CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:07

Vấn đề tuổi nghỉ hưu từ góc nhìn an sinh xã hội

 

Theo đánh giá, Việt Nam có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trong khu vực Châu Á: Theo số liệu của Tổng cục dân số, năm 2017 có khoảng hơn 10% dân số từ 60 tuổi trở lên; đến năm 2030, con số này là 17% và đến năm 2050, con số này sẽ là 25% (Tăng 2,5 lần chỉ sau hơn 30 năm). Bên cạnh đó, lực lượng bước vào thị trường lao động có xu hướng ngày càng giảm: Theo số liệu của Tổng cục thống kê, giai đoạn 2010-2015, bình quân mỗi năm có khoảng 1,2 triệu lao động mới tham gia thị trường lao động; giai đoạn 2015-2020, bình quân chỉ còn khoảng 0,8-1 triệu; giai đoạn 2020-2025 chỉ còn khoảng dưới 0,8 triệu người/năm.

Đặc biệt, số người cao tuổi tiếp tục làm việc sau khi nghỉ hưu ngày càng cao. Có khoảng 65% người Việt trên 50 tuổi vẫn tiếp tục làm việc. Theo khảo sát của Liên hợp quốc (UN), tỷ lệ này cao thứ hai trong khu vực, chỉ xếp sau Indonexia và có khoảng 40% người Việt Nam trong độ tuổi 70-74 vẫn đang đi làm.

Vậy tăng tuổi hưu như thế nào cho Việt Nam?

Việc tăng tuổi nghỉ hưu là xu thế chung của thế giới, phụ thuộc vào tổng thể nhiều yếu tố như tăng trưởng kinh tế với bài toán về việc làm và thất nghiệp, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, trình độ kỹ thuật và công nghệ áp dụng vào sản xuất; số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số; tuổi thọ bình quân, xu hướng già hóa dân số; bình đẳng giới; cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn,… Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đối với nước ta là tất yếu. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này cần có tầm nhìn dài hạn và phải có lộ trình, tránh gây sốc và xáo trộn thị trường lao động.

Việc tăng tuổi hưu cần phải theo lộ trình có cân nhắc tới sự thay đổi về cơ cấu tuổi trong lực lượng lao động (tức là phải tính toán cụ thể trước khi bắt đầu diễn ra tình trạng giảm lực lượng lao động trong độ tuổi). Theo dự báo dân số của Tổng cục thống kê thì dân số trong độ tuổi lao động (định nghĩa là 15-64) bắt đầu giảm sâu từ năm 2030 nên cần chọn thời điểm tăng dần tuổi hưu sớm để đảm bảo sự cân đối lực lượng lao động.

 

Ảnh minh họa

 

Cân nhắc vấn đề sức khỏe của người lao động và cần phân loại ngành, nghề và sử dụng tuổi hưu linh hoạt trong một khoảng nào đó (như Nhật Bản đang áp dụng). Nếu lao động không đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc thì năng suất lao động (đo bằng giá trị sản xuất tạo ra) có thể thấp hơn mức lương thực tế (đo lường chi phí sản xuất) và vì thế mà gây bất lợi về mặt kinh tế và sức khỏe người lao động. Chính vì thế, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu không thực hiện cào bằng với mọi đối tượng mà cần có sự phân loại nhóm ngành nghề… Song song với việc tăng tuổi hưu, các quy định khác liên quan tới đóng-hưởng, xây dựng hệ thống hưu trí đa tầng, liên thông… cần phải được thực hiện. Điều chỉnh tăng tuổi hưu chỉ là một giải pháp trong tổng thể hệ thống cải cách chính sách BHXH. 

Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là việc cần thiết

Hiện nay dư luận xã hội đang rất quan tâm đến việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, nhiều ý kiến cho rằng tuổi nghỉ hưu của Việt Nam cũng phải phù hợp và tương đồng với tuổi nghỉ hưu của các nước trên thế giới, đặc biệt là trong khu vực.

Thứ nhất, người lao động hiện nay khác với người cao tuổi hiện nay ở điều kiện sống, làm việc, thông tin… Vì thế, khi nói dân số cao tuổi trong tương lai (ví dụ 20-30 năm tới) thì cần bàn tới những người ở độ tuổi lao động (ví dụ 30-40 tuổi) hiện nay. Việc thay đổi chính sách có khả thi hay không phụ thuộc vào chính lực lượng lao động hiện nay và vì thế mà chính sách cần phải điều chỉnh càng sớm càng tốt và theo lộ trình cụ thể được thông tin rõ tới người lao động.

Thứ hai, việc tăng tuổi hưu là xu hướng chung của tất cả các nước có cơ cấu dân số già để phù hợp với các điều kiện kinh tế-xã hội, nhân khẩu, sức khỏe… CHỨ KHÔNG PHẢI CHỈ LÀ ĐỂ TRÁNH VỠ QUỸ HƯU TRÍ. Lý do tăng tuổi hưu để tránh vỡ quỹ là hết sức sai lệch, hoàn toàn không phù hợp, gây hoang mang cho người lao động – những người đang và sẽ tham gia đóng góp cho hệ thống BHXH, trong đó có hệ thống hưu trí.

Thứ ba, cần phải làm rõ lý do quỹ hưu sẽ đối mặt với sự mất cân đối khi các chính sách không còn phù hợp hiện có vẫn cứ tiếp tục được thực hiện. Các chính sách này còn gây ra bất bình đẳng giữa lao động thuộc các khu vực kinh tế (chính thức và phi chính thức) và giữa lao động nam và lao động nữ. 

Nhiều quan điểm ủng hộ tăng tuổi hưu, rõ ràng đời sống vật chất, tinh thần và thể lực được cải thiện nên tuổi thọ dân số tăng lên. Việt Nam đang có tuổi nghỉ hưu tương đối thấp trong khi lại có kỳ vọng sống (tuổi thọ sau tuổi 60 đối với nam, sau 55 tuổi đối với nữ) tương đương các nước OECD (Kỳ vọng sống của Việt Nam bình quân 22,5 năm; Indonexia: 16,6 năm; Trung Quốc: 19,7 năm; Thái Lan: 21 năm; Pháp: 25,7 năm; Đức: 23,7 năm; Bồ Đào Nha: 24,1 năm…) Trong khi, nhiều quốc gia có kỳ vọng sống thấp hơn Việt Nam nhưng đều đã có kế hoạch điều chỉnh tuổi nghỉ hưu (Indonexia đạt tuổi nghỉ hưu 65 vào năm 2043; Hàn Quốc vào năm 2034; Nhật bản năm 2030…) Gắn liền với sự cải thiện đó là năng lực làm việc của người lao động được cải thiện và họ có thể làm các công việc lâu hơn trước. Hơn nữa, điều kiện làm việc được cải thiện nên các rủi ro từ công việc sau tuổi nghỉ hưu truyền thống giảm đáng kể; Tăng tuổi nghỉ hưu để phù hợp với sự thay đổi về nhân khẩu học như: Tỷ lệ sinh ở Việt Nam đang giảm (vào những năm 1960, một phụ nữ thường sinh 6 con, năm 2010 thì một phụ nữ bình quân chỉ sinh 2 con); Kỳ vọng sống của người dân Việt Nam rất cao so với các nước (nam giới sống sau tuổi 60 bình quân 20,9 năm; nữ giới sống sau tuổi 55 bình quân 25 năm); Việt Nam có tốc độ già hóa thuộc nhóm nhanh nhất trên thế giới (số người già (trên tuổi 60) sẽ tăng từ 9,2 triệu người năm 2015 lên 30 triệu người năm 2057); Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động so với dân số già sẽ giảm rất nhanh.

 Dân số già nhanh và lực lượng lao động có xu hướng bắt đầu giảm trong hai thập kỷ tới nên việc tăng dần tuổi hưu một cách phù hợp là để duy trì sự ổn định của thị trường lao động. Nhật Bản, Ý là những ví dụ cụ thể của việc thiếu hụt trầm trọng lực lượng lao động thay thế khi dân số già quá nhanh trong khi chính sách điều chỉnh tuổi hưu được xem xét quá chậm.

 Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu tác động tích cực tới bình đẳng giới (tuổi nghỉ hưu bình đẳng: Tới năm 2040 hầu hết các quốc gia ở Châu Âu sẽ có tuổi nghỉ hưu bình đẳng giữa nam và nữ; Tất cả các quốc gia ở Đông Nam Á trừ Lào và Việt Nam đều đã có tuổi nghỉ hưu bình đẳng giữa nam và nữ; Phụ nữ sống lâu hơn và dễ rơi vào tình trạng nghèo đói do có lương hưu thấp; Nâng tuổi nghỉ hưu của phụ nữ làm giảm khoảng cách về giới trong cách tính đầy đủ về lương hưu.

 Điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu giúp bền vững về mặt xã hội và tài chính của hệ thống: Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đảm bảo công bằng giữa các thế hệ vì sẽ ngày càng ít thế hệ trẻ sẽ phải hỗ trợ đối với thế hệ già từ đó làm giảm gánh nặng đối với các thế hệ trẻ; Người lao động càng đóng góp lâu dài hơn thì hệ thống lương hưu càng bền vững hơn. Đặc biệt, điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu giúp người cao tuổi có chất lượng cuộc sống tốt hơn: Trong năm 2012 tại Việt Nam có 40% người về hưu vẫn làm việc bình quân cho tới 65 tuổi; Cho phép người cao tuổi làm việc lâu dài hơn và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

Rõ ràng, việc kéo dài tuổi hưu đương nhiên mang lại tác động tích cực cho cân bằng quỹ hưu trí trong dài hạn do có thể cân đối thời gian đóng với thời gian hưởng trong điều kiện mức đóng và mức hưởng được cân đối.

Bên cạnh đó, còn có quan điểm không đồng thuận với việc tăng tuổi nghỉ hưu, quan điểm đầu tiền thường cho rằng kéo dài tuổi nghỉ hưu sẽ khiến lao động trẻ mất cơ hội. Đây là quan điểm sai lầm với tư tưởng xuất phát từ lý thuyết Lump op Labor (tổng số việc làm không đổi).

 

Ảnh minh họa

 

Thực tế chứng minh cho thấy: tăng trưởng kinh tế là yếu tố quan trọng nhất giúp việc tăng tuổi hưu không gặp sốc về việc làm vì khi có tăng trưởng thì không chỉ lao động trẻ có việc làm mà cả lao động cao tuổi cũng có cơ hội việc làm và vì thế mà không có sự thay thế; và xu thế và loại hình việc làm của lao động trẻ có thể rất khác với lao động cao tuổi và vì thế mà chúng không có tính loại trừ, chưa kể một số ngành thậm chí còn trở nên thiếu hụt lao động khi lao động nghỉ hưu hàng loạt (nhất là trong những ngành cần lao động có trình độ, kỹ năng như giáo dục, y tế, chế tạo…). Minh chứng cho các nhận định này có nghiên cứu cho nhiều nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Anh… và đang phát triển như Trung Quốc, Việt Nam.

Việc tăng tuổi hưu theo hướng cào bằng sẽ khiến những người lao động có thu nhập thấp đối mặt với nhiều rủi ro hơn về sức khỏe và thu nhập. Điều này đúng vì lao động có thu nhập thấp thường làm những công việc nhiều rủi ro về sức khỏe và vì thế họ không cải thiện được tuổi thọ, đặc biệt là tuổi thọ khỏe mạnh, so với những người có thu nhập cao hơn. Do đó, việc cào bằng chính sách tăng tuổi về hưu cho mọi đối tượng sẽ tác động tiêu cực tới các đối tượng này.

BÁO LDXH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh