Vaccine Covid và thương hiệu quốc gia
- Tây Y
- 19:41 - 22/12/2020
"Cơn bão đại dịch" vẫn tiếp tục quét qua hàng trăm nước, đến nay đã lây nhiễm hơn 76 triệu người trên thế giới, khiến gần 1,7 triệu người chết. Nền kinh tế toàn cầu bị tàn phá, khiến thế giới phải thay đổi đến kinh ngạc. Nhưng giữa bão tố, Việt Nam trở thành một điểm sáng trên bản đồ thế giới khi được thừa nhận là một hình mẫu chống dịch, mang lại nhiều bài học kinh nghiệm cho nhiều nước.
Việc Việt Nam nghiên cứu, phát triển vaccine phòng Covid-19 với tinh thần tự lực, tự cường, cũng là một điểm sáng khiến thế giới phải nể phục. Theo báo Nikkei Asia của Nhật, Việt Nam nằm trong số 42 quốc gia có thể sản xuất vaccine và trong 38 quốc gia có cơ quan quản lý vaccine đáp ứng các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Mặc dù còn phải đi một chặng đường dài để có thể tạo nên vaccine đủ tiêu chuẩn có thể sử dụng để tiêm chủng cho toàn dân và hướng đến xuất khẩu - như mục tiêu đề ra, nhưng việc đưa ra tiêm thử nghiệm cho một số tình nguyện viên đã là một bước tiến dài, cho thấy khả năng làm chủ vaccine của Việt Nam là điều hoàn toàn có ý nghĩa hiện thực.
So sánh với một số quốc gia có cùng mặt bằng phát triển, có các điều kiện tương đồng, rõ ràng là Việt Nam đã đi trước một bước. Bởi một số quốc gia láng giềng đang phụ thuộc vào nguồn cung vaccine Sinovac của Trung Quốc và vaccine Sputnik của Nga. Còn không ít quốc gia có trình độ phát triển cao hơn thì phụ thuộc vào các nguồn cung vaccine từ các hãng dược phẩm danh tiếng của Mỹ và Anh - với giá cả đắt đỏ và số lượng còn khá hạn chế trong thời gian đầu.
Làm chủ vaccine phòng ngừa Covid-19 giúp Việt Nam sớm cơ bản thoát khỏi mối đe dọa của dịch bệnh, có nhiều cơ hội thúc đẩy quá trình phục hồi nền kinh tế, nắm bắt được các cơ hội mở ra trước mắt. Việc thử nghiệm vaccine cùng thành công trong việc khống chế dịch trong thời gian qua của Việt Nam không chỉ giúp đảm bảo sức khỏe cho người dân trong nước, mà còn là yếu tố quan trọng thúc đẩy việc quảng bá hữu hiệu hình ảnh quốc gia ra cộng đồng quốc tế. Qua đó thu lại nhiều lợi ích đo đếm được về kinh tế và sức mạnh mềm.
Điều này đã bước đầu được ghi nhận bởi nhiều tổ chức quốc tế và quốc gia. Đơn cử như mới đây, Liên hợp quốc đã đề nghị Việt Nam triển khai 1 trung tâm xét nghiệm Covid-19 để hỗ trợ ở Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan. Trước đó, Viện Lowy - Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại hàng đầu của Úc công bố Việt Nam cùng với Úc và Đài Loan thăng hạng về "Chỉ số quyền lực tại châu Á năm 2020". Việt Nam xếp thứ 12 trong tổng số 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 1 bậc so với năm 2019.
Cũng nhờ chống dịch tốt, Việt Nam là quốc gia duy nhất có tăng trưởng kinh tế ở Đông Nam Á năm nay, trong khi Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan đều tăng trưởng âm, nguy cơ rơi vào vùng suy thoái. Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế lần lượt dự đoán tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 2,8% và 2,4%. Ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang hướng đến Việt Nam, nơi dịch bệnh được kiểm soát tốt, như một hiệu ứng tất yếu.
Thương hiệu quốc gia đang được nâng tầm và điều đó đặt ra cho mỗi công dân Việt Nam trách nhiệm phải bảo vệ giá trị thương hiệu quốc gia, bằng những hành động thiết thực nhất để tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh trong thời gian tới.