Vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới của Nga: Nhanh nhất liệu có an toàn?
- Tây Y
- 16:32 - 12/08/2020
Vaccine mang tên Sputnik V là câu trả lời của Nga cho nỗ lực chấm dứt tình trạng lây nhiễm Covid-19 và mở ra con đường hồi phục nền kinh tế Nga.
Truyền thông nước ngoài bày tỏ nghi ngại về độ an toàn của vaccine do Nga sản xuất. Truyền thông Nga xác nhận vaccine chỉ mới được thử nghiệm trên 76 người, nhưng nói rằng chính các thành viên tham gia phát triển vaccine tại Viện Nghiên cứu Gamaleya đã tình nguyện tiêm thử vaccine.
Họ bày tỏ sự tin tưởng vào mức độ hiệu quả và an toàn do họ phát triển, theo Sputnik. Truyền thông Nga dẫn lời Sergei Tsarenko, phó trưởng khoa gây mê và hồi sức tại bệnh viện thành phố Moscow, nói các bác sĩ đã tìm ra nhiều cách điều trị hiệu quả cho bệnh nhân Covid-19, nhưng họ vẫn chỉ có thể áp dụng giới hạn với những trường hợp nghiêm trọng. Do vậy, vaccine ngừa Covid-19 sẽ là phương pháp an toàn và tin cậy hơn để ngăn những cái chết do đại dịch gây ra. Ông Tsarenko nói thêm rằng vaccine do Viện Nghiên cứu Gamaleya phát triển có thể tin cậy.
Theo truyền thông Nga, trong vaccine Sputnik V chứa một phần bộ gene của virus SARS-CoV-2 để giúp cơ thể nhận biết và tạo ra kháng thể. Người sử dụng vaccine Sputnik V sẽ phải tiêm liều thứ hai sau 3 tuần để đảm bảo hệ miễn dịch có phản ứng.
Phương pháp này thực chất không hề mới, đã được sử dụng trong vaccine phòng Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) do chủng virus Corona khác gây ra.
“Vaccine Sputnik V rất đơn giản nhưng lại cực kỳ hiệu quả. Đó là điều chưa ai làm được”, Tsarenko nói.
Báo Nga cho rằng, phương Tây có cái nhìn ác cảm khi Nga đăng ký vaccine đầu tiên trên thế giới nên chỉ tập trung vào vấn đề an toàn hay không, trong khi bước tiến như vậy lẽ ra nên được ủng hộ.
Trả lời trên ABC News, bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, đặt câu hỏi về cách tiếp cận nhanh chóng trong việc phát triển vaccine.
“Tôi hi vọng là người Nga thực sự chứng minh được rằng vaccine an toàn và hiệu quả”, ông Fauci nói. “Tôi thực sự nghi ngờ điều đó”.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, việc Nga bỏ qua giai đoạn 3 – giai đoạn thử nghiệm vaccine đại trà, tạo ra rủi ro lớn. “Thử nghiệm giai đoạn 3 rất quan trọng trong việc phát triển vaccine”, Daniel Salmon, giám đốc Viện Vaccine An toàn tại Đại học Johns Hopkins, nói. “Có đáng tin cậy hay không khi vaccine không trải qua thử nghiệm giai đoạn 3? Tôi cho là không”.
Theo tờ RT, Nga sẽ đưa vào sử dụng đại trà vaccine Sputnik V kể từ ngày 1.1.2021. Việc tiêm vaccine hay không là hoàn toàn tự nguyện. Các nhân viên y tế, giáo viên sẽ là những người được tiêm vaccine đầu tiên.
Khả năng tạo miễn dịch ngăn ngừa Covid-19 trên người của vaccine Sputnik V sẽ có tác dụng trong vòng 2 năm.