Vắng mặt bom tấn Hollywood cạnh tranh suất chiếu, phim Việt ở rạp đang có nhiều cơ hội
- Bác sĩ
- 15:10 - 06/06/2020
Sau khi thiết lập trạng thái bình thường mới từ đầu tháng 5, các rạp chiếu phim cũng đã mở cửa trở lại. Nhiều bộ phim mới cũng đã được ra rạp. Các ngành nghề liên quan đến phim ảnh, rạp chiếu cũng dần lấy lại nhịp độ, với hy vọng kinh tế sẽ mau chóng cải thiện. Tuy nhiên, tình hình ở rạp hiện nay khác với mấy tháng trước đây, về số lượng lẫn chất lượng. Mỗi tuần đầu phim mới ra rạp đang tăng dần lên nhưng về trung bình thì vẫn ít hơn thời trước dịch. Một tuần nhiều nhất chỉ có khoản 5 phim mới. Nhưng không có một bom tấn ăn khách nào từ Hollywood, đa số đều là các phim độc lập, phim từ các studio nhỏ, phim cũ chiếu lại và rất ít phim Việt Nam.
Phim mới ra đều đều nhưng phim chất lượng hiếm như mò kim đáy bể
Việc không có bom tấn của Hollywood, những bộ phim dễ dàng tạo ra doanh thu vài chục tỷ đồng ở rạp cũng góp phần ảnh hưởng đến doanh thu chung của ngành điện ảnh. Nếu như có một bom tấn cỡ Avengers xuất hiện ở rạp, doanh thu trên trăm tỷ là chuyện chắc chắn. Có khoảng 5 bom tấn thôi, ít nhất doanh thu cũng phải lên đến 300~400 tỷ. Đó là chưa tính những phim nhỏ khác, và phim Việt. Còn hiện tại, doanh thu tổng trung bình mỗi tuần của các phim cộng lại trên dưới 10 tỷ đồng, một sự chênh lệch rất lớn. Việc này kéo theo sự đình trệ kinh tế khá nặng nề từ các công ty mua bán phim đến các rạp chiếu.
Chỉ cần một vài bom tấn như Avatar hay Avengers ra rạp là tình hình doanh thu sẽ khởi sắc
Sở thích xem phim của người Việt vẫn đang thiên về các dòng phim giải trí, nội dung đơn giản nhưng hình thức phải xịn sò. Phải nói rằng gần như Việt Nam chỉ mua bản quyền và chiếu toàn những bộ phim chất lượng, không nội dung thì cũng hình thức. Chính điều đó tạo nên sự đòi hỏi cao về một bộ phim nói chung. Và khi không có những bom tấn được trông chờ, thì sự háo hức ra rạp chắc chắn sẽ giảm lại.
Với những bộ phim quy mô vừa và nhỏ đang chiếu ở thời điểm hiện tại chỉ có thể thu hút những người tìm đến rạp phim để giải trí chứ không thực sự xem phim. Hoặc những người quá nghiện không gian rạp nên mỗi tuần sẽ cố gắng ra rạp một, hai lần. Còn số đông, số đại chúng nhất, cần xem phim thì sẽ lười hơn. Chưa kể còn bởi những nền tảng xem phim tại nhà đã nhanh chóng đưa ra nhiều chính sách, chiến lược trong thời gian nghỉ dịch để thu hút người dùng nên đây chính là một “đối thủ” đáng gờm với rạp phim trong tương lai. Một số bộ phim hoành tráng vừa ra rạp hồi tháng 3 như Bloodshot, Invisible Man… đã phải ngừng chiếu vì dịch cũng được các studio tranh thủ bán cho các ứng dụng xem phim.
Một vài bộ phim không quá đình đám đang chiếu ngoài rạp
Cơ hội cho phim Việt tấn công
Trong bối cảnh nghe hơi u ám đó vẫn có điểm sáng đáng kỳ vọng: sự trỗi dậy của phim nội địa. Như đã nói ở trên, chính sở thích của số đông là một rào cản cho doanh thu các bộ phim Việt Nam, nhất là khi nền điện ảnh nước nhà chưa được đa dạng về thể loại. Trong số 10 phim Việt ra mắt, chỉ có khoảng 1 phim được 100 tỷ, khoảng 3 phim có thể thu hồi vốn hoặc lãi ít (khoảng 30~50 tỷ), còn lại 6 phim sẽ lỗ sặc máu. Ngoài lý do chất lượng thì việc các suất chiếu, sự phổ biến, độ ưu tiên bị ảnh hưởng bởi bom tấn ngoại quốc cũng là nguyên do rất lớn. Với nhiều phim bom tấn từ Hollywood, có khi các rạp chẳng cần xem chiếu thử, họ vẫn sẵn sàng xếp rất nhiều suất chiếu trong ngày, vì chắc chắn sẽ bán được nhiều vé. Thế nên một phim Việt dù có chất lượng khá tốt mà ra rạp cùng thời điểm, chắc chắn cũng sẽ lép vế.
100 Ngày Bên Em là bộ phim tiêu biểu cho việc chất lượng tốt nhưng vẫn bị khán giả nội địa "ghẻ lạnh" vì trót phát hành cùng thời điểm với bom tấn ngoại nhập
Đó là lý do mà giai đoạn này, khi trạng thái bình thường mới đang rất trơn tru, lượng người ra rạp đang tăng dần lại theo thói quen mà lại không có bom tấn xuất hiện, phim Việt có nhiều đất để dụng võ hơn. Đã có những phim Việt đáng chú ý công bố ngày khởi chiếu như Bằng Chứng Vô Hình (tháng 7), Tiệc Trăng Máu (tháng 8), Tà Năng Phan Dũng (tháng 10), Chị Mười Ba 2 (tháng 12)... và nhiều người đang kỳ vọng vào những cú nổ doanh thu mới. Đây là những bộ phim dù chưa xem nhưng ta có thể đoán biết được chất lượng sẽ ở khung nào, ít nhất, chúng đều là những bộ phim được thực hiện đàng hoàng, không tát nước theo mưa. Không những thế, các bộ phim này còn đa thể loại, nếu không rơi vào một năm đáng buồn như năm nay, có thể phim Việt đã có một năm đáng nhớ.
“Thượng vàng hạ cám”, tỉnh táo và đừng mất niềm tin!
Nói tới bến thì cũng phải rào lại một chút, phim Việt đang dễ “sống” hơn không có nghĩa là phim Việt nào cũng sẽ dễ có doanh thu. Chắc chắn với điểm rơi như thế này, nhiều phim Việt “thượng vàng hạ cám” sẽ xuất hiện ngoài rạp. Không chỉ phim hay, mà sẽ có những phim tồn kho, hoặc thậm chí là những phim vốn không phải được sản xuất dưới định dạng của điện ảnh.
Bởi vì đối với góc nhìn kinh doanh, đây là thời điểm vàng để các “nhà bán hàng” tích cực đẩy sản phẩm mình ra thị trường nhiều nhất có thể. Và chính những bộ phim tệ hại này sẽ trở thành một mối nguy hại cho thị trường. Lòng tin của khán giả sẽ lại mất đi, các phim chất lượng khác sẽ bị nghi ngờ và dè chừng.
Tôi Là Não Cá Vàng là phim Việt hiện đang chiếu ngoài rạp, chất lượng ra sao, mời khán giả kiểm chứng sẽ rõ!
Thế nên, bên cạnh việc chúng ta ra rạp xem phim, thì hãy tỉnh táo hơn trong việc nhận định. Không phải toàn bộ phim Việt được làm ra bởi cùng một đạo diễn, một nhà sản xuất, một công ty. Có phim hay thì phải có phim dở. Không chỉ trong nước, mà cả phim ngoại cũng như thế. Không nên vì lỡ xem phải một bộ phim Việt dở tệ mà ta nghĩ rằng toàn bộ phim Việt đều dở tệ. Các nhà phát hành, các rạp chiếu rất biết ơn nếu khán giả ra rạp nhiều hơn và làm tăng doanh thu cho ngành trong thời gian tới. Còn việc lựa chọn phim để xem, hoàn toàn nằm ở chúng ta.