THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:52

Vận tải đường sắt: Nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác

 

Công nghệ lạc hậu, đầu tư khiêm tốn
Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) đánh giá, hệ thống đường sắt Việt Nam đang tụt hậu và yếu kém. Sau hơn 130 năm phát triển, hiện đường sắt Việt Nam vẫn cơ bản là thế hệ công nghệ thứ 2 với hơn 3.100km đường đơn khổ 1m từ thời Pháp, đầu máy diezen tốc độ trung bình thấp, trong khi công nghệ đường sắt thế giới đang ở thế hệ thứ 4 với khổ ray đôi 1,435m, đệm từ trường, đầu máy điện tốc độ cao và chuẩn bị tiến sang thế hệ thứ 5.
Theo ông Thường, yếu kém của ngành đường sắt thể hiện bởi công nghệ điều hành thủ công, lạc hậu, mạng lưới thiếu kết nối, hầu như không kết nối với các đầu mối giao thông, cảng biển, sân bay, khu kinh tế. Năng lực kinh doanh yếu, tư duy bao cấp, chất lượng dịch vụ kém, doanh thu sản lượng và thị phần vận chuyển ngành đường sắt suy giảm nghiêm trọng.
Đại biểu Thường cho rằng, việc đường bộ "độc diễn" dẫn tới hàng loạt các vấn đề phát sinh như ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, xe quá khổ, quá tải, phá đường… ùn ứ bến xe mỗi dịp lễ, tết tại các đô thị lớn. Với địa hình đất nước trải dài Bắc - Nam, Việt Nam cần phải có đường sắt loại hình vận chuyển khối lớn, siêu trường, siêu trọng, an toàn, thân thiện môi trường để phát huy tối đa hiệu quả hệ thống giao thông vận tải thống nhất toàn quốc, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển đất nước.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng, đường sắt Việt Nam đang rất lạc hậu 
Nhận định về đầu tư vào ngành đường sắt, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế) cho rằng, đường sắt được đầu tư với một số vốn rất khiêm tốn. Máy móc, thiết bị, hệ thống đường, đặc biệt các đầu tàu đều lạc hậu.
Đồng quan điểm, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) cho rằng, đường sắt được xác định là loại hình giao thông an toàn nhất hiện nay, nhưng nghịch lý là kinh phí đầu tư cho giao thông đường sắt ít hơn nhiều so với các loại hình đường bộ, đường hàng không, đường thủy. Thực tế, hành khách lại chọn loại hình đường sắt thấp, chiếm 0,4% tổng số hành khách, khoảng 11 triệu người/năm. Vận chuyển hàng hóa rất thấp, chỉ có 0,7%. 
Sửa đổi Luật để tạo môi trường cho vận tải đường sắt phát triển
Theo các đại biểu Luật Đường sắt 2005 đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập và không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động, cần phải thay đổi như về chính sách phát triển, chính sách ưu đãi trong hoạt động kinh doanh đường sắt, công tác quản lý nhà nước đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do nhà nước đầu tư. Vì vậy, việc sửa đổi, xây dựng ban hành Luật đường sắt mới là hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật đường sắt 2005 phải đảm bảo được nội dung sẽ tốt hơn, chất lượng hơn; có thể ít điều hơn nhưng phải chi tiết hơn, minh bạch hơn, cụ thể hơn luật cũ, chứ không nên quay lại luật khung, luật ống. Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật đường sắt (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) cho rằng, do việc loại bỏ một số nội dung quy định tương đối cụ thể, chi tiết ở luật cũ, nhiều nội dung giao cho Chính phủ hoặc bộ, ngành ban hành nghị quyết, quyết định thông tư để cụ thể hóa… nên những quy định ở dự thảo luật mới không còn tính quy phạm pháp luật, thậm chí không có nội dung
.
Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn nhấn mạnh, xây dựng Luật đường sắt cần tránh tình trạng luật khung, luật ống
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cũng cho rằng, về đường sắt đô thị, cần quy định cụ thể các nội dung để đảm bảo cho việc quản lý và hoạt động của hai loại đường sắt này như quy định của đường sắt quốc gia; đề nghị xem xét và quy định cụ thể, chi tiết ngay trong luật để đảm bảo tính khả thi của luật và hạn chế việc giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
Về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), các đại biểu cho rằng cần phải bổ sung nhiều nội dung để đảm bảo tính khái quát của Luật. Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến đề nghị khái quát hóa các nội dung quản lý đường sắt thuộc phạm vi điều chỉnh của luật như quy hoạch đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt kinh doanh vận tải đường sắt, công nghiệp đường sắt, phương tiện đường sắt, đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, các nguyên tắc, chính sách quản lý phát triển đường sắt, công nghiệp đường sắt và bổ sung nội dung quản lý nhà nước về vận tải đường sắt.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Quốc hội Triệu Tuấn Hải (Lạng Sơn) cho rằng, nên bổ sung nội dung trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt, đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao cho đầy đủ và bao quát hết nội dung dự thảo Luật. Để nâng cao hiệu quả sử dụng của hệ thống đường sắt thông qua việc xã hội hóa tạo môi trường cạnh tranh, đại biểu đề nghị dự thảo luật sẽ quy định thị phần tối đa đối với các doanh nghiệp do nhà nước nắm cổ phần chi phối để đảm bảo mở rộng thị trường giao thông vận tải dành cho các đơn vị ngoài nhà nước tham gia hoạt động.
Đại biểu Quốc hội Trần Xuân Hùng (Hà Nam) đề nghị, cần bổ sung đối tượng ưu đãi trong hoạt động kinh doanh đường sắt ở Khoản 1 Điều 6 nhằm  khuyến khích cho hoạt động của đầu tư trong ngành công nghiệp đường sắt 

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh