THỨ HAI, NGÀY 20 THÁNG 01 NĂM 2025 09:43

Vẫn có những sự "lạc nhịp" trong "mở cửa" giáo dục

Như mọi người đều biết, trước đó, phần lớn học sinh từ lớp 7 đến 12 đều đã quay trở lại trường. Thông tin cơ bản cho thấy, việc học sinh trở lại trường học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch, đồng thời đã giải quyết được những vướng mắc cơ bản của hoạt động dạy học mà hình thức dạy online lâu nay không thể giải quyết được - đó là sự tương tác trực tiếp giữa giáo viên và học sinh, qua đó giúp nâng cao chất lượng giảng dạy và quản lý học sinh.

Ảnh internet

Ảnh internet

  Thế nhưng những ngày gần đây, nhiều địa phương lại đặt ra những quy định khác nhau xung quang việc test Covid-19 đối với học sinh trước khi quay trở lại trường. Thậm chí, lãnh đạo ngành giáo dục của một vài tỉnh còn "đề xuất" phải thực hiện test nhanh cho toàn bộ học sinh với tần suất 2 lần/tuần.

  Chúng ta đang thực hiện thích ứng an toàn với dịch bệnh, tư tưởng "zero Covid" như đang tồn tại ở một số vị trên hẳn là không phù hợp. Nếu địa phương nào đó đưa ra thực hiện chắc chắn sẽ gây nên những ấn tượng rất không hay đối với học sinh (và cả cộng đồng).

  Một vấn đề nữa là trong khi hầu như tất cả loại hình giáo dục đều đã mở cửa trở lại hoặc xác định rõ thời điểm sẽ mở cửa thì các trung tâm bồi dưỡng năng khiếu, kỹ năng, các trung tâm ngoại ngữ, tin học (cũng do ngành giáo dục quản lý) cho đến giờ vẫn "chưa hẹn ngày trở lại" (!). Rất nhiều trung tâm ở TP. Hồ Chí Minh cho biết đã nộp hồ sơ "xin thẩm định" để có thể được mở cửa trở lại nhưng câu trả lời từ Sở GD&ĐT thành phố là "bộ phận chức năng chưa xem xét" (!). Trước đó, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản cho phép các trung tâm này được tổ chức dạy trực tiếp, kể từ ngày 4/1. Nhưng đến giờ, chưa trung tâm nào được hoạt động trở lại và rất bức xúc mà không biết kêu ai.

  Hệ thống các trung tâm bồi dưỡng năng khiếu, kỹ năng, ngoại ngữ, tin học có vai trò không hề kém quan trọng trong nền giáo dục quốc dân. Chỉ riêng tại TP. Hồ Chí Minh đã có hàng ngàn cơ sở, với cả chục ngàn giáo viên, giảng viên, nhân viên cơ hữu và hợp đồng. Thời gian phải ngưng hoạt động do dịch bệnh kéo quá dài khiến không ít trung tâm rơi vào tình cảnh lao đao, khốn đốn, hàng nghìn người lao động mất thu nhập trong khi học sinh, sinh viên không có điều kiện để học tập, rèn luyện. Lẽ ra khi dịch được cơ bản kiểm soát, cơ quan quản lý cần tạo điều kiện cho các loại hình giáo dục cùng "tái mở cửa" một cách bình đẳng, lộ trình rõ ràng, với các thủ tục minh bạch. Nhưng đằng này, loại hình trung tâm giáo dục kỹ năng, năng khiếu, ngoại nữ, tin học dường như đang bị... bỏ quên (!?).

  Chẳng còn bao lâu nữa, "lộ trình" tái mở cửa các hoạt động giáo dục trực tiếp sẽ cơ bản được hoàn tất trên phạm vi cả nước. Đó là thành quả của một quá trình nỗ lực vượt bậc của Chính phủ, các địa phương và toàn xã hội. Đó cũng là chỉ dấu cho thấy công cuộc phòng, chống dịch của Việt Nam đã tiến được một chặng đường rất dài. Việc kịp thời điều chỉnh những dấu hiệu "lạc nhịp" cũng nhằm thực hiện đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư: "Nhanh chóng đưa các hoạt động trở lại bình thường".

KHÁNH NGUYỄN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh