THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 03:47

“Vai trò chính quyền là gì khi khuyết điểm không thuộc về ai, cái gì cũng đúng quy trình”

 

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận)

Góp ý về các nội dung giám sát chuyên đề trình Quốc hội sáng 25/5, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) cho rằng: Bộ máy nhà nước có vấn đề nhưng bộ máy tự thân nó không làm nên điều gì mà được tạo ra từ hành động của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.Theo ông Cương, nếu đội ngũ công chức, viên chức biết đến trách nhiệm và bổn phận của mình thì sẽ không có một nền hành chính nhiều ách tắc phiền hà, không có đầu tư dàn trải, kém hiệu quả để hàng tỷ USD lãng phí mỗi năm được cộng thêm vào gánh nặng nợ công vốn đã quá sức chịu đựng. Ông Cương nói: “Cũng sẽ không có việc xả thải làm ô nhiễm môi trường ở một số tỉnh miền Trung vừa qua, không có tình trạng phá rừng diễn ra ở nhiều nơi, không có nạn cấp khống chứng nhận chất lượng thuỷ sản, thức ăn chăn nuôi làm nông dân khốn đốn.Nếu chúng ta có bộ máy chính quyền địa phương vững mạnh thì không có tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay, chắc cũng không đến nỗi hàng chục vạn hộ dân nghèo khốn đốn về đa cấp, hàng ngàn người rơi vào tình trạng vỡ nợ”. Ông Cương cũng cho biết, mới đây, khi Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đích thân đi kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm ở một địa phương, khi đoàn kiểm tra đến chỉ kiểm tra một cơ sở thôi thì tất cả cơ sở khác được mật báo, đóng cửa hết, án binh bất động chờ đoàn kiểm tra đi qua. “Tôi cứ phân vân tự hỏi vai trò của chính quyền ở đây là gì, chính quyền ở đâu cũng có bộ máy đầy đủ, cán bộ, công chức viên chức đông đảo nhưng hễ có việc gì xảy ra thì đều không biết, không thấy rõ khuyết điểm chính thuộc về ai và cái gì cũng đúng quy trình”, ông Cương nói.Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, dường như cán bộ bây giờ họp hành quá nhiều, đến mức khi có việc gì xảy ra, người dân kêu cứu, báo chí xin gặp thì bận họp, luôn từ chối. Bận họp để né tránh trách nhiệm.Từ những vấn đề nêu trên, đại biểu tỉnh Ninh Thuận cho rằng, sự vận hành của bộ máy nhà nước và đội ngũ cán bộ công chức, viên chức là nguyên nhân chủ yếu của của nhiều vấn đề nóng, bức xúc trong xã hội và rất cần Quốc hội giám sát.

Vì vậy, đại biểu cho biết đồng tình cao với giám sát bộ máy hành chính nhưng cần đi vào nội dung cụ thể làm rõ thực hiện quy định pháp luật về trách nhiệm của cơ quan tổ chức hành chính các cấp và cán bộ công chức viên chức trong thực thi công vụ, nhiệm vụ.Theo ông Cương, cần phải thực hiện thành công cuộc giám sát này ngay từ đầu nhiệm kỳ. Phải cố gắng đạt tăng trưởng không phải về mặt mặt kinh tế mà về mặt niềm tin.

Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu ý kiến kiến nghị của các cơ quan, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 4 nội dung cụ thể sau đây:Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016 (giao Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường chủ trì, phối hợp với Ủy ban Về các vấn đề xã hội giúp về nội dung giám sát);Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016 (giao Ủy ban Pháp luật giúp chủ trì về nội dung giám sát);Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng- kinh doanh- chuyển giao (BOT), xây dựng, chuyển giao (BT) và hợp tác công tư  (PPP) (giao Uỷ ban Kinh tế giúp chủ trì về nội dung giám sát);Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với ngư dân gắn với phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh (giao Uỷ ban Quốc phòng và an ninh giúp chủ trì về nội dung giám sát).

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh