Vạn sự khởi đầu nan
- Tây Y
- 07:57 - 03/02/2022
Niềm tin vào một nhiệm kỳ mới
Năm 2021 đã diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, trong đó nổi bật là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và bầu cử Quốc hội khóa XV; HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Diễn ra từ ngày 25/1 đến ngày 1/2/2021 tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã để lại dấu ấn đậm nét về một Đại hội “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển” với tinh thần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tiếp đến, ngày 23/5/2021, 99,6% cử tri cả nước đã đi bỏ phiếu, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, bầu ra 499 đại biểu Quốc hội khóa XV; 3.721 đại biểu HĐND cấp tỉnh; 22.550 đại biểu HĐND cấp huyện và 239.788 đại biểu HĐND cấp xã, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Cuộc bầu cử đã diễn ra dân chủ, đúng luật, an toàn trong bối cảnh cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân nỗ lực phòng, chống đại dịch Covid-19.
Việc tổ chức thành công 2 sự kiện chính trị quan trọng này mở ra một nhiệm kỳ mới của Đảng và Quốc hội không những mang đến kỳ vọng, tin tưởng cho nhân dân vào những chủ trương, quyết sách đúng đắn của Đảng để đưa đất nước tiếp tục tiến bước tới một tương lai tươi sáng đạt được khát vọng đến năm 2045, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao với GDP là 2.500 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người là 18.000 USD. Đồng thời cũng cho thấy Đảng ta tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng, củng cố và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân với việc lựa chọn, bầu ra được một Ban Chấp hành Trung ương và những đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ mới có tâm, có tầm, có tài, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụcủa một giai đoạn phát triển mới cao hơn.
Đoàn kết, linh hoạt, thích ứng để chiến thắng đại dịch
Làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ 4 với các biến chủng mới (Delta, Omicron…) bùng phát với mức độ nguy hiểm hơn rất nhiều, số lượng người nhiễm và tử vong tăng nhanh ở nhiều địa phương trong cả nước, nhất là ở các tỉnh, thành phố phía Nam đã làm đảo ngược các thành quả trong phòng, chống dịch trước đó. Trước số lượng người mắc bệnh và tử vong tăng cao, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã huy động toàn bộ nguồn lực tập trung dập dịch như một lệnh “tổng động viên” trong toàn quốc. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài vững chắc trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh.
Có thể nói, cuộc chiến chống đại dịch trong năm 2021, chúng ta đã cơ bản ứng phó, kiềm chế, kiểm soát được dịch bệnh, từng bước chuyển từ chiến lược “không ca mắc” sang trạng thái "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".
Đợt dịch thứ 4 bùng phát ở những địa bàn đông dân cư đã dẫn đến sự quá tải cục bộ hệ thống y tế và ở thời điểm vaccine khan hiếm và chưa có thuốc đặc trị. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo sát sao, đúng đắn của Đảng, sự quản lý, điều hành ráo riết, cụ thể của Nhà nước, toàn hệ thống chính trị và nhân dân, quân đội cả nước đã vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt trong phòng, chống dịch; hạn chế tối đa thiệt hại và kiềm chế được dịch bệnh; tích cực thực hiện các chính sách an sinh xã hội và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn. Hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch (y tế, quân đội, công an, tổ Covid cộng đồng, nhóm người dân tình nguyện...) đã bám sát địa bàn, tận tâm, tận lực, không ngại gian khổ, hiểm nguy, ngày đêm làm việc với tinh thần "tất cả vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân" và “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Các cấp ủy đảng, chính quyền và lực lượng chức năng ở cơ sở đã "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để trực tiếp kiểm tra, động viên, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống cho người dân. Các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân, các hội quần chúng, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo, người dân, doanh nghiệp... trong và ngoài nước đã có nhiều sáng kiến, việc làm cụ thể, thiết thực tham gia công tác phòng, chống dịch. Những nỗ lực và kết quả đó đã góp phần tiếp tục củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và sự thành công trong chống dịch của Việt Nam. Đến thời điểm này, có thể khẳng định, chúng ta đã thực hiện thành công chiến lược vaccine "đi sau về trước" với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay. Nếu đầu tháng 5/2021, nước ta mới có được vài trăm nghìn liều vaccine, thì đến nay đã có khoảng 200 triệu liều vaccine với tỷ lệ bao phủ 1 mũi vaccine là 99,6%; tỷ lệ bao phủ 2 mũi vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên là 90,9% (là 1 trong 6 nước có độ bao phủ vaccine cao nhất thế giới - số liệu cuối năm 2021). Chúng ta đang tích cực tăng cường tiêm mũi 3 và tiêm cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi và sẽ tiêm vaccine cho trẻ từ 5 - 11 tuổi vào đầu năm 2022. Có thể khẳng định, những gì đạt được trong cuộc chiến chống Covid-19 đã cho thấy bản lĩnh, trí tuệ, sự sáng tạo, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và tinh thần đoàn kết, đồng lòng của nhân dân cả nước cùng quyết tâm chống dịch, cho phép chúng ta tin tưởng sẽ nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi được dịch bệnh, mọi hoạt động trở về trạng thài bình thường mới, nhanh chóng đưa đất nước phục hồi kinh tế - xã hội và tăng trưởng trở lại.
Kinh tế “vượt bão” với nhiều điểm sáng tích cực
Năm 2021 đầy giông bão đối với nền kinh tế Việt Nam. Song cả nước đã nỗ lực vượt khó duy trì, phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế với nhiều điểm sáng tích cực. Nền kinh tế nước ta tiếp tục được đánh giá là nền kinh tế phát triển ổn định, có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. GDP năm 2021 vẫn tăng trưởng dương, với 2,58%. Có thể đánh giá điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam năm 2021 với một số điểm cơ bản như: Một là, sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế trước và sau làn sóng đại dịch thứ 4, nhất là sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Điều này thể hiện tính năng động của thị trường và nội lực, tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam.
Hai là, khả năng ứng phó, sáng tạo, sức sống của các doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện khắc nghiệt của đại dịch. Trong khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã chung vai gánh vác hỗ trợ người dân, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời kiên trì chống chọi với dịch bệnh, giữ chân người lao động, bám trụ sản xuất với nhiều hình thức sáng tạo. Nhiều doanh nhân còn tham gia góp ý, phản biện chính sách với chính quyền các cấp trong việc thực hiện “mục tiêu kép”, kiến tạo các giải pháp phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới. Trong năm 2021, nền kinh tế đón nhận 116.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, 43.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động lên gần 160.000 doanh nghiệp.
Ba là, khu vực nông nghiệp tiếp tục phát huy vai trò “bệ đỡ” của nền kinh tế. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị đứt gãy nhiều nơi và kéo dài, giá nhập nguyên liệu tăng cao, song khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá, đạt 2,9%, có 10 nhóm hàng chủ lực của ngành nông nghiệp có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Bốn là, vượt qua chặng đường đầy gập ghềnh chông gai của năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả năm của nước ta đã về đích một cách ngoạn mục với con số kỷ lục đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5% so năm trước.
Năm là, hoạt động đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục gặt hái thành công, phản ánh sự ổn định và sức thu hút của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong gian khó, các nhà đầu tư hàng đầu của Mỹ, Hàn Quốc, EU... vẫn khẳng định cam kết tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Ước tính đến ngày giữa tháng 12/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020.
Sáu là, Việt Nam lọt "top" 10 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Trong bối cảnh ngành logistics thế giới trải qua 1 năm đầy thử thách và biến động, việc Việt Nam lọt top 10 thị trường logistics mới nổi toàn cầu đã mở ra những cơ hội đầy triển vọng thu hút đầu tư nhằm đạt mục tiêu Chính phủ đề ra phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt từ 5 - 6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt từ 15 - 20%... Những điểm sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2021sẽ là động lực và niềm tin để nền kinh tế Việt Nam duy trì tăng trưởng nhanh, bền vững trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Các hoạt động trên nền tảng không gian số được “tăng tốc”
Đại dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, thách thức, nhưng đồng thời cũng tạo ra yêu cầu thôi thúc phải tăng tốc lộ trình xây dựng quốc gia số, Chính phủ điện tử, đẩy mạnh chuyển đổi số trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Có thể thấy, dịch bệnh không chỉ làm thay đổi thói quen, nếp sinh hoạt của người dân mà còn làm thay đổi cả phương thức làm việc, học tập của toàn xã hội - trực tuyến, kết hợp trực tiếp với trực tuyến. Sự thay đổi đó đã thúc đẩy tăng cường khả năng áp dụng hình thức làm việc, học tập qua các trang mạng điện tử, môi trường không gian số. Trong điều kiện dịch bệnh bùng phát, mọi hoạt động về an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, cung ứng hàng hóa thiết yếu, giáo dục đào tạo, đến việc duy trì sản xuất và liên kết chuỗi cung ứng hàng hóa giữa các địa phương, giữa trong nước với nước ngoài… đều được kích hoạt và thực hiện thông qua hệ thống điện tử.
Trong bối cảnh hiện nay, phát triển Chính phủ số là nhiệm vụ trọng tâm, là giải pháp đột phá nhằm cung cấp dịch vụ số cho người dân, doanh nghiệp, toàn bộ các cơ quan nhà nước chuyển sang hoạt động trên môi trường số. Trong năm 2021, nhiều hoạt động thông qua hình thức trực tuyến đã được triển khai rộng khắp như: Giảng dạy và học tập ở tất cả các cấp; tổ chức nhiều hội nghị quốc gia (Hội nghị quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Hội nghị Văn hoá toàn quốc, Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt triển khai Kết luận và Quy định của Trung ương về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng…); tổ chức nhiều hội nghị cũng như tham gia nhiều diễn đàn khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, hình thức làm việc trực tuyến cũng được đẩy mạnh ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị. Đây thực sự là một sự chuyển hướng kịp thời, nhanh nhạy và đem lại hiệu quả thiết thực để giúp cho các doanh nghiệp không bị đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như quan hệ kinh doanh. Thậm chí, doanh nghiệp có thể tìm được các đối tác, bạn hàng thông qua nền tảng trực tuyến. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã áp dụng nhiều hoạt động trên nền tảng số và đạt được hiệu quả rất tích cực. Giờ đây việc thanh toán không dùng tiền mặt, mua bán online, kê khai nộp thuế, nắm bắt dữ liệu đất đai, dân cư, quản lý, kiểm soát các hoạt động giao thông, vận tải… trên nền tảng số, công nghệ điện tử, các trang mạng đã được thực hiện khá phổ biến, quen thuộc trong xã hội. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, việc đẩy mạnh thực hiện các hoạt động, dịch vụ trực tuyến ngoài việc phù hợp với xu thế phát triển của tương lai, trước mắt mang lại chính là lợi ích trong phòng, chống dịch: Không tiếp xúc khi thực hiện thủ tục; không cần đến cơ quan hành chính nhà nước; không chứng từ giấy và không giới hạn bởi khung giờ hành chính hay địa điểm thực hiện… Với những thay đổi này, chúng ta sẽ nhanh chóng có được một quốc gia số trong tương lai gần.
Một tâm thế mới của hoạt động đối ngoại
Năm 2021, thế giới đã bước sang thập niên thứ 3 của thế kỷ XXI với những chuyển biến sâu sắc, mau lẹ và khó lường, tác động trực tiếp, nhiều chiều đến môi trường an ninh và phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 gần như làm giảm sự sôi động của các hoạt động đối ngoại toàn cầu. Trước bối cảnh đó, hoạt động đối ngoại của Việt Nam đã nỗ lực vượt khó để tạo nên một tâm thế mới. Nhiệm vụ trọng tâm của đối ngoại Việt Nam năm 2021 được xác định là tổ chức triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, làm sâu sắc quan hệ với các nước, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, góp phần củng cố môi trường hòa bình, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển, nâng cao vị thế của đất nước.
Trong năm 2021, ngoài việc các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội tham gia các hoạt động đối ngoại bằng hình thức trực tuyến, trong những tháng cuối năm chúng ta đã tổ chức nhiều chuyến viếng thăm và làm việc của nhiều đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội Việt Nam đến với nhiều quốc gia trên thế giới và đã thu được nhiều kết quả quan trọng, trong đó có dấu ấn thành công của “ngoại giao vaccine”. Đây cũng là năm Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao. Đặc biệt, Hội nghị đối ngoại, ngoại giao toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức đã thành công tốt đẹp. Trên cơ sở đánh giá toàn diện thành tựu đối ngoại trong hơn 35 năm đổi mới, đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu và nhận diện rõ những xu hướng, vấn đề lớn đang diễn ra trên thế giới để đề ra và tổ chức thực hiện tốt hơn nữa những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống đối ngoại của dân tộc, đường lối đối ngoại của Đảng và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, xây dựng trường phái đối ngoại, ngoại giao hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc "cây tre Việt Nam".
Việc xây dựng Đảng vẫn tiếp tục không ngừng nghỉ
Mặc dù phải thực hiện nhiều công việc trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch gây ra, song công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả nổi bật, ấn tượng, có sự chuyển biến rất tích cực, nâng cao rõ rệt về chất. Ngày 16/9/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định số 32-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thay thế Quy định số 211-QĐ/TW ngày 25/12/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Đây là một bước chuyển lớn trong hoạt động của Ban chỉ đạo khi mở rộng phạm vi chỉ đạo, không chỉ tập trung vào nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, mà còn là cả phòng, chống tiêu cực. Trong năm 2021, cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tiến hành quyết liệt, nhiều vụ án lớn được đưa ra xét xử. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được triển khai quyết liệt, không khoan nhượng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp từ Trung ương đến địa phương được đẩy mạnh, đi vào thực chất. Bên cạnh đó, việc xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hành động, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ và nâng cao đạo đức, văn hoá, tính chuyên nghiệp của từng tổ chức đảng, của mỗi cán bộ, công chức, viên chức ở mọi cơ quan, đơn vị, địa phương trên cả nước.
Tóm lại, 365 ngày của năm 2021 có rất nhiều thứ để nói, có rất nhiều điều cần phải kể ra. Mặc dù là một năm có nhiều đau thương, mất mát, nhiều khó khăn, thử thách chưa có tiền lệ. Nhưng những gì chúng ta đã làm được càng khiến cho chúng ta có niềm hy vọng, niềm tin “Sau cơn mưa trời lại sáng”. Đó sẽ là điều chúng ta tin ở năm 2022 và các năm tiếp theo phía trước. Chỉ cần mỗi chúng ta vẫn sẽ giữ vững tinh thần dân tộc, khơi dậy, phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đoàn kết vượt qua khó khăn, Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19 để tiếp tục vững bước tiến nhanh, bền vững.