Vận tải hàng không, đường sắt tăng trưởng "ấn tượng" trong dịp Tết
- Y học 360
- 19:25 - 02/02/2023
10 triệu lượt khách hàng bay trong tháng 1
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, tổng hành khách trong tháng 1/2023 đạt khoảng 10 triệu khách, tăng 149,3% so với cùng kỳ năm 2022 do đây là giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Quý Mão.
Trong đó, khách quốc tế ước đạt 2,4 triệu khách, nội địa ước đạt 7,6 triệu khách. Hàng hóa bưu kiện đạt 99 nghìn tấn, giảm 30,5% so với năm 2022 (trong đó: vận tải hàng hóa bưu kiện quốc tế giảm 39,8% so với cùng kỳ 2022, hàng hóa bưu kiện trong nước tăng 5,1% so với cùng kỳ 2022).
Tính riêng đợt cao điểm Tết Nguyên đán Quý Mão (15 tháng chạp đến mùng 5 Tết), sản lượng khai thác với tổng lượng hạ cất cánh đạt 45.735 lượt chuyến; hành khách đạt 6.591.794 khách (khách quốc tế: 1.556.071 khách, khách quốc nội: 5.035.723 khách). Hàng hóa bưu kiện đạt 62.216 tấn.
Trong dịp Tết Nguyên đán 2023, các hãng hàng không trong nước tăng rất nhiều chuyến để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là tại các cảng hàng không lớn như Tân Sơn Nhất và Nội Bài có số lượng chuyến bay được tăng cường xuyên đêm, trải đều từ sáng đến tối nên cũng góp phần giảm áp lực cho nhà ga vào ban ngày.
Vì vậy, sản lượng vận chuyển giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán năm 2023 ghi dấu ấn tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ và so với trước dịch, đặc biệt trong những ngày 25 tháng chạp và mùng 2-5/1 âm lịch, lượng khách nội địa liên tục tăng 35-60% so với thường lệ.
Cụ thể, tại sân bay Tân Sơn Nhất, mùa tết năm nay liên tục ghi nhận kỷ lục theo từng ngày. Trong đó, các ngày 26/1 (mùng 5 Tết), khách qua sân bay đạt gần 145 nghìn khách; đặc biệt trong ngày 27/1 (mùng 6 Tết) có 916 chuyến bay với 149 nghìn khách; ngày 29/1 (mùng 8 Tết), sân bay có 919 chuyến bay cất hạ cánh với khoảng 142 nghìn khách qua sân bay. Tại sân bay Nội Bài, số khách các ngày 26, 27, 29/1 tương ứng là 92, 94 và 88 nghìn khách.
Tương tự, trong các ngày cao điểm dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã có hàng nghìn chuyến bay với gần 900.000 lượt khách lưu thông qua sân bay lớn nhất miền Bắc này. Theo thống kê của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, tính từ ngày 28 tháng Chạp năm Nhâm Dần (19/1) đến mồng 8 tháng Giêng năm Quý Mão (29/1), sản lượng cất hạ cánh tại sân bay Nội Bài đạt 5.618 lượt chuyến (tăng 49% so với cùng kỳ Tết nguyên đán Nhâm Dần). Trong đó, 1.789 lượt chuyến bay quốc tế, 3.829 lượt chuyến bay quốc nội.
Sản lượng hành khách tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đạt gần 900.000 lượt khách (tăng 71% so với cùng kỳ Tết nguyên đán Nhâm Dần), trong đó có 246.000 lượt khách quốc tế, 654.000 lượt khách quốc nội (tăng 26,5% so với cùng kỳ).
Trong dịp phục vụ trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, ngày cao nhất đến thời điểm hiện tại, sản lượng cất hạ cánh đạt 550 lượt chuyến (ngày 18/1, tức 27 tháng Chạp năm Nhâm Dần với 181 lượt chuyến bay quốc tế và 369 lượt chuyến bay quốc nội); sản lượng hành khách ngày cao nhất đạt 95.000 lượt khách (ngày 29/1 tức mùng 8 Tết với 27.400 lượt khách quốc tế, gần 67.700 lượt khách quốc nội).
Vận tải đường sắt tăng manh nhất
Thống kê của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, vận tải hành khách tháng 1 ước đạt 341,7 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 11,9% so với tháng trước và tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 29,4%); luân chuyển đạt 19 tỷ lượt khách, tăng 16% so với tháng trước và tăng 71,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 28,7%).
Trong đó, vận tải trong nước ước đạt 340,6 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm trước và 15,3 tỷ lượt khách.km luân chuyển, tăng 40,8%. Còn vận tải ngoài nước ước đạt 1,1 triệu lượt khách vận chuyển, tăng trưởng mạnh mẽ 22,4 lần và 3,7 tỷ lượt khách luân chuyển, gấp 19,8 lần cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành vận tải, tất cả các ngành trong tháng 1 đều tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, vận chuyển ngành đường sắt ghi nhận mức tăng mạnh nhất, tăng gần 274%, tiếp đến là hàng không tăng hơn 140%, đường biển tăng hơn 58%, đường thủy tăng 37% và đường bộ tăng hơn 33% so với cùng kỳ năm 2022.
Sau 2 năm gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành đường sắt từng bước hồi phục với nhiều tín hiệu khả quan như: sản lượng, doanh thu vượt kế hoạch, kinh doanh vận tải có nhiều khởi sắc... Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, ngành đường sắt dồn lực phục vụ cao điểm Tết thông qua việc bổ sung ghế phụ những ngày cao điểm hoặc nối thêm xe, chạy thêm tàu... để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân bằng tàu hỏa tăng cao.
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, năm 2022, ngành đường sắt đã có lãi từ kinh doanh vận tải. Cụ thể, doanh thu 7.718,2 tỷ đồng, bằng 113,8% so với cùng kỳ và đạt 115,8% kế hoạch năm. Qua đó, giúp giảm lỗ 407 tỷ đồng so với năm 2021. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế vẫn -130,5 tỷ đồng. Vận chuyển hành khách của đường sắt năm 2022 đạt 4,52 triệu lượt hành khách lên tàu, bằng 310,7% cùng kỳ; vận chuyển hàng hóa đạt 5,7 triệu tấn, bằng 100,8% cùng kỳ. Tỷ lệ tàu đi đúng giờ đối với tàu khách Thống Nhất chạy tuyến Bắc-Nam đạt 98,9%; đến đúng giờ: 77,4%. Tàu khách khu đoạn, đi đúng giờ: 97,7% (tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2021); đến đúng giờ: 84,6% (tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2021).
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, năm 2023, Tổng công ty tiếp tục xác định mục tiêu số 1 là đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, lấy khách hàng làm trung tâm để tạo động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, điều chỉnh linh hoạt cơ cấu, quy mô tổ chức sản xuất, tiếp tục nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp và khai thác tối đa các nguồn lực, không ngừng cải thiện năng suất lao động.
"Mục tiêu phấn đấu năm 2023 của Tổng công ty là hoạt động sản xuất kinh doanh chính của Công ty mẹ bắt đầu có lãi; cố gắng thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu được giao, hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước; đảm bảo đủ việc làm, từng bước nâng cao đời sống vật chất cho người lao động", ông Mạnh nói.