Buổi lễ được mở đầu bằng màn trình diễn trống hội và pháo hoa kỹ xảo sân khấu. Tiếng trống đồng ngân vang, “chuyện kể trống thần” đã được tái hiện, tạo điểm nhấn đặc sắc về văn hóa xứ Thanh vừa riêng biệt vừa có tính đại diện cho dân tộc.

Trong diễn văn khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến, nêu bật ý nghĩa của 990 năm Thanh Hóa. Bằng những cứ liệu lịch sử khách quan, khoa học đã được kiểm chứng, đến nay chúng ta có thể yên tâm khẳng định: Vào thời Lý Thái Tông, năm Thiên Thành thứ 2 (1029), vùng đất Ái Châu này đã chính thức được mang tên Thanh Hóa.

Bộ trưởng Lao động- TB&XH Đào Ngọc Dung (giữa) cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương dự và chung vui với người dân xứ Thanh


Lễ Kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa (1029 - 2019) không chỉ nhằm khẳng định một dấu mốc quan trọng trong lịch sử xây dựng và phát triển của quê hương Thanh Hóa anh hùng, mà còn là dịp để người dân ôn lại truyền thống vẻ vang và những đóng góp của nhân dân Thanh Hóa trong lịch sử hào hùng của dân tộc.

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa là một sự kiện quan trọng góp phần làm sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, giá trị đặc biệt của tỉnh Thanh Hóa. Thanh Hóa là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, “địa linh, nhân kiệt” và khoa bảng.

Từ chủ đề “Tỏa sáng cùng non sông đất nước”, tác giả kịch bản- Tổng đạo diễn Lê Quý Dương phát triển chương trình trên ba chương: Địa linh nhân kiệt - Truyền thống anh hùng - Khát vọng thịnh vượng với 9 trường đoạn liên tục, liền mạch. Với trên 500 nghệ sĩ, diễn viên góp mặt trong Lễ “Kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa” đã đem đến một chương trình nghệ thuật hoành tráng, tái hiện mảnh đất địa linh nhân kiệt xứ Thanh.

Toàn bộ chương trình được biểu tượng hóa thành câu chuyện kể của Thần Đồng Cổ trên sân khấu Quảng trường Lam Sơn. 

Một trong những tiết mục nghệ thuật đặc sắc của chương trình


Từ mặt trống đồng trung tâm mở ra hai phía sân khấu là các di tích văn hóa lịch sử xưa và các công trình hiện đại hôm nay như đền Đồng Cổ, Thành Nhà Hồ, Tượng đài Lê Lợi (bên trái), mô hình biểu tượng của tỉnh Thanh Hóa, cầu Hàm Rồng và các khu công nghiệp hiện đại (bên phải). Bao quanh sân khấu là 27 cột đuốc tượng trưng cho 27 đơn vị hành chính của Thanh Hóa.

Chương trình được dàn dựng kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật trong sự gắn kết chặt chẽ giữa truyền thống và hiện đại với mong muốn tạo tính hấp dẫn, đa dạng với nhiều yếu tố bất ngờ, hướng tới phục vụ đông đảo các tầng lớp khán giả. Đặc biệt, hơn 2.970 ống pháo hoa kỹ xảo sân khấu được chia thành ba lần trong chương trình, mỗi lần 990 ống tượng trưng cho “Lễ Kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa” sẽ tạo điểm nhấn tỏa sáng rực rỡ cho chủ đề của chương trình.

Toàn bộ chương trình được biểu tượng hóa thành câu chuyện kể của Thần Đồng Cổ. Một mặt trống đồng lớn đường kính 15m được thiết kế giữa trung tâm sân khấu. Từ mặt trống đồng trung tâm mở ra hai phía là các di tích văn hóa lịch sử xưa và các công trình hiện đại hôm nay như đền Đồng Cổ, Thành Nhà Hồ, Tượng đài Lê Lợi (bên trái), mô hình biểu tượng của tỉnh, cầu Hàm Rồng và các khu công nghiệp hiện đại (bên phải). Bao quanh sân khấu là 27 cột đuốc sừng sững tượng trưng cho 27 đơn vị hành chính của Thanh Hóa. 

Các nghệ sĩ thể hiện nghệ thuật gần ngàn tuổi

Chương trình huy động một lực lượng nghệ sĩ, diễn viên hùng hậu với hơn 500 người, trong đó có nhiều nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam tham gia sáng tạo và biểu diễn trong chương trình như: NSND Hương Thơm, NSUT Mạnh Tiến, NSND Trương Hải Thọ, Nhạc sĩ NSƯT Thế Việt, NSND Trần Bình, họa sĩ Phạm Duy Phương; NSƯT Trọng Tấn, NSƯT Anh Thơ…

 

NSƯT Mạnh Tiến - Giám đốc âm nhạc của chương trình 990 năm Thanh Hoá cho hay: “Thanh Hoá - mảnh đất Tam Vua Nhị Chúa có bề dày lịch sử chỉ sau Thăng Long, điều này khiến cho tất cả ekip chúng tôi đều rất tâm huyết, trăn trở là phải làm sao thể hiện đúng, đủ và đẹp về miền đất địa linh nhân kiệt này|.

990 năm là sự tổng hoà, giao thoa, đan xen, tiếp nối các giai đoạn lịch sử, các nét văn hoá đặc sắc giữa truyền thống và hiện tại. NSUT Tiến Mạnh và các nghệ sĩ khác cùng vận dụng những nét văn hoá nghệ thuật đặc trưng của  trống hội, tuồng cổ, hò sông Mã, chèo truyền thống, trống đồng, ngâm vịnh, đồng dao, các thể văn tế đến các ca khúc cách mạng và trữ tình...

Ca sĩ Trọng Tấn đã từng tham gia nhiều chương trình lễ lớn của đất nước, những chương trình dấu ấn lịch sử như “1000 năm Thăng Long” “Lễ Hội Đền Hùng” “Lễ Hội Tràng An”...... Nhưng lần này, ca sĩ cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì được hát trong chương trình. “Một chặng đường lịch sử gần ngàn năm và một vùng đất đầy tiềm năng cho một tương lai phát triển mạnh mẽ. Tấn không bị áp lực mà chỉ thấy vô cùng tự hào và háo hức được trở về với quê hương trong dịp ý nghĩa này” - Trọng Tấn tâm sự. 

Mặc dù mưa khá nặng hạt, nhưng người dân xứ Thanh đổ về Quảng trường rất đông để đón xem chương trình 

Ông Phạm Đăng Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, chương trình kỷ niệm “990 năm Thanh Hóa” được tổ chức quy mô hoành tráng nhưng trên tinh thần không lãng phí, hết sức tiết kiệm và kinh phí chủ yếu được xã hội hóa, không dùng ngân sách chi cho việc này.

Chương trình nghệ thuật 990 năm Thanh Hóa nhận được rất nhiều lời khen ngợi. Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến cho hay, tôi đi rất nhiều Festival, nhưng thấy Festival lễ hội Thanh Hóa 990 năm làm rất hay ra được cái hồn vì ở đây có điểm nhấn.

“Điểm nhấn là ở trên Lam Sơn, Nguyễn Trãi đọc bình ngô đại cáo.... những thần tính, di chứng thần đồng cổ... để toát lên được cái hồn của lễ hội là không dễ dàng với rất nhiều đạo diễn. Có một cái hay nữa là lễ hội này không lạm dụng quá nhiều ca khúc, trong khi tất cả các lễ hội phần lớn là lạm dụng ca khúc và các gương mặt ngôi sao, thì ở lễ hội Thanh Hóa này không cần nhiều. Những ai có mặt ở quảng trường Lam Sơn xem trực tiếp và xem trên truyền hình cũng sẽ cảm nhận cái hồn của chương trình, do đó tôi thấy rất nể trọng khả năng đạo diễn của đạo diễn Lê Quý Dương”, ông Tiến đánh giá.

Khép lại chương trình nghệ thuật là màn bắn pháo hoa rực rỡ, lung linh sắc màu chào mừng đại lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa, trong sự hân hoan của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà xứ Thanh, với quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hiện thực hoá “khát vọng thịnh vượng”, mãi mãi “Tỏa sáng cùng non sông đất nước”. 

Mặc dù mưa khá nặng hạt, vẫn không cản được người dân Thanh Hóa vòng trong vòng ngoài đến xem chương trình Lễ hội mừng 990 năm danh xưng Thanh Hóa 

 

Những tiết mục nghệ thuật đặc sắc của buổi lễ

 

Chương trình quy mô, hấp dẫn người xem


Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh