Vai trò quan trọng của phụ nữ trong giải quyết các thách thức mới nổi lên
- Tây Y
- 18:32 - 10/12/2020
Tham dự và phát biểu trực tuyến, thay mặt LHQ, Tiến sĩ Phumzile Mlambo-Ngcuka, Phó Tổng Thư ký LHQ, Giám đốc Điều hành Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UNWOMEN) đã trân trọng gửi lời cảm ơn tới Chính phủ Việt Nam vì đã tổ chức thành công Hội nghị ý nghĩa này trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Nỗ lực thực hiện 4 trụ cột chính của chương trình nghị sự toàn cầu
Hội nghị là cơ hội đặc biệt để cộng đồng quốc tế tái khẳng định các cam kết và nỗ lực, đề ra các giải pháp mới nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự toàn cầu về: Phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung khẳng định Hội nghị đã thành công tốt đẹp sau 3 ngày làm việc tích cực, thực chất, hiệu quả với nhiều tham luận và ý kiến sâu sắc.
Mặc dù diễn ra trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp trên thế giới, Hội nghị đã thu hút được sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của gần 400 đại biểu đến từ gần 90 quốc gia, các cơ quan LHQ, tổ chức quốc tế, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam cùng nhiều viện nghiên cứu, tổ chức chính trị-xã hội, chuyên gia, học giả uy tín.
Qua 5 phiên họp toàn thể và 4 phiên thảo luận chuyên đề dưới sự điều hành, dẫn dắt của các chuyên gia và nhà ngoại giao đầy kinh nghiệm, Hội nghị đã tập trung đánh giá việc triển khai chương trình nghị sự toàn cầu về phụ nữ, hòa bình và an ninh trong 20 năm qua; đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 1325 năm 2000 của Hội đồng Bảo an LHQ cũng như những thành tựu đạt được, khó khăn, thách thức gặp phải trong thực hiện các cam kết quốc tế liên quan;
Cùng nhau thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm và thực tiễn tốt; đưa ra nhiều đề xuất trong phối hợp, định hướng chính sách và hành động nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, tăng cường sự tham gia và đóng góp của phụ nữ trong tiến trình xây dựng và củng cố hòa bình.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết, Hội nghị đã tiếp tục khẳng định quyết tâm và nỗ lực mạnh mẽ để thực hiện 4 trụ cột chính của chương trình nghị sự toàn cầu về phụ nữ, hòa bình và an ninh, đó là: Bảo đảm phụ nữ được tham gia một cách đầy đủ và bình đẳng trong quá trình ra quyết định;
Lồng ghép quan điểm giới và sự tham gia của phụ nữ trong ngăn ngừa và giải quyết nguồn gốc của xung đột; bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em gái trong xung đột và đáp ứng những nhu cầu cụ thể của phụ nữ và trẻ em gái; tăng cường vai trò của phụ nữ trong công tác cứu trợ và phục hồi trong và sau xung đột.
Nhiều sáng kiến, đề xuất cụ thể đã được đưa ra tại Hội nghị như: Giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột; tăng cường lồng ghép giới trong các chiến lược ngăn ngừa và giải quyết xung đột; tăng cường vai trò của phụ nữ trong củng cố và xây dựng hòa bình; tăng cường nguồn lực thực hiện chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Đề xuất Cam kết Hành động Hà Nội
Với tư cách nước chủ nhà, Việt Nam đã đề xuất Cam kết Hành động Hà Nội, với những khuyến nghị hành động cụ thể nhằm tăng cường sự hiện diện và tham gia của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình, tăng cường trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Cũng như hỗ trợ tài chính và lồng ghép Chương trình nghị sự phụ nữ, hòa bình và an ninh vào các hoạt động gìn giữ hòa bình ở mọi cấp độ, cũng như ghi nhận vai trò quan trọng của phụ nữ trong giải quyết các thách thức mới nổi lên.
Văn kiện này đã nhận được sự hưởng ứng và đồng tác giả của 11 nước gồm: E-xtô-ni-a, Phần Lan, Mê-hi-cô, Ma-lai-xi-a, CHDCND Lào, Niu Di-lân, Na-uy, Anh, Thụy Điển, Đức, Mi-an-ma và sẽ tiếp tục được giới thiệu rộng rãi để các quốc gia thành viên LHQ tham gia đồng bảo trợ trong thời gian tới, trước khi được Việt Nam chính thức gửi tới Chủ tịch Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an LHQ.
Theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, việc tổ chức thành công Hội nghị này có ý nghĩa quan trọng và thiết thực.
Đây là sự kiện diễn ra trong bối cảnh có nhiều dấu mốc đặc biệt, đồng thời tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Hội nghị lần này, cũng như sự tham gia đóng góp xuyên suốt của Việt Nam trên cương vị kép là Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, đã tiếp tục khẳng định đường lối, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam về thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền và tăng cường vị thế của phụ nữ.
Thứ trưởng tin tưởng, các kết quả đạt được tại Hội nghị sẽ là cơ sở, tiền đề thuận lợi để Việt Nam tiếp tục thống nhất nhận thức, thúc đẩy hơn nữa chương trình nghị sự toàn cầu về phụ nữ, hòa bình và an ninh; đạt thêm nhiều kết quả thực chất hơn trong thời gian tới.
Hội nghị quốc tế với chủ đề "Tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng và củng cố hòa bình: Từ cam kết đến kết quả" do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Liên hợp quốc tổ chức dưới hình thức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp từ ngày 7-9/12/2020 tại Hà Nội.
Phiên khai mạc của Hội nghị có sự tham gia phát biểu của Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và các phiên họp có sự tham dự của gần 500 đại biểu trong và ngoài nước.
Bên lề Hội nghị, Việt Nam cũng tổ chức cuộc triển lãm với chủ đề "Phụ nữ Việt Nam chung tay vì sự an toàn trên đất Việt" và triển lãm tranh về chủ đề "Phụ nữ và khát vọng hòa bình".
Vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong tiến trình xây dựng, gìn giữ hòa bình được LHQ coi trọng ngay từ những ngày đầu thành lập, thể hiện qua việc thành lập Ủy ban địa vị phụ nữ của LHQ vào năm 1946.
Nỗ lực đảm bảo bình đẳng giới tiếp tục được củng cố với việc thông qua Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (1979), Tuyên bố về việc tham gia của phụ nữ trong thúc đẩy hòa bình và hợp tác quốc tế (1982) và tổ chức Hội nghị quốc tế về phụ nữ tại Bắc Kinh (1995).
Năm 2000, HĐBA LHQ đã thông qua Nghị quyết 1325, đưa vấn đề PNHBAN vào chương trình nghị sự của HĐBA, lần đầu tiên ghi nhận ảnh hưởng của xung đột vũ trang đối với phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời nhìn nhận vai trò và khả năng đóng góp của phụ nữ và trẻ em trong phòng ngừa, giải quyết xung đột, xây dựng và gìn giữa hòa bình.
Là quốc gia từng trải qua chiến tranh, có kinh nghiệm tái thiết hậu xung đột và có nhiều thành tựu trong thúc đẩy bình đẳng giới, đề cao quyền phụ nữ, Việt Nam luôn ủng hộ và thúc đẩy vấn đề PNHBAN trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương.
Trong nhiệm kỳ làm Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ 2008-2009, Việt Nam đã chủ trì phiên thảo luận mở về PNHBAN, giới thiệu và vận động thông qua Nghị quyết 1889 của HĐBA về phụ nữ trong giai đoạn hậu xung đột.
Đây là Nghị quyết đầu tiên của HĐBA tập trung vào nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái trong giai đoạn hậu xung đột, yêu cầu Tổng thư ký LHQ xây dựng một bộ chỉ số để đánh giá việc thực hiện các nội dung của chương trình PNHBAN và kêu gọi Tổng thư ký có báo cáo về sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình.
Hiện nay vấn đề PNHBAN tiếp tục là một trong các ưu tiên của Việt Nam trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA 2020 – 2021