Vắc xin COVID-19 "made in Viet Nam" Nano Covax sẵn sàng thử nghiệm giai đoạn 3
- Tây Y
- 18:47 - 02/06/2021
Báo Sức khỏe và Đời sống cho biết, vắc xin phòng COVID-19 Nano Covax do các nhà khoa học của Công ty Nanogen và Học viện Quân y nghiên cứu, phát triển, đến nay đã trải qua 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 18/12/2020; giai đoạn 2 từ ngày 26/2/2021. Riêng giai đoạn 2, được triển khai tại 2 địa điểm là Học viện Quân Y và Trung tâm y tế Bến Lức- Long An.
Theo PGS.TS. Hồ Anh Sơn, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự (Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng), đến thời điểm hiện tại, giai đoạn 2 thử nghiệm vắc xin Nano Covax đã đi được gần hết chặng đường. Các tình nguyện viên tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 6 tháng, tính từ thời điểm tiêm mũi đầu tiên.
Sau mũi tiêm thứ 2, các tình nguyện viên được khám sức khỏe (xét nghiệm máu, đo huyết áp…) 1 lần/tuần để đánh giá lượng kháng thể xuất hiện trong cơ thể; sau đó tiếp tục được theo dõi trong vòng 6 tháng để lấy thông tin, đánh giá sức khỏe cũng như khả năng sinh miễn dịch. Đến nay 100% tình nguyện viên tiêm vắc xin Nano Covax đều sinh kháng thể trong máu.
“Lượng kháng thể với virus SARS-CoV-2 của tất cả các tình nguyện viên đều tăng, sức khỏe an toàn, không có trường hợp phải xử lý thuốc, cấp cứu... Đây là một tín hiệu rất mừng, là thông tin cực kỳ đáng khích lệ, cho thấy đến hiện tại, vắc xin an toàn với người được tiêm”- PGS.TS. Hồ Anh Sơn chia sẻ.
Liên quan đến Vaccine Nano Covax "made in Viet Nam", báo Tin tức của TTXVN cho hay, Vaccine Nano Covax (của Nanogen) đang gấp rút chuẩn bị bước sang giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng. Vaccine COVIVAC (của IVAC) cũng đang chuẩn bị cho giai đoạn thử nghiệm tiếp theo.Các vaccine COVID-19 của Việt Nam đang chạy đua về đích, để hướng tới chủ động nguồn vaccine trong nước.
Về tiến độ của vaccine COVIVAC, PGS.TS Vũ Đình Thiểm, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết: Hiện vaccine này đang giai đoạn 1 thử nghiệm lâm sàng; đã có 120 người tham gia nghiên cứu. Các mẫu huyết thanh của người tình nguyện trước khi tiêm liều đầu tiên, trước khi tiêm liều thứ 2 và 14 ngày sau khi tiêm liều thứ 2 sẽ được gửi sang Canada để làm xét nghiệm.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2 vaccine COVIVAC cũng mất khoảng 3-4 tháng mới có thể hoàn thành và báo cáo giữa kỳ, sau đó dựa trên kết quả này, Bộ Y tế sẽ cho phép tiêm trên số lượng bao nhiêu người trong giai đoạn tiếp theo và tiến tới cấp phép.
Cũng như Nanogen, mọi chuẩn bị về cơ sở vật chất, nguyên vật liệu đã được IVAC chuẩn bị sẵn sàng để khi có kết quả của giai đoạn 3 thì sẽ có thể sản xuất ngay và đưa vào sử dụng.
Bộ Y tế đã đề cập đến việc cấp phép khẩn cấp cho vaccine COVID-19 của Việt Nam, về vấn đề này theo PGS.TS Vũ Đình Thiểm, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết: Việc cấp phép cũng phải trải qua kết quả giai đoạn 3 và sau giai đoạn 3, đánh giá tính an toàn, đánh giá tính sinh miễn dịch, kháng thể trên số lượng người lớn hơn số người tham gia nghiên cứu rồi mới cấp phép có điều kiện trong tình trạng khẩn cấp. Về vấn đề này, Việt Nam đang đi theo các nước trên thế giới trong việc cấp phép vaccine trong tình trạng khẩn cấp. Với khá nhiều vaccine, đã chứng minh được tính an toàn, tuy nhiên trong thử nghiệm lâm sàng không thể thu nhận được tất cả các biến cố bất lợi của vaccine với tỷ lệ tới 1 vài phần triệu; vì số người trong giai đoạn thử nghiệm kể cả giai đoạn 3 cũng mới chỉ vài chục nghìn người. Nhiều sự cố, phản ứng chỉ khi đưa ra sử dụng thực tế mới ghi nhận được.